Một bộ phận cán bộ gây tai tiếng do tham nhũng, lợi ích nhóm

VietTimes – Tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết như vậy khi trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 trước Quốc hội .
Tổng thanh tra Chính phủ  Lê Minh Khái. Ảnh: Tuổi trẻ
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo Báo cáo của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2017 đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt và dự báo trong thời gian tới thì sự quyết tâm, quyết liệt sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng xác nhận thực tế, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.

Công tác phát hiện, điều tra tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chưa đạt được tiến độ đề ra. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt – báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Còn theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khi báo cáo trước Quốc hội, thì có "một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm".

Nguyên nhân, theo ông Khái, là do việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém, một số nơi còn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm, tham nhũng. Việc đánh giá trách nhiệm của của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể.

Nguyên nhân nữa là do một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng năm chậm được ban hành. Việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật vẫn còn chậm – Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – bà Lê Thị Nga - cho biết cơ bản Ủy ban tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga nhận xét một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng của Chính phủ vẫn còn hình thức, hiệu quả thấp. Việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị của Chính phủ có cải thiện so với những năm trước, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.

Cụ thể, theo bà Nga, qua kiểm tra tại gần 8.000 đơn vị, chỉ phát hiện 66 trường hợp có vi phạm về công khai, minh bạch.

Về kê khai tài sản, thu nhập năm 2017, số lượng bản kê khai là rất lớn (1,113 triệu), nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý. Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vnChủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn

Theo bà Nga, thực tế này cho thấy biện pháp phòng ngừa này còn hình thức, hiệu quả thấp. Nguyên nhân do chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện và xử lý đối với những trường hợp này.

Đặc biệt, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ … - bà Nga khẳng định

“Đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để ngăn chặn tình trạng này”- bà Lê Thị Nga nói.

Bên cạnh đó, việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu từ nhiều năm nay – Theo Ủy ban pháp luật Quốc hội. Dẫn chứng, theo bà Nga, thời gian qua toàn quốc phát hiện được 15 vụ với 21 đối tượng qua tự thanh tra, kiểm tra.

Còn qua khảo sát của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội tại 6 địa phương, chỉ có Long An là phát hiện được tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ.

Đã thế, khi phát hiện cán bộ, nhiều cơ quan, tổ chức không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào. “Cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm” – bà Nga cho biết .

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã được quy định rất rõ ràng, nhưng thực hiện lại không nghiêm. "Nhiều cơ quan, đơn vị không chỉ coi đó là thiếu sót, khi phát hiện ra thì xin lỗi, mà xin lỗi không được thì…. thành thật xin lỗi" - đại biểu Phương nói.