Mối làm ăn một thời giữa VN Pharma và Pharbaco...

VietTimes - Sự lớn mạnh của VN Pharma trong các thương vụ đấu thầu thuốc khiến công ty này nhanh chóng trở thành đối tác "ruột" của nhiều công ty sản xuất thuốc, trong đó có CTCP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước năm 2014, CTCP VN Pharma (VN Pharma) sẽ vẫn là một cái tên xa lạ đối với những người ngoại đạo, không hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm. Không có nhiều thông tin về VN Pharma cho đến khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Minh Hùng của công ty này bị bắt giữ để phục vụ điều tra với tội danh làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita chữa ung thư.

Được thành lập từ năm 2011, CTCP VN Pharma (VN Pharma) chỉ mất vài năm để khẳng định chỗ đứng trên thị trường đấu thầu thuốc bệnh viện, với việc trúng thầu hàng loạt hợp đồng có giá trị lớn.

Nhưng theo báo cáo của một công ty phân tích, VN Pharma không phải là một nhà sản xuất dược phẩm mà chỉ là đơn vị nhập khẩu, phân phối và tham gia đấu thầu thuốc bằng một danh mục thuốc do các đơn vị khác sản xuất, trong đó có CTCP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco).

Theo tìm hiểu của VietTimes, doanh thu của Pharbaco sụt giảm mạnh và tạo đáy vào năm 2015, cùng thời điểm xảy ra những biến cố với VN Pharma. Trong giai đoạn sau đó, doanh thu của công ty có hướng hồi phục trở lại và đạt mức 1.215,25 tỷ đồng vào năm 2018 nhờ những đóng góp của các cổ đông tư nhân.

Kết quả kinh doanh của Pharbaco giai đoạn 2014 - 6T/2019

Kết quả kinh doanh của Pharbaco giai đoạn 2014 - 6T/2019

Đánh giá về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015, ban giám đốc Pharbaco cho rằng tiềm lực kinh tế tài chính của công ty còn hạn chế dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh chưa tốt. Tuy nhiên, lãnh đạo Pharbaco cũng tiết lộ một lý do rất đáng chú ý.

“Đặc biệt cuối năm 2014, đối tác phân phối các sản phẩm đặc biệt có giá trị lớn và hiệu quả điều trị cao gặp rủi ro về mặt cá nhân lãnh đạo, do đó ảnh hưởng rất lớn đến Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco 04 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015.

Để đảm bảo an toàn tài chính, Công ty đã quyết định dừng không cung cấp hàng cho đối tác này và chấp nhận ảnh hưởng đến Doanh thu, lợi nhuận và việc làm của Công ty trong 08 tháng đầu năm 2015. Trong thời gian này, Công ty đã cố gắng nỗ lực cao nhất để chuyển đổi sở hữu sản phẩm, thanh lý tất cả các hợp đồng với đối tác phân phối cũ, lựa chọn, hợp tác với các đối tác phân phối mới và đã chuyển đổi thành công quyền sở hữu sản phầm, 04 tháng cuối năm 2015 việc sản xuất kinh doanh của công ty mới trở lại bình thường” - báo cáo đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của ban tổng giám đốc Pharbaco cho biết.

Đi cùng những sự chuyển biến này, số dư tại một số khoản mục trên báo cáo tài chính của Pharbaco - phần nào thể hiện những giao dịch giữa Pharbaco và VN Pharma - cũng sụt giảm rõ rệt.

Trích BCTC hợp nhất năm 2015 của Pharbaco.

Trích BCTC hợp nhất năm 2015 của Pharbaco.

Tại thời điểm đầu năm 2015, Pharbaco ghi nhận hơn 30,54 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, chiếm tới 34,74% tổng giá trị của khoản mục này, với VN Pharma.

Ở chiều hướng ngược lại, VN Pharma cũng sắm vai “người mua” khi trả trước cho Pharbaco hơn 1,52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty con của VN Pharma là Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (nay đổi tên thành Công ty TNHH MTV Dược Đồng Trí) cũng trả trước cho Pharbaco gần 863,5 triệu đồng.

Tới cuối năm 2015, Pharbaco không ghi nhận số dư với các công ty này.

Giai đoạn 2016 - nay, số dư với VN Pharma và các công ty liên quan không còn chiếm tỷ trọng lớn trong khoản mục phải trả hoặc phải thu trên báo cáo tài chính của Pharbaco. Thay vào đó là những cái tên mới như: CTCP Appollo (Appollo), Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường (Dược phẩm Huy Cường), Công ty CP Sài Gòn Pharma (Sài Gòn Pharma).