Ngày14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật tiếp cận thông tin.
Phát biểu mở đầu buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Luật tiếp cận thông tin cần quy định rõ, thông tin gì được tiếp cận, thông tin gì được tiếp cận một nửa và tại sao phải chờ luật khác.
“Nếu luật này không giải quyết mục thông tin, không giải quyết được việc thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào không được tiếp cận thì coi như không có giá trị”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, tất cả điều này đã có, nằm ở pháp lệnh, không khó gì cả. Vì vậy, trong trường hợp không làm kịp thì kỳ họp thứ 11 này chưa thông qua để chuẩn bị tiếp.
Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Điều 6 giải trình của Ủy ban Pháp luật không khớp.
Bà Mai cho biết việc mở rộng chủ thể được tiếp cận thông tin là rất hay. Ví dụ người ta đến trường hỏi về học phí thì phải công khai.
“Tuy nhiên, tại Điều 6 quy định, chỉ cung cấp thông tin cho người dân trên địa bàn thôi là không hợp lý. Không lẽ người ở nơi khác đến mua đất hỏi đòi cung cấp thông tin về mảnh đất lại không cung cấp. Chỉ cần có chứng minh thư nhân dân thì nên cung cấp cho người ta”, bà Mai nói.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho biết, quy định như Điều 14 là chưa đủ. Hiện nay có nhiều luật tiếp cận và công khai thông tin, xung quanh các vấn đề tài chính nhà nước, khám chữa bệnh, ngân sách NN, kế toán, phòng chống tham nhũng… nhưng quy định những thông tin cần được công khai thì thiếu rất nhiều.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có lẽ phải rà soát thêm, quy định như thế nào để tránh công khai thông tin và người dân được tiếp cận thông tin đã quy định trong luật chuyên ngành như: ngân sách NN, học phí, chất lượng giáo dục, kết quả đầu ra…
“Cần quy định rõ thông tin nào cần công khai hay những thông tin nào luật chuyên ngành đã quy định rồi thì không nhắc lại, hay thông tin nào hạn chế, không công khai, mức độ hạn chế”, bà Ngân nêu quan điểm.
Giải trình thêm các ý kiến của các đại biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong Luật tiếp cận thông tin những cái gì công khai thì đang cố gắng để rà soát lại và sẽ tiếp tục rà soát nữa để cụ thể hơn nữa.
Theo ông Cường, hiện nay tất cả các nước, khi nói về tài liệu mật thì đều có quy trình giải mật. Luật này có quy định, tất cả những cái gì không là mật hoặc đã được giải mật thì đều có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhân dân.
“Sẽ có quy định, đối tượng nào được tiếp cận tài liệu mật. Nhưng đó không phải là quyền của công dân bình thường, còn luật này quy định cho công dân bình thường”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Trước giải trình của Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến: “Anh cho người ta cái quyền đóng dấu mật. Vì vậy, anh tỉnh, huyện, xã chỉ cần đóng dấu mật vào là không phải cung cấp thông tin. Do đó, phải có quy định cấm, nội dung nào không được coi là mật. Cái nào là mật thì phải quy định vào đây. Còn anh mở cửa để cho người ta đóng dấu mật thì luật này không có giá trị”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong Luật này cần nói rõ cái nào là mật. Cái nào không là mật thì phải cung cấp.
Trước chất vấn của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, sẽ trao đổi với Ban soạn thảo dự án Luật Bí mật Nhà nước để tránh chồng chéo.
Theo Bộ trưởng Tư pháp cần đưa ra quy định để tránh lạm dụng trong việc tiếp cận thông tin, chỉ cung cấp thông tin cho anh đến lần thứ 2, còn lần thứ 3 trở đi phải có lý do chính đáng, như hỏa hoạn, lũ lụt bị mất thông tin. Nếu không thì không kiểm soát nổi. Hôm nay xin Bộ Tư pháp cung cấp, ngày mai sang Bộ Công Thương, ngày kia xuống Hà Nam xin cùng 1 thông tin….
“Ví dụ thời điểm chuẩn bị lấy tín nhiệm, vì lý do nào đó người ta kéo đến bộ nào đó yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể có trường hợp lợi dụng ở đây”, Bộ trưởng Tư pháp lo ngại.
Dự thảo Luật tiếp cận thông tin quy định, công dân có quyền tiếp cận thông tin; tự do tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước công khai; yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và sử dụng thông tin theo quy định của Luật này.
Người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và sử dụng thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật.
Người chưa thành niên thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và sử dụng thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp Luật trẻ em có quy định khác.
Theo quy định của dự án Luật, về nguyên tắc mọi công dân bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Theo Infonet