Miền Trung oằn mình trong trận mưa lũ lịch sử

VietTimes -- Tối qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp vào miền Trung chỉ huy chống lũ. Mưa lũ kéo dài 2 ngày qua ở miền Trung đã khiến 21 người chết, gần 30.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 202 ha hoa màu ngập nặng, 2.400 cây xanh đổ, gãy 205m đường giao thông bị sạt lở... 
Quảng Bình chìm trong lũ
Quảng Bình chìm trong lũ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình mưa lũ ở miền Trung vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Mưa lớn xảy ra ở nhiều nơi với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi trên 500mm.

Mưa lụt ở Hà Tĩnh đêm 14/10/2016

Lũ tại các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị tiếp tục dâng cao ở mức báo động 2, báo động 3 gây ngập lụt ở nhiều nơi. Đã ghi nhận có người chết và mất tích do bị lũ cuốn trôi. Nhiều nhà cửa, hoa màu, cây xanh, cột điện, đường giao thông… bị hư hỏng do mưa lũ và dông lốc.

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến 20 giờ tối 14/10 đã có 5 người chết (Quảng Bình 3, Thừa Thiên Huế 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4), 12 người bị thương (Quảng Trị 3, Huế 2, Quảng Bình 7).

Người dân phải di chuyển bằng thuyền trên...đường ngập nước

Ngoài ra, mưa lũ cũng nhấn chìm và làm hư hỏng gần 30.000 ngồi nhà; 202 ha hoa màu, 42 ha cây lâu năm, 470 ha cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị ảnh hưởng thiệt hại; 2.400 cây xanh đô thị bị đổ, gãy; 205m đường giao thông bị sạt lở..

Hàng ngàn ngôi nhà ở Hà Tĩnh, Quảng Bình chìm trong nước lũ

Theo thông tin cập nhật từ Bộ Giao thông Vận tải, đến chiều 15-10, nhiều đoạn trên quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Bình vẫn bị ngập sâu nên hàng ngàn xe tải, xe khách qua địa phận tỉnh này đã bị mắc kẹt.

Ngoài quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn từ Km909 đến Km912 đoạn qua xã Thương Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cũng bị ngập. Nếu lượng mưa giảm thì tối 15-10 xe có thể đi qua được đoạn này.

Những con đường chìm trong nước

Mưa lũ cũng làm sạt lở và ngập một số đoạn đường sắt khiến các đoàn tàu Bắc – Nam cũng bị gián đoạn tại Quảng Bình. Hiện, ngành đường sắt đang phải dừng 23 đoàn tàu khách và 20 tàu hàng để chờ thông đường sắt. 

Đặc biệt, trên tuyến đường từ Hương Phố (Hà Tĩnh) trở vào đến Sa Lung (Quảng Trị) hiện có 12 điểm sạt lở và ngập nước khiến các đoàn tàu không thể lưu thông. Khoảng cách từ mép điểm sạt lở đến mép ray ngoài cùng chỉ còn 1,2 m.

Riêng tàu SE19 tại ga Lệ Sơn bị cô lập, đến chiều 15-10, 132 hành khách, trong đó 96 khách quốc tế mắc kẹt trên tàu đã được chở bằng xuồng qua điểm ngập, sau đó được xe chở bằng đường bộ đến các ga tiếp theo để đi tàu.

Nguồn VNExpress

Từ tối nay và cả ngày mai 16-10, các đoàn tàu từ Nam ra Bắc sẽ dừng ở ga cuối là ga Đồng Hới, Quảng Bình.

Mưa lũ không chỉ khiến đường bộ và đường sắt bị tê liệt, đường hàng không cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết thời tiết xấu tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã ảnh hưởng đến hoạt động cất hạ cánh của tàu bay đi và đến khu vực này.

Tình hình cụ thể của các tỉnh như sau:

Tại Nghệ An, một số huyện giáo ranh với Hà Tĩnh cũng đang tình trạng nước dâng cao gây ngập cục bộ. Một số tuyến đường nối Đức Thọ Hưng Nguyên bị chia cắt do nước sông La dâng cao.

Tại Hà Tĩnh: Mưa lớn gây ngập lụt 9 xã tại huyện Hương khê, 6 xã của huyện Cẩm Xuyên; 2 xã (Kỳ Thượng và Kỳ Lạc) tại huyện Kỳ Anh bị cô lập, phải di dời 29 hộ dân; nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh bị ngập gây cản trở giao thông.

Đặc biệt, khoảng 17h ngày 14/10, thủy điện Hố Hô ở địa phận giáp ranh giữa Quảng Bình và huyện Hương Khê xả nước khiến người dân gần 10 xã vùng hạ du phải đánh kẻng chạy lũ, leo nóc nhà tránh lũ cả đêm.

Việc xả lũ ở Hà TĨnh khiến nhiều gia đình phải lên nóc nhà tránh lũ

Tại Quảng Bình: Đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn K900-K911 (huyện Minh Hóa) bị ngập 0,8m; đường sắt Băc Nam qua xã Văn Hóa (huyệnTuyên Hóa) bị ngập; các tuyến đường quốc lộ: 9b, 15, 12A, tỉnh lộ 559, 559B, 561, 570B, 561 bị ngập sâu 0,5 – 0,8m gây ách tắc giao thông.

Các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1m – 2,8m gây chia cắt nhiều địa bàn: đường vào bản đồng bào Rục, đường nối xã Tân Hóa và Minh Hóa, đường Hồ Chí Minh vào xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa); đường từ thị trấn Hoàn Lão đi các xã Hoàn Trạch, Vạn Trạch, Tây Trạch và đường từ trụ sở xã Cợ Nẫm đi các thôn Hà Môn, Mỹ Sơn (huyện Bố Trạch); đường liên xã Cảnh Hóa đi Phù Hóa (huyện Quảng Trạch).

Hình ảnh thương tâm

Quảng Bình đã thực hiện di dời 78 hộ (Quảng Trạch), 1.500 hộ (Bố Trạch) và 278 hộ (huyện Tuyên Hóa) đến nơi an toàn.

Tại Quảng Trị: Mưa lớn đã gây ngập lụt một số tuyến giao thông nông thôn gây chia cắt nhiều vùng trũng thấp của huyện Hải Lăng. Đến 20h ngày 14 mưa đã giảm, nước rút, giao thông cơ bản bình thường, trừ tại một số ngầm tràn.

Tại Thừa Thiên Huế: Mưa lớn từ đêm 13 đến sáng 14/10 đã gây ngập lụt một số tuyến đường tại thành phố Huế và huyện Phong Điền từ 0,2 – 0,3m; đến tối 14/10 nước đã rút, giao thông trở lại bình thường.

Các địa phương vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích, chỉ đạo các lực lượng tiếp tục sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ và khắc phục hậu quả.

Thủ tướng cũng đã có công điện gửi 3 bộ, 7 tỉnh thành và nhiều cơ quan khác chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục các sự cố do mưa lũ đang diễn ra ở các tỉnh miền Trung, nhất là giải phóng trình trạng ung tắ, chia cắt trên nhũng tuyến đường giao thông huyết mạch.

Ngoài ra, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về PCTT&TKCN yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình mưa lũ đến người dân.

Tổ chức kiểm tra những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sơ tán dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng canh gác gác tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, đò dọc.

Kiểm tra các hồ chứa, chủ động xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra.

Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, huy động lực lượng khắc phục hậu quả.

Hiện tại, siêu bão Sarika đã vượt qua đảo Ludong (Philippin) và đang tiến vào biển Đông. Dự kiến miền Trung sẽ phải hứng chịu của cơn bão này. 

Dự kiến đường đi của siêu bão Sarika 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, lúc 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon, Philippines khoảng 280km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16-17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến 13 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội.

Tổng hợp