Microsoft kiện Bộ Tư pháp Mỹ vì đọc trộm thư điện tử

Trong cuộc chiến bảo vệ thông tin riêng tư của khách hàng trên Internet, từ trước đến giờ các công ty công nghệ Mỹ thường thụ động phòng vệ hoặc phải lặng lẽ tuân phục để các cơ quan an ninh, tình báo tự do xâm nhập, lục soát hòm thư, chặn nghe lén các cuộc liên lạc viễn thông của khách hàng.
Bradford L. Smith, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc pháp lý của Microsoft (ảnh New York Times).
Bradford L. Smith, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc pháp lý của Microsoft (ảnh New York Times).

uy nhiên, điều đó có thể phải thay đổi với việc hãng phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft chủ động tấn công vào cơ quan quản lý nhà nước để tái cân bằng cuộc chơi.

Tờ báo Mỹ New York Times đưa tin: Hãng Microsoft đang đưa đơn kiện Bộ Tư pháp Mỹ vì Bộ này thường xuyên sử dụng các “lệnh bí mật” nhằm ngăn cản Microsoft thông báo với khách hàng khi cơ quan chính phủ được tòa án cho phép đọc trộm thư điện tử của họ. Đơn kiện được Microsoft nộp lên Tòa án liên bang khu vực Seattle, nơi Microsoft đặt trụ sở chính, vào sáng ngày 14-4.

Trong đơn kiện, Microsoft khẳng định điều luật về “lệnh im lặng” trong Luật về quyền riêng tư trong truyền thông điện tử (ECPA) năm 1986 hiện đang được các cơ quan tư pháp Mỹ sử dụng là vi hiến. Theo Microsoft, điều luật này đã vi phạm quyền của khách hàng được bảo hộ tại Tu chính án thứ tư của Hiến pháp, đó là quyền được biết thông tin khi chính phủ lục soát, khám xét hoặc tịch thu tài sản; đồng thời điều luật đó cũng vi phạm quy định tại Tu chính án thứ nhất về quyền của hãng được thông tin với khách hàng của mình.

Vụ kiện của Microsoft khiến mọi người chú ý đến các vấn đề pháp lý ngày càng gay gắt giữa các công ty công nghệ với các cơ quan công quyền Mỹ, khi các công ty công nghệ chuyển sang sử dụng các hệ thống điện toán đám mây để lưu trữ thông tin cá nhân và doanh nghiệp. Các kho dữ liệu số đám mây chứa thư điện tử và tài liệu cá nhân lớn nhất hiện nay thuộc về các công ty như Microsoft, Google và Apple.

Trong đời sống thực, khi muốn thu thập hay kiểm tra thông tin cá nhân thì nhà chức trách phải vào một tòa nhà, lục soát các ngăn kéo hay ổ đĩa cứng máy tính. Khi đó mục tiêu sẽ biết được mình đang bị điều tra.

Còn trong hệ thống điện toán đám mây, tình hình không phải như thế, các nhà điều tra đi thẳng đến các công ty lưu giữ các thông tin đó để lục soát, mục tiêu điều tra không hề hay biết mình đang bị lục soát, thông tin của mình đã bị lấy đi, chỉ cần cơ quan điều tra có được tờ “lệnh bí mật” của tòa án. Sự ưu ái mà luật pháp an ninh hiện hành ở Mỹ dành cho các cơ quan điều tra tư pháp là họ dễ dàng lấy được tờ “lệnh bí mật” và được sử dụng chúng vô thời hạn.

Tòa nhà trụ sở Microsoft ở Mỹ (ảnh: Openbuildings.com)
Tòa nhà trụ sở Microsoft ở Mỹ (ảnh: Openbuildings.com)

Trong đơn kiện của mình, hãng Microsoft lập luận rằng, Chính phủ Mỹ đã “lợi dụng giai đoạn chuyển tiếp sang điện toán đám mây để tự mở rộng quyền hạn của mình trong các cuộc điều tra bí mật”. Bradford L. Smith, Chủ tịch Microsoft khẳng định “không thể để mọi người mất đi quyền của mình khi lưu trữ thông tin trên đám mây”.

Mỗi năm, Microsoft, cũng như nhiều công ty công nghệ cao khác, nhận đến hàng ngàn yêu cầu từ các công tố viên các cấp để truy xuất thông tin khách hàng. Và thỉnh thoảng các công ty cũng phải báo cáo các con số tổng quát. Tuy nhiên, ông Smith nói rằng, các cơ quan an ninh, điều tra ngày càng lạm dụng cái gọi là “lệnh im lặng” để buộc các công ty không được thông báo cho khách hàng của mình biết là họ đang bị bí mật điều tra.

Từ tháng 9-2014 đến tháng 3-2016, Microsoft đã nhận tất cả 5.624 yêu cầu truy xuất dữ liệu, thông tin khách hàng, gần một nửa số đó, tức 2.576 yêu cầu có kèm theo lệnh bí mật, tức “lệnh im lặng”. Ông Smith cho rằng, sự gia tăng đáng ngại này cho thấy sự lạm dụng “lệnh im lặng” đang trở thành phổ biến, không còn là trường hợp cá biệt nữa. Các công tố viên thường dựa trên một căn cứ không rõ ràng để tin rằng nếu việc lục soát của họ được thông báo, việc điều tra của họ có thể gặp trở ngại.

Vụ kiện của Hãng Microsoft là trường hợp đầu tiên một công ty công nghệ đi kiện cơ quan Chính phủ Mỹ vì quyền của khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng. Theo nhận định của báo chí, vụ kiện của Microsoft hoàn toàn khác với vụ tranh chấp của Hãng Apple với Cục Điều tra Liên bang (FBI) xung quanh việc mở khóa một chiếc điện thoại di động iPhone (của hung thủ trong vụ thảm sát ở San Bernadino).

Đơn kiện của Microsoft không nhằm vào một vụ việc đơn lẻ nào mà nhắm vào quy trình pháp lý liên quan đến các lệnh bí mật. Nó làm nổi bật vai trò tiên phong của hãng phần mềm danh giá này trong giới công nghệ và trong mắt khách hàng. Hầu hết người dùng dịch vụ công nghệ đều xem thư điện tử là tài sản riêng tư. Tuy nhiên, giữa quyền riêng tư và các lợi ích pháp lý của các cơ quan chính quyền vẫn còn một khoảng cách.

Vì thế, người ta xem vụ kiện của hãng phần mềm Microsoft như là một động thái mời gọi tòa án thực thi chức năng của mình là đặt luật pháp của cơ quan công quyền vào cùng chiều với lợi ích và nguyện vọng của người dân.

Vụ kiện có thể kéo dài trong nhiều tháng qua các kháng cáo tại tòa án, đồng thời có thể châm ngòi cho một cuộc tranh luận rộng rãi trong công chúng, nhất là những người sử dụng hộp thư điện tử trong giao tiếp, về việc chính phủ thường xuyên sử dụng các lệnh bí mật trong các cuộc điều tra. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang nghiên cứu hồ sơ vụ kiện để chuẩn bị cho cuộc đấu.

Ngoài việc đưa đơn kiện Bộ Tư pháp, Hãng Microsoft còn nỗ lực vận động Quốc hội Mỹ sớm để mắt xem xét cải tổ ECPA, cho dù Quốc hội có “nhúc nhích” hay không vẫn chưa thể bảo đảm chắc chắn.

Theo CAND