Microsoft đã bỏ tù người 'làm giả' phần mềm mà hãng... tặng miễn phí như thế nào?

Một người đàn ông tên Eric Lundgren sẽ phải ngồi tù 15 tháng vì bán các đĩa quang cho phép mọi người cài đặt lại hệ điều hành Windows trên các máy tính đã được đăng ký bản quyền. Một phiên tòa kháng cáo cấp độ liên bang diễn ra trong tuần này đã giữ nguyên bản án, nhưng thực sự thì đây có phải là một 'tội' không, và có thực sự đáng phải ngồi tù hay không?

Theo TechCrunch, Lundgren thực ra đã phạm phải một tội, và cũng đã thừa nhận về hành vi đó, nhưng đó lại chẳng phải là tội danh mà anh bị khép vào, tội danh mà Microsoft khăng khăng là anh đã thực hiện, tội danh khiến anh phải ngồi tù hơn một năm. Chuyện gì đã xảy ra?

Năm 2012, các cơ quan liên bang thu giữ một thùng hàng gồm các đĩa quang mà họ xác định là các bản sao "giả mạo" của hệ điều hành Windows, đang trên đường tuồn vào Mỹ - nơi Lundgren sẽ bán chúng cho các nhà bán lẻ. Các công tố viên Mỹ, với các chuyên gia của Microsoft trợ giúp đằng sau, đã tìm cách buộc anh này phải trả một khoản tiền phạt lên đến khoảng 8,3 triệu USD - tức bằng giá bán lẻ của một bản Windows nhân với tổng số lượng đĩa bị thu giữ.

Vấn đề ở đây là những chiếc đĩa kia không phải là các bản sao "giả mạo" của Windows, và chúng cũng thực sự chẳng đáng giá một xu nào cả. Tại sao?

Khi bạn mua một chiếc máy tính, trong giá bán máy thường đã kèm theo phí bản quyền của hệ điều hành đang cài trên đó, mà trong trường hợp này là Windows. Và đi kèm với máy thường sẽ có một chiếc đĩa, có tác dụng cho phép bạn cài lại hệ điều hành trong trường hợp có bất kỳ chuyện gì xảy ra (như nhiễm virus, hệ thống chạy chậm). Tất nhiên, đĩa cài đặt này chỉ hoạt động nếu bạn nhập vào mã bản quyền vốn được in trên một nhãn dán dính vào máy tính - còn được biết đến với tên gọi "Chứng nhận chính hãng".

Nhưng nếu bạn làm mất chiếc đĩa đó thì sao? Không phải lo lắng, vì từ trước đến nay, bản thân Microsoft đã luôn cung cấp các tập tin ảnh đĩa (disc image) để bạn có thể tự ghi một bản sao mới của chiếc đĩa kia mà không tốn khoản phí nào cả. Đến thời điểm này, bạn vẫn có thể làm điều đó, và bạn từng có thể có được chiếc đĩa đó mà chẳng cần mã bản quyền nào cả. Trên thực tế, đó là cách mà rất nhiều đĩa cài đặt Windows được tạo ra: bạn mua một mã bản quyền trực tiếp từ Microsoft hay một đại lý nào đó, sau đó tải tập tin ảnh đĩa về và tự ghi ra đĩa.

Tất nhiên, nếu bạn không có đầu ghi đĩa (ngày nay bạn có thể dùng USB thay thế), bạn có thể xin bạn bè, một cửa hàng chuyên tân trang đồ công nghệ được cấp phép, hay nhà sản xuất máy tính bạn đang dùng (như Dell, Lenovo...) hoàn toàn miễn phí.

Việc Lundgren đã làm là tự mình ghi hàng ngàn chiếc đĩa khôi phục kia, bán lại cho các cửa hàng sửa chữa hay tân trang để các cửa hàng này tiếp tục bán lại cho bất kỳ ai không có khả năng tự ghi đĩa với mức giá khá rẻ. Bạn chẳng cần phải gọi dịch vụ khách hàng của Alienware, chỉ cần đến một cửa hàng máy tính, bỏ ra vài tờ bạc lẻ là đã có một chiếc đĩa rồi!

Lundgren cũng chẳng phải là một tên lừa đảo tìm cách gạt một vài người cả tin để kiếm tiền tiêu vặt. Anh là một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực rác thải điện tử, ngày ngày làm việc để giảm thiểu việc thải chất độc từ số linh kiện điện tử lỗi thời ra môi trường và điều hành một công ty với khoảng 100 nhân công chịu trách nhiệm tân trang hoặc tái chế các máy tính và thiết bị điện tử cũ kỹ.

Cái sai thực sự của Lundgren - cũng là tội danh mà anh này bị tuyên án - là làm giả bao bì để Hải quan lầm tưởng đây là số đĩa của hãng Dell và cho qua cửa khẩu.

Nhưng việc cho rằng đây là phần mềm "giả mạo" là hoàn toàn sai lầm.

Phần mềm vs Bản quyền

Toàn bộ sự việc xoay quanh sự thật rằng Microsoft và mọi nhà sản xuất phần mềm khác đều không chỉ đơn thuần bán phần mềm. Thứ họ bán là "bản quyền" - giấy phép sử dụng phần mềm đó. Bởi phần mềm có thể dễ dàng bị sao chép từ máy tính này sang máy tính khác, do đó nếu bạn làm ra một chương trình mà ai cũng có thể cài đặt được, chẳng sớm thì muộn nó sẽ bị đưa lên thị trường phần mềm lậu. Một cách hiệu quả hơn nhiều là phân phối phần mềm miễn phí, nhưng chỉ mở khóa cho người dùng sử dụng nếu họ bỏ tiền ra mua một mã bản quyền đặc biệt: một giấy phép sử dụng, hay một mã sản phẩm.

Khi bạn mua một bản sao của Windows, bạn thực ra đang mua giấy phép sử dụng Windows, không phải mua từng bit hay byte tạo nên hệ điều hành đó. Microsoft thậm chí còn cho phép người dùng tải về các tập tin ảnh đĩa đã được cập nhật đầy đủ từ website của họ. Bạn có thể tải chúng về và cài đặt một cách dễ dàng. Nhưng nếu không có một mã bản quyền, hệ điều hành sẽ không hoạt động trọn vẹn; nó sẽ "mè nheo" bạn, loại bỏ bớt các chức năng, và có khi còn tắt hoàn toàn. Chẳng ai có thể nhầm lẫn giữa hệ điều hành không bản quyền với một bản sao bản quyền của hệ điều hành cả.

Sự khác biệt giữa phần mềm và giấy phép bản quyền là một vấn đề quan trọng. Trong trường hợp của Lundgren, đó là sự khác biệt giữa một hộp đầy đĩa khôi phục Windows trị giá hàng triệu USD - chính là những gì các công tố viên khẳng định ban đầu - và chẳng đáng giá một đồng nào - chính là những gì một chuyên gia làm nhân chứng và các luật sư của Lundgren phản bác lại.

Quan trọng hơn, đó là sự khác biệt giữa một người phải chịu án tù 15 tháng vì một tội phi bạo lực chẳng gây hại đến ai và chẳng gây ra thiệt hại tài chính thực sự nào, và cũng vẫn người đó phải nhận hình phạt thích đáng với tội danh "làm giả nhãn hiệu".

Một người đại diện Microsoft cho biết họ muốn các khách hàng tin tưởng phần mềm của mình, do đó việc theo đuổi những kẻ làm giả sản phẩm là ưu tiên hàng đầu. Rốt cuộc thì nếu bạn mua một chiếc đĩa DVD Windows giả, giá rẻ trên eBay, rồi phát hiện ra chiếc đĩa đó bị nạp đầy malware, thì đó quả là một tin chẳng mấy tốt lành đối với người tiêu dùng và làm tổn hại thương hiệu Microsoft. Thực sự thì đây cũng là một lý do rất hợp lý.

Microsoft đã nói trong một tuyên bố chính thức rằng: "Chúng tôi tham gia vào các vụ việc như thế này vì phần mềm giả mạo sẽ khiến khách hàng gặp nguy hiểm với malware và nhiều loại hình tội phạm kỹ thuật số khác. Có những cách tân trang máy tính và tiết kiệm rác thải trách nhiệm hơn, nhưng anh Lundgren lại cố ý đánh lừa mọi người về phần mềm mà họ đang mua và đặt an toàn của họ trước những nguy cơ không đáng có".

Eric Lundgren

Đầu tiên, cần nhắc lại là ghi chép của phiên tòa cho thấy các bài kiểm tra đã khẳng định những chiếc đĩa của Lundgren là những bản sao thông thường hoàn hảo của phần mềm mà Microsoft cung cấp miễn phí. Các công tố viên đã thử cài đặt nhiều lần và không gặp phải vấn đề gì bất thường. Lập luận của họ dựa vào sự thật rằng chúng là những bản sao hoàn hảo, không phải là những chiếc đĩa đã bị can thiệp. Điều này có lẽ chẳng tác động đến lý do mà Microsoft theo đuổi vụ việc, nhưng nó sẽ có những ý nghĩa nhất định đối với toàn phiên tòa.

Lundgren "lừa" mọi người rằng đây là một chiếc đĩa chính thức từ Dell. Đó là một tội phạm và anh ta đã thừa nhận điều đó. Nhưng những chiếc đĩa kia chẳng khác gì với đĩa của Dell trừ việc...chúng không được đóng gói như cách Dell làm với đĩa của mình. Microsoft đã từ chối kiểm định xem những chiếc đĩa kia liệu có chứa malware hay không, bởi theo hãng thì điều đó chẳng có nghĩa lý gì trong vụ việc cả. Thật là kỳ quặc, khi mà việc kiểm tra tính nguyên vẹn và nội dung của một chiếc đĩa chứa dữ liệu do chính Microsoft cung cấp là điều hết sức bình thường, và nếu phát hiện ra malware hay những thứ tương tự, thì chúng sẽ là bằng chứng cho việc cố ý phạm tội của Lundgren và nguồn cung ứng của anh.

Nếu những chiếc đĩa kia giống hệt những đĩa mà chúng sao chép, thì tại tòa, người ta sẽ công bố rằng chúng hoạt động hoàn toàn bình thường, mà thực sự thì bản ghi của tòa đã ghi như vậy.

Từ các bản ghi của tòa, những chiếc đĩa bị thu giữ khi cài đặt xong cho ra một bản Windows bình thường, đã được kiểm chứng bởi nhiều bên

Hơn nữa, người ta không mua phần mềm trong đĩa. Những chiếc đĩa trong vụ việc là các bản sao "chưa được chứng nhận" của phần mềm được cung cấp miễn phí bởi Microsoft, nghe chẳng có gì liên quan đến vấn đề pháp lý, hay thậm chí chẳng có chút trọng lượng nào về mặt tu từ. Tôi có thể làm một chiếc đĩa khôi phục, sau đó làm một chiếc thứ hai cho bạn tôi vốn chẳng có đầu ghi DVD. Liệu bản sao đó có được chứng nhận hay không? Và làm sao nó lại "chưa được chứng nhận" nếu nó là một tập tin ảnh đĩa được cung cấp cho người dùng để phục vụ mục đích ghi đĩa khôi phục? Làm sao nó lại là hàng giả nếu nó chỉ là một bản sao của tập tin đó? Làm sao nó có thể bị "làm giả" nếu mô hình kinh doanh của Microsoft là buộc người dùng cuối phải mua một mã bản quyền để kích hoạt sản phẩm?

Nếu dữ liệu trên đĩa đáng giá, tại sao Microsoft lại cung cấp miễn phí? Chẳng có gì gọi là làm giả cả, bởi Lundgren chẳng hề bán bản quyền sử dụng phần mềm nào cả, trong khi đó mới là toàn bộ giá trị của phần mềm.

Thiệt hại gì vậy?

Nhưng làm thế nào mà phần mềm miễn phí này lại có thể gây thiệt hại lúc đầu là hàng triệu, rồi sau đó được giảm xuống chỉ còn hàng trăm ngàn USD?

Khi sự việc đã rõ như ban ngày rằng dữ liệu trên đĩa chẳng hề có chút giá trị nào nếu không có mã bản quyền, thì Microsoft lại cáo buộc những chiếc đĩa Lundgren bán ra nhằm mục đích cố ý rút ngắn, đi tắt đón đầu chương trình tân trang chính thức.

Chương trình tân trang chính thức là gì? Đó là một chương trình dành cho những hãng tân trang đã được đăng ký chính thức với Microsoft, trong đó các hãng này sẽ mua lại các laptop cũ, xóa sạch dữ liệu của chúng, rồi liên hệ với Microsoft rằng "Này, bán cho chúng tôi 12 bản quyền Windows 7 Home" - và được Microsoft giảm giá sâu từ 20-40 USD/bản quyền so với mức giá bán lẻ hàng trăm USD. Chương trình này khuyến khích mọi người tái sử dụng các phần cứng còn rất tốt và hạ giá thành - đều là những mục tiêu đáng để hướng tới.

Theo Microsoft, mỗi chiếc đĩa mà Lundgren bán cho các hãng tân trang gây thiệt hại doanh thu hệ điều hành từ 20-40 USD (nhân với 0.75 - tỉ lệ lợi nhuận), bởi nó sẽ được sử dụng thay cho quá trình đã được cấp phép chính thức. Đơn giản hơn, lấy 25 USD nhân với 28.000 đĩa, cho ra kết quả 700.000 USD, con số được dùng để xác định tính nghiêm trọng của tội do Lundgren phạm phải và hình phạt dành cho anh.

Có nhiều điều sai trong khẳng định này:

- Lundgren không nhất thiết phải bán những chiếc đĩa kia cho các hãng tân trang để dùng trong các máy tính tân trang - những chiếc đĩa đó sẽ rất hữu dụng với bất kỳ người dùng Dell nào muốn mua một chiếc đĩa khôi phục để dùng theo ý muốn của họ. Vụ việc này dựa trên một giả định chưa được chứng minh bởi bất kỳ lời khai hay bằng chứng nào.

- Những chiếc đĩa không phải là thứ Microsoft "bắt đền". Đĩa và dữ liệu trên đĩa được cung cấp miễn phí. Bất kỳ ai cũng có thể tải về một bản sao và tự ghi đĩa cho riêng mình, bao gồm cả các hãng tân trang. Microsoft "bắn đền" bản quyền để kích hoạt phần mềm trên đĩa. Bản thân những chiếc đĩa chỉ là một cách đơn giản để chuyển dữ liệu qua lại. Không có lý do nào để các hãng tân trang không mua đĩa từ Lundgren và đặt hàng bản quyền từ Microsoft.

- Các máy tính Dell (và hầu hết các máy tính được bán ngoài tiệm) đề đi kèm với một "Chứng nhận chính hãng" cùng một mã sản phẩm Windows tương ứng. Do đó xét về mục đích, những chiếc đĩa đó được tạo ra để bán cho, và dùng bởi, những người dùng Windows đã được chứng nhận và có bản quyền.

- Hơn nữa, rất nhiều máy tính đi kèm với "Chứng nhận chính hãng" (COA), nếu các hãng tân trang quyết định không mua một bản quyền mới sử dụng COA của máy tính đó, thì đó cũng không phải là lỗi của Lundgren và có thể dễ dàng hoàn thành với phần mềm miễn phí mà tự Microsoft cung cấp.

- Quá trình sử dụng COA thay vì mua một bản quyền mới không được Microsoft cho phép và có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Nhưng trong trường hợp này, bị cáo cho biết các công tố viên Mỹ đã thừa nhận rằng COA thuộc về phần cứng, không phải thuộc về người mua đầu tiên. Nhưng theo cách mà phiên tòa này diễn ra, thì nếu tôi bán máy tính cho một người bạn với Windows được cài sẵn, anh ta sẽ buộc phải mua một bản sao Windows mới để cài đè lên bản cũ - thật là vô lý!

- Không có thiệt hại nào cả. Thiệt hại mà Microsoft nêu ra hoàn toàn là trên lý thuyết và sai lầm. Một bản sao Windows không thể bị bán bởi nó được cung cấp miễn phí. Chỉ có mã bản quyền là có thể bán, và đó là doanh thu mà Microsoft khẳng định là bị ảnh hưởng. Nhưng Lundgren chẳng có và cũng chẳng bán bất kỳ mã bản quyền nào!

Một chuyên gia làm nhân chứng - Glenn Weadock - đã từng tham gia một vụ việc chống độc quyền của chính phủ chống lại Microsoft hồi năm 2001, đã xuất hiện tại tòa để tranh luận những luận điểm nêu trên.

Weadock đã được hỏi giá trị của số đĩa kia nếu không có bản quyền hay COA. "Zero hoặc gần như zero" - anh nói. Giá trị này là một "yếu tố tùy sở thích", tức một người có thể dùng đĩa làm sẵn thay vì tự mình ghi đĩa hoặc "xin xỏ" từ nhà sản xuất.

Thiệt hại thực tế

Điểm khác biệt giữa bán bản quyền để kích hoạt phần mềm và mang lại giá trị thực của nó, và phân phối phần mềm một cách miễn phí đến mọi người, đã hoàn toàn bị tòa bỏ qua.

Chuyên gia của chính phủ xác nhận rằng giá trị thấp nhất mà Microsoft thu của người mua trong thị trường các hãng tân trang máy tính đã đăng ký là 25 USD/đĩa. Dù chuyên gia của bị cáo xác nhận đĩa chứa phần mềm hệ điều hành của Microsoft không có hoặc có giá trị rất nhỏ khi không có mã sản phẩm hay bản quyền đi kèm, nhưng tòa cho rằng những xác nhận này không đáng tin cậy.

Bản thân chiếc đĩa là miễn phí. 25 USD là giá bản quyền đi kèm chiếc đĩa. Một khác biệt rất quan trọng.

Xác nhận cùng những tranh luận của Weadock đã bị các thẩm phán ngó lơ. Những người này quyết định rằng "thứ xâm phạm" là thứ làm hoặc có vẻ làm cho người mua bị nhầm lẫn là giống hoặc về cơ bản tương đương với thứ bị xâm phạm.

Thứ xâm phạm là chiếc đĩa. Thứ bị xâm phạm là bản quyền. Người mua không bị nhầm lẫn, nhưng các thẩm phán lại nhầm, nhờ Microsoft.

Theo họ thì việc Lundgrend khẳng định Microsoft bị thiệt hại tối thiểu là không chấp nhận được, bởi "việc Microsoft mất doanh thu phần mềm là hậu quả trực tiếp của các hành động của bị cáo".

Microsoft không bán đĩa. Họ bán bản quyền.

Lundgren thì ngược lại, không bán bản quyền, chỉ bán đĩa.

Đó là hai thức khác nhau với giá trị khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Và Lundgren phải đi tù 15 năm vì thẩm phán không hiểu được những khái niệm cơ bản của hệ sinh thái phần mềm hiện đại.

Dựa trên tính toán của Lundgren thì nếu tính toán thiệt hại, mỗi chiếc đĩa sẽ có giá 4 USD, và anh vẫn sẽ ngồi tù. Nhưng tòa lại đưa ra một quyết định thiếu chính xác dựa trên một hiểu lầm có thể tước đi hơn 1 năm cuộc đời của một người, đó là chưa kể thời gian và tiền bạc bị lãng phí để giải thích cho những người không hề chịu nghe trong vài năm qua.

Microsoft không thể nói mình đơn thuần là nạn nhân hay kẻ ngoài cuộc. Hãng đã làm việc với FBI và các công tố viên trong việc theo đuổi các hình phạt hình sự để đưa bị cáo vào tù. Kết quả, hình phạt được đưa ra bị cường điệu hóa một cách điên rồ và nghiêm trọng hơn nhiều so với tội thực sự mà Lundgren phạm phải.

Công ty này có thể thay đổi lời khai bất kỳ lúc nào, họ có thể cho thẩm phán biết sự khác biệt giữa thứ xâm phạm và bị xâm phạm - những khái niệm Microsoft quá rành rẽ xét việc hãng bán một thứ với giá hàng trăm USD và cho thứ kia miễn phí. Hãng có thể cảnh báo bên truy tố rằng sử dụng luật bản quyền trong trường hợp này sẽ dẫn đến một hình phạt hoàn toàn không cân xứng với tội phạm, hoặc theo đuổi một vụ kiện dân sự.

Vụ việc này đã diễn ra nhiều năm trời và Microsoft đã hỗ trợ nó từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc; và việc hãng đẩy Lundgren vào tù vì một tội anh ta chưa từng phạm phải, hay thuyết phục thẩm phán về sự sụt giảm doanh thu đều cho thấy hãng muốn tìm kiếm một phán quyết mạnh mẽ bằng mọi giá để ngăn chặn những người khác có hành vi tương tự Lundgren. Điều này cũng sẽ tạo tiền lệ xấu cho các phần mềm "miễn phí" khác, gây hoang mang cho không chỉ các nhà bán lẻ mà thậm chí là cả người dùng.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2474261/microsoft-da-bo-tu-nguoi-lam-gia-phan-mem-ma-hang-tang-mien-phi-nhu-the-nao