MBS: Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới

VietTimes – Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP dương trong năm nay. Với kỳ vọng GDP tăng trưởng quanh 4% trong năm 2020, Việt Nam là điểm sáng trong các quốc gia trong khu vực.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới
Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng năm 2020 và dự báo năm 2020 của CTCP Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm suy giảm mạnh so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết quả này vẫn khá tích cực nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực do Việt Nam dẫn đầu thế giới về khả năng kiểm soát dịch bệnh và động lực phục hồi kinh tế.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ đạt mức tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Quý 1 tăng 3,8% so với cùng kỳ, Quý 2 tăng 0,36% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong hơn 10 năm trở lại đây song vẫn là một thành tựu đáng ghi nhận trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng của một đợt suy thoái kinh tế nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố khách quan song nền kinh tế Việt Nam cũng cho thấy khả năng thích nghi và phục hồi cao khi vẫn đạt mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam qua các năm (Nguồn: MBS tổng hợp)
Tăng trưởng GDP của Việt Nam qua các năm (Nguồn: MBS tổng hợp)

Các yếu tố vĩ mô vẫn được giữ vững khi lạm phát, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán ổn định bất kể bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm nhờ sự điều hành chủ động và thận trọng của Chính phủ và NHNN ngay từ thời điểm dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát trên thế giới.

Lạm phát duy trì ở mức ổn định trong 6 tháng đầu năm mặc dù giá thực phẩm (cụ thể là giá thịt lợn) tăng rất mạnh bởi nguồn cung khan hiếm do tác động của dịch tả lợn châu Phi. CPI tháng 6/2020 tăng 0.66% so với tháng trước và giảm 0.59% so với tháng 12 năm trước. Tính trung bình 6 tháng, CPI tăng 4.19% so với cùng kỳ năm trước.

Môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, thu hút FDI đạt khá và diễn biến tỷ giá ổn định nhất so với các quốc gia trong khu vực.

Vốn FDI giải ngân ước tính 6 tháng 2020 đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; mức độ mua ròng trái phiếu Chính phủ của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt khoảng 2.200 tỷ đồng; Các NĐTNN bán ròng cổ phiếu với giá trị khoảng 123 triệu USD, tương đương 2.870 tỷ đồng.

Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù sức cầu hàng hóa của thị trường thế giới giảm mạnh vì dịch bệnh Covid-19 cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện khả quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mức xuất siêu là 4,04 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,21 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ. Cán cân thanh toán thặng dư và dự trữ ngoại hối vẫn được duy trì ở mức cao là 84 tỷ VNĐ.

Tăng trưởng GDP dự kiến Việt Nam với các quốc gia khác (Nguồn: MBS tổng hợp)
Tăng trưởng GDP dự kiến Việt Nam với các quốc gia khác (Nguồn: MBS tổng hợp)

Do đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP dương trong năm nay. Với kỳ vọng GDP tăng trưởng quanh 4% trong năm 2020, Việt Nam là điểm sáng trong các quốc gia trong khu vực với triển vọng GDP suy giảm mạnh bao gồm Thái Lan (-7%), Malaysia (-2%), Singapore (-3,5%), Indonesia (1%), Philippines (0.5%)./.