Mất tiền trong ví điện tử chỉ vì kém bảo mật thông tin cá nhân

VietTimes -- Gần đây, các vụ việc mất tiền trong tài khoản ví điện tử như một hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng khi người dùng bất cẩn, chậm thông báo cho ngân hàng khi mất thẻ hay sẵn sàng cung cấp mã bảo mật OTP cho người lạ chỉ qua... một cuộc gọi!
Nhiều chuyên gia bảo mật cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị mất tiền khi giao dịch điện tử nhiều phần là do chủ sử dụng thẻ thanh toán vô tình để lộ thông tin nên bị kẻ xấu lợi dụng. Ảnh: NHNN.
Nhiều chuyên gia bảo mật cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị mất tiền khi giao dịch điện tử nhiều phần là do chủ sử dụng thẻ thanh toán vô tình để lộ thông tin nên bị kẻ xấu lợi dụng. Ảnh: NHNN.

Gần đây, dư luận xôn xao khi một số người phản ánh bị mất tiền trong ví điện tử khi thực hiện thanh toán trên ứng dụng có liên kết thẻ thanh toán quốc tế.

Trường hợp anh Nguyễn Hữu Tiến (Huế) dùng ví điện tử Momo có liên kết thẻ VCB là một ví dụ. Vào ngày 1/12, khi có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng ví Momo, anh Tiến cung cấp mã OTP để sử dụng ví điện tử cho người gọi lạ đến từ số điện thoại Mobile tự xưng là nhân viên tư vấn của Tổng đài Momo. Đại diện Ví điện tử Momo cho biết, đây được xác định là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc anh Tiến bị kẻ gian sử dụng ví điện tử của anh để giao dịch mua mã thẻ.

Không chỉ anh Tiến, thực tế ghi nhận nhiều trường hợp sơ suất, vô tình để lộ thông tin thẻ tín dụng và bị kẻ gian lợi dụng nhập thông tin thẻ vào ví điện tử và tiêu tiền từ ví này.

Khuyến cáo cho người dùng ví điện tử
- Các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử không yêu cầu khách hàng cung cấp các mã xác thực (OTP) và mật khẩu (Passwords). Khi có vấn đề phát sinh, người dùng chỉ cung cấp các thông tin cá nhân như CMND, ngày tháng năm sinh khi tự trực tiếp gọi điện tới tổng đài CSKH để yêu cầu hỗ trợ, kiểm tra tài khoản của mình. 

- Những người dùng ví điện tử, tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu, thông tin cá nhân,... trên bất cứ phương tiện trao đổi nào. Đề cao cảnh giác đối với các cuộc gọi yêu cầu cung cấp các thông tin trên.

- Khi phát hiện bất thường, cần gọi điện ngay tới ngân hàng để khóa tài khoản và các giao dịch hiện có. 

3 điều cần nằm lòng để giao dịch điện tử an toàn:

1. Tuyệt đối giữ bí mật thông tin chủ thẻ, tuyệt đối không cho mượn thẻ để thanh toán, không chụp ảnh thẻ và nếu chụp ảnh thẻ thì phải làm mờ các chữ số in trên đó. Khi bị lộ thông tin thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc định mức tài khoản của khách hàng có thể bị kẻ gian tiêu mất tiền. Theo một thống kê gần đây, khoảng 70% thông tin cá nhân bị đánh cắp do khách hàng lơ là, không quan sát thẻ khi thanh toán. Thực tế ghi nhận nhiều người vẫn giữ thói quen đưa thẻ cho nhân viên quẹt trong khi kẻ gian hoàn toàn có thể chụp lại mặt trước và sau và lấy cắp thông tin.

2. Khi giao dịch thanh toán, chủ thẻ cần đảm bảo phải đứng ở vị trí có thể quan sát được toàn bộ quá trình thanh toán thẻ nhằm đảm bảo có thể ngăn chặn kịp thời các hành vi của kẻ gian khi lấy cắp thông tin thẻ của khách hàng.

3. Kiểm tra hóa đơn mua hàng và thông tin giao dịch được ngân hàng thông báo qua SMS/ Email… Tất cả các ngân hàng phát hành thẻ đều cung cấp cho chủ thẻ các thông báo giao dịch phát sinh thông qua tin nhắn SMS và sao kê hàng tháng thông qua email. Khi có tin nhắn về giao dịch phát sinh không hợp lý, chủ thẻ cần phải liên hệ ngay với ngân hàng phát hành thẻ để kịp thời giải quyết.