Masan Resources muốn trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghệ cao

VietTimes – Cùng với mục tiêu trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghệ cao, Masan Resources còn có kế hoạch đổi tên thành Masan High-Tech Materials.
Dây chuyền nhà máy hiện đại của MSR (Nguồn: Masan)
Dây chuyền nhà máy hiện đại của MSR (Nguồn: Masan)

Ngày 29/6, CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources - Mã CK: MSR) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials).

Trước đó, MSR đã hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (Đức) và tiến tới thực hiện kế hoạch trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghệ cao.

Thương vụ trị giá 41 triệu euro này sẽ mang lại cho MSR các trung tâm sản xuất tiên tiến ở mỗi khu vực thị trường trọng yếu như Bắc Mỹ, EU, châu Á – Thái Bình Dương, với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc.

Đồng thời, công ty có một nền tảng công nghệ tái chế tốt, vừa có thể mở rộng và nhân rộng ra mọi địa điểm cơ sở kinh doanh, vừa trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong nhiều phân khúc như dụng cụ khai thác dầu khí, dụng cụ cắt và bộ phận chống mài mòn.

Việc sáp nhập nhà chế tạo các sản phẩm vonfram công nghệ cao được kỳ vọng sẽ giúp công ty tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.

MSR dự báo thị trường vật liệu công nghệ cao sẽ phục hồi hình chữ V trong nửa cuối năm 2020. Do đó, công ty này đặt kế hoạch doanh thu ở mức thấp là 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông là 200 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, nếu thị trường khởi sắc hơn, MSR đặt mục tiêu doanh thu có thể lên đến 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 42% lên 500 tỷ đồng trong năm 2020.

Năm 2019, MSR có doanh thu thuần đạt 4.706 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018; lợi nhuận giảm 47% xuống còn 352 tỷ đồng. Với kết quả đó, công ty quyết định sẽ không chia cổ tức cho năm 2019./.