Mãn nhãn ngắm những bức tranh sơn mài bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khách tham quan thực sự mãn nhãn với những bức tranh sơn mài bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Dương Bích Liên (1924-1989) dựng lên một không gian núi rừng, trời nước bao la trong bức tranh sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”. Ảnh: BTMTVN
Dương Bích Liên (1924-1989) dựng lên một không gian núi rừng, trời nước bao la trong bức tranh sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”. Ảnh: BTMTVN

Với bút pháp phóng khoáng, dạt dào đầy cảm xúc, Dương Bích Liên (1924-1989) dựng lên một không gian núi rừng, trời nước bao la trong bức tranh sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” (99.8 x 180 cm, sáng tác năm 1980). Bác Hồ cùng con ngựa núi đang chuẩn bị qua suối, ngựa đóng yên, người áo nâu túi vải, bình tĩnh chuẩn bị vượt qua dòng lũ cuộn chảy với dáng vẻ thật ung dung. Người và chú ngựa – những nhân vật chính của tác phẩm hòa nhập vào một khối nhỏ chắc, đặt ở vị trí 1/3 bên phải tranh.

Không gian mênh mông của núi rừng, của đất, của trời được thể hiện cô gọn lại ở hai mảng màu chính vàng và xanh lục đậm gần như chia đôi tranh. Cái xao xác của núi rừng, của dòng nước cuộn chảy, của những mảng vàng sáng phía xa được thể hiện hết sức sinh động, không gian đậm nhạt nhiều lớp lang mà không gây cảm giác vụn vặt. Con người làm chủ thiên nhiên mà không cần gồng mình chống đỡ khoảng không vô cùng bao bọc; cử chỉ âu yếm, vỗ về của Bác với chú ngựa cho người xem một cảm thức sâu xa về tấm lòng nhân hậu của vị cha già dân tộc.

Năm 1952, Dương Bích Liên được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian gần một tháng sống và làm việc bên Bác, ông đã ghi chép nhiều kí họa về cảnh Bác làm việc, sinh hoạt. Chính nhờ sự tiếp xúc gần gũi với Bác mà Dương Bích Liên đã tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật mang nhiều cảm xúc, tình yêu với lãnh tụ, cách mạng, với các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam. Tác phẩm của của ông giàu chất hiện thực lãng mạn, thể hiện được vẻ đẹp của con người, thiên nhiên Việt Nam bằng bút pháp tinh tế. Tác phẩm được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2017. Hiện vật đang được trưng bày tại phòng 12.

“Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh: BTMTVN

“Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh: BTMTVN

Phải kể đến bức “Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tranh khổ 159 x 400 cm, gồm 8 tấm vóc ghép lại, trên đó thể hiện có hai bức tranh khổ lớn. Một mặt thể hiện bức tranh "Thiếu nữ trong vườn", mặt còn lại thể hiện bức tranh "Phong cảnh" (Dọc mùng).

Mặt thứ nhất, danh họa Nguyễn Gia Trí vẽ nhóm nhân vật nhiều dáng vẻ. Các thiếu nữ trong tà áo dài tha thướt, mỗi lứa tuổi được họa sĩ thể hiện ở những trạng thái và cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là vẻ đẹp đằm thắm, đài các, tự chủ của mệnh phụ; nét u buồn mơ mộng của thiếu nữ tuổi đang yêu; hay nét ngây thơ, hồn nhiên, trong trẻo của các thiếu nữ mới lớn. Tinh thần thư nhàn hòa quyện giữa con người và thiên nhiên cảnh vật. Toàn thể bức họa có nền vàng lộng lẫy, vừa toát lên không khí lễ hội vừa có nét lãng mạn trữ tình đặc trưng phương đông.

Mặt thứ hai diễn tả các lớp lá khoai, lá chuối, hoa, họa tiết sáng trên nền sẫm. Hai mặt tranh là hai ngôn ngữ tạo hình đặc biệt thể hiện đầy đủ tài năng bậc thầy của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong việc làm chủ chất liệu và kỹ thuật tạo hình tạo nên những không gian nghệ thuật huyền ảo.

Đây là một trong những tác phẩm sơn mài lớn được Nguyễn Gia Trí sáng tác ở thời kỳ đầu. “Bình phong” đã thể hiện được sự tìm tòi của tác giả, góp phần vào việc phát triển chất liệu sơn mài từ mỹ nghệ truyền thống trở thành chất liệu hội họa, đáp ứng mọi yêu cầu biểu hiện tạo hình của hội họa hiện đại. Tác phẩm được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2017. Hiện vật đang được trưng bày tại phòng 9 (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

“Gióng” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: BTMTVN

“Gióng” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: BTMTVN

Một bức họa sơn mài khổ lớn khác đang được lưu giữ và bảo quản tại đây là “Gióng” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Tác phẩm thể hiện chủ đề anh hùng dân tộc Thánh Gióng bằng ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật lập thể, vị lai. Sử dụng nhiều các nét kỷ hà, xen lẫn các yếu tố trang trí là những họa tiết, hoa văn vận dụng từ nghệ thuật Đông Sơn là các họa tiết trang trí phổ biến trên các rìu đồng, lá chắn ngực, văn hình zích zắc, văn hình vòng tròn đồng tâm…

Nguyễn Tư Nghiêm đưa người xem về một thời kỳ huyền sử xa xưa với cội nguồn văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ biểu hình của nghệ thuật phương Tây hiện đại. Hình tượng Gióng trong trang phục thường thấy ở các nhân vật thuộc nghệ thuật Đông Sơn cởi trần, đeo tấm chắn ngực, phần thân dưới bên ngoài lớp khố là những lớp xẻ vạt trước sau. Trang phục màu vàng nhạt, điểm các sắc ghi ánh cam, trắng… hòa cùng với sắc ghi xám bạc của con ngựa sắt tạo thành một mảng sắc trung gian điềm tĩnh trên nền son nhạt nóng ấm. Các vệt, chấm đỏ, vệt đen sậm như tia chớp ẩn hiện, khéo léo lồng phía trước và sau tranh làm chặt bố cục và nâng đỡ sức bay của hình tượng.

Qua sự chồng chéo hình thức, nhịp điệu, màu sắc và ánh sáng, tác giả thành công khi thể hiện một "cảm giác động" và tính đồng thời của các trạng thái tâm hồn, cấu trúc phức tạp của thế giới. Tác phẩm được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2017. Hiện vật đang được trưng bày tại phòng 16.

"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh: BTMTVN

"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh: BTMTVN

Một bức sơn mài khổ lớn (112.3 x 180 cm) được sáng tác từ năm 1963 của danh họa Nguyễn Sáng cũng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Với tác phẩm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ", Nguyễn Sáng đã dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái xiết tay đầy quyết tâm.

Trong lòng hào, diễn biến buổi kết nạp Đảng được diễn ra ngay tại chiến trường. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh. Hậu cảnh, một chiến sĩ đang hối hả ra trận như nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Bố cục chặt chẽ, hình thể khỏe khoắn, màu sắc chắc đậm, rền nảy.

Bức tranh là có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả, bất khuất. Tác phẩm được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2013. Hiện vật đang được trưng bày tại phòng 16.

Chiều 4/6, Văn phòng UNESCO phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón đoàn khách tới Phòng Trưng bày chuyên đề tầng 1 nhà B. Trong lịch trình tham quan thưởng lãm các tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng, khách được hướng dẫn tải và quét mã sử dụng iMuseum VFA để có thêm đa phương tiện với nhiều ngôn ngữ khác nhau, hướng dẫn thưởng thức nghệ thuật.