“Màn diễn” ấn tượng của quân Nga tại Syria

Điều cuối cùng cần nói là chiến tranh Syria về thực chất đã là một “chiến dịch quảng cáo” không chỉ cho quân đội Nga sau cuộc cải cách diễn ra từ năm 2009 mà cả cho vũ khí Nga.
Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160 không kích phiến quân tại Syria
Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160 không kích phiến quân tại Syria
Đại bộ phận lực lượng Nga sẽ rời Syria theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sự dính líu của quân đội Nga trong cuộc xung đột này đã thay đổi như thế nào và những nhiệm vụ gì đã được giải quyết.
“Bộ phận đáng kể” được rút về
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại căn cứ không quân Hmeimim (Tass)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại căn cứ không quân Hmeimim (Tass)
Trên đường đi thăm chính thức Ai Cập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ cánh giữa đường tại căn cứ không quân Nga Hmeimim ở Syria. Tại đây, ông đã hạ lệnh rút bộ phận đáng kể quân Nga khỏi quốc gia Cận Đông này.
“Trong hơn hai năm một chút, Các lực lượng vũ trang Nga cùng với quân đội Syria đã đánh tan nhóm khủng bố quốc tế có sức chiến đấu mạnh nhất. Vì thế, tôi đưa ra quyết định: một bộ phận đáng kể đạo quân Nga đóng tại Cộng hòa Arab Syria sẽ trở về nhà, về Nga”, ông Putin tuyên bố trong phát biểu của mình trước các binh sĩ tại căn cứ không quân.
Trong biên chế đạo quân Nga ở Syria, theo phát biểu của ông Putin, có “các phi công, thủy binh, lực lượng tác chiến đặc biệt, tình báo, binh sĩ các cơ quan chỉ huy và hậu cần, quân cảnh, cơ quan y tế, công binh, các cố vấn trong đội hình chiến đấu của quân đội Syria”.
Những kết luận tạm thời
Máy bay ném bom Su-34 (Tass)
Máy bay ném bom Su-34 (Tass)
Chủ lực của lực lượng Nga ở Syria là Không quân Nga mà tại thời điểm mở màn chiến dịch (tháng 10/2015) gồm có: 4 máy bay ném bom chiến thuật Su-34 và 12 Su-24М, 12 cường kích Su-25SM, 4 tiêm kích Su-30SM, 17 trực thăng Mi-24P và Mi-8АМТSh. Tháng 11/2015, lực lượng Nga ở Syria đã được tăng cường 4 Su-34 và 5 Su-24М (1 chiếc để thay thế cho chiếc Su-24M bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi), cũng như 4 Su-35S. Tháng 2/2016, đạo quân Nga đã nhận thêm 4 Su-24М.
Ngày 14/3/2016, Tổng thống Vladimir Putin hạ lệnh rút “đại bộ phận” lực lượng triển khai ở Syria về nước vì “các nhiệm vụ đặt ra trước Bộ Quốc phòng Nga cơ bản đã hoàn thành”. Đến ngày 20/3/2016, 4 chiếc Su-34, toàn bộ Su-25, một số chiếc Su-24М và trực thăng đã rời Syria. Tại Hmeimim còn lại các lực lượng tiến công trực chiến gồm 1 phi đội (12 chiếc) Su-24М và 4 Su-34, cũng như lực lượng bảo vệ gồm Su-30SМ và Su-35S.
Tuy nhiên, khá nhanh lực lượng Nga ở Syria lại tăng lên. Đồng thời với việc rút các cường kích vào tháng 3/2016, Nga đã bắt đầu điều đến Syria các trực thăng tiến công hiện đại Mi-28N và Kа-52. Lực lượng tác chiến đặc biệt Nga cũng đã tích cực tham chiến.
Tuy nhiên, từ mùa thu năm 2016, quân số Không quân Nga ở Hmeimim lại được tăng cường theo giai đoạn. Nguyên nhân là chuỗi thất bại của quân đội Syria trong các trận đánh với IS (cuộc tấn công về hướng Raqqa thất bại vào tháng 6/2016 và sau đó đánh mất thành phố Palmyra từng được giải phóng vào tháng 12/2016), cũng như những khó khăn trong việc đánh bại phiến quân ở miền Trung Syria. Ngoài ra, vào mùa thu năm 2016, Nga cũng đã triển khai tàu sân bay 
Đô đốc Kuznetsov ở Đông Địa Trung Hải và từ đó máy bay trên hạm Nga đã xuất kích tấn công mục tiêu ở Syria.
Ngày 29/12/2016, trong bối cảnh đạt được thỏa thuận giải quyết hòa bình tình hình Syria (thực tế là sau khi tách các tay súng Hồi giáo không ngoan cố khỏi các đơn vị địa phương chống đối chính quyền Damascus trong cuộc nội chiến), ông Putin đã nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu lại giảm sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria.
Trong năm 2017, các máy bay tiếp tục được tăng cường đến Hmeimim. Cách tiếp cận mới trong huấn luyện binh sĩ Syria và sự áp sát hơn của các cố vấn quân sự Nga vào công tác chỉ huy quân đội Syria đã cho phép đảo ngược diễn tiến chiến tranh cùng với việc tăng cường không kích của lực lượng Nga đóng ở Hmeimim và sự tham gia của Không quân tầm xa từ lãnh thổ Nga.
Su-34 (Tass)
Su-34 (Tass)
Mùa thu năm 2017, các bức ảnh vệ tinh Mỹ đã ghi nhận tại Hmeimim lực lượng khá lớn của Không quân Nga, bao gồm ít nhất 1 phi đội máy bay ném bom Su-24М và 1 phi đội  Su-34, một số cường kích Su-25SМ, cũng như 4 tiêm kích MiG-29SMT, 4 Su-30SМ, 4 Su-35S và các trực thăng. Có nghĩa là lực lượng Nga tại thời điểm này về số lượng ít nhất cũng không thua kém lực lượng đã tập trung ở Syria vào mùa đông năm 2015-2016.
Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) Ruslan Pukhov, binh đoàn không quân Nga ở Syria ở những thời điểm khác nhau có “từ 30-50 máy bay chiến đấu từ 16-40 trực thăng”.
Nhiệm vụ đặt ra và kết quả đạt được
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria (Tass)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria (Tass)
“Bài thi chính về lòng trung thành với tổ quốc của mình người lính phải làm chính là trong các điều kiện chiến đấu vốn đi cùng với nguy cơ lớn đối với mạng sống và sức khỏe. Tại đây, ở Syria này, cách rất xa bờ cõi quê hương, các anh đang thực hiện chính nhiệm vụ này - các anh đang bảo vệ đất nước mình”, ông Putin tuyên bố tại căn cứ Hmeimim.
Ông Putin nhắc lại hai nhiệm vụ mà ban lãnh đạo Nga đặt ra khi phát động chiến dịch Syria. Đó là tiêu diệt IS và trợ giúp cho chính phủ đồng minh của Bashar al-Assad đang ở vào năm nội chiến thứ 5 và lâm vào tình thế không lối thoát. Putin đã kết luận một cách ngắn gọn: “Syria được bảo tồn với tư cách một quốc gia độc lập”.
Cũng cần nói riêng về cuộc cải tổ hệ thống huấn luyện và chỉ huy quân đội Syria với vai trò tích cực của các cố vấn quân sự Nga, yếu tố căn bản làm nên những thắng lợi trong năm 2017.
Tuy nhiên, nước Nga trong cuộc chiến tranh này cũng đã giải quyết hàng loạt nhiệm vụ nội bộ của mình. Quan trọng nhất trong số đó là chiến dịch chiến lược nhằm tiêu diệt lực lượng Hồi giáo hoạt động ngầm đang lan rộng ở các nước SNG và ngay tại nước Nga. Từ năm 2014, khu vực lãnh thổ do IS kiểm soát trở thành trung tâm thu hút đủ loại phần tử cực đoan, cấp tiến. Nói một cách cực kỳ thẳng thắn thì Nga đã có cơ hội tập hợp những tên này ở Syria và tiêu diệt cả loạt thay vì tóm từng tên trên lãnh thổ của mình (mà cũng có thể là trên lãnh thổ các nước cộng hòa Trung Á), nơi chúng đang tạo ra một mức nền nguy cơ khủng bố khá lớn.
Theo thông tin do Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov công bố tại hội nghị ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 7/11/2017, trong suốt chiến dịch Syria “đã tiêu diệt hơn 54.000 tay súng của các đơn vị vũ trang bất hợp pháp (trong đó có hơn 2.800 tên đến từ Liên bang Nga và 1.400 tên từ các nước láng giềng gần của Nga)”.
Như vậy, cả một chiến thắng có thể của IS ở Syria và Iraq sẽ cung cấp những lực lượng lớn các chiến binh Hồi giáo được huấn luyện và hăng máu mà sau đó đã có thể xuất hiện ở đâu đó bất kỳ, chẳng hạn như chính tại Trung Á, ngay sát biên giới Nga.
Khía cạnh ngoại giao của chiến dịch đòi hỏi một sự phân tích cặn kẽ riêng biệt. Song cũng phải thấy rằng, sự can thiệp tích cực của Moskva vào cuộc xung đột ở Cận Đông đã dẫn đến sự củng cố vị thế của Nga cả trong khu vực lẫn bên ngoài khu vực. Sự bế tắc đối ngoại trầm trọng do vấn đề Crimea và cuộc xung đột ở Donbas bắt đầu sau năm 2014 đã bị vượt qua. Moskva đã không chỉ liên kết được một nhóm rời rạc các đồng minh và đối tác trong khu vực (Syria, Iran, Iraq, cũng như Ai Cập) với nhau, mà còn giành được sự ủng hộ tích cực của Israel vốn bị loại bỏ hoàn toàn khỏi mọi mưu toan cản trở các hành động của Nga ở Syria (các cuộc tấn công vào các mục tiêu của riêng Syria là đề tài thảo luận riêng).
Tiện thể, Nga cũng đã giải quyết thành công xung đột phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát sau khi máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công bắn hạ máy bay Su-24 của Nga và đưa hai nước đến bên bờ vực chiến tranh thật sự (và qua bờ vực chiến tranh thương mại).
Nhiệm vụ tiếp theo được giải quyết thành công ở Syria là huấn luyện, đào tạo cán bộ quân đội cho chiến tranh hiện đại. “Tất cả các tư lệnh quân khu, tập đoàn quân hợp thành và tập đoàn quân phòng không-không quân, gần như tất cả các sư đoàn trưởng và hơn một nửa lữ đoàn trưởng và trung đoàn trưởng các lữ đoàn và trung đoàn hợp thành đã trải qua đợt công tác trong biên chế lực lượng Nga (ở Syria) cùng với các tập thể bộ tham mưu của mình”, Tướng Valery Gerasimov thông báo trong hội nghị ngày 7/11/2017.
“Quân nhân của lực lượng tại Syria đã không được lựa chọn riêng để thực hiện nhiệm vụ ở Syria, không được huấn luyện bổ sung, mà được điều động luận phiên theo yêu cầu công việc ”, Tướng Gerasimov nhấn mạnh.
Không thể xem nhẹ kinh nghiệm này: những “người Syria” (quân nhân Nga trải qua chiến đấu ở Syria) sẽ trở nên đông đảo và cũng gần như sẽ là tầng lớp đoàn kết trong quân đội Nga hơn “những người Chechnya” (quân nhân Nga đã trải qua chiến đấu ở Chechnya) trước họ. Hiện tại, trong biên chế quân đội Nga, có 43,6 ngàn sĩ quan, tức là 1/5, có kinh nghiệm chiến đấu (không chỉ ở Syria).
Đồng thời, trải qua sự tôi luyện này không chỉ có con người mà còn cả phương tiện kỹ thuật. Chương trình vũ khí nhà nước quy mô giai đoạn 2011-2020 đã đóng lại cái gọi là những kỳ nghỉ mua sắm kéo dài từ năm 1992 sau khi làm tràn ngập quân đội bằng phương tiện kỹ thuật mới. Syria đã trở thành trường thử mà hàng trăm mẫu vũ khí, thiết bị, kỹ thuật quân sự và kỹ thuật đặc biệt mới đã trải qua. Những đánh giá phản hồi đối với phương tiện kỹ thuật trong chiến tranh Syria được Bộ Quốc phòng Nga liên tục thu thập và chuyển cho các nhà sản xuất.
Điều cuối cùng cần nói là chiến tranh Syria về thực chất đã là một “chiến dịch quảng cáo” không chỉ cho quân đội Nga sau cuộc cải cách diễn ra từ năm 2009 mà cả cho vũ khí Nga. Ảnh hưởng cụ thể của cuộc chiến tranh diễn ra từ năm 2015-2017 đối với các đơn đặt hàng của hãng Rosoboronoexport sẽ cần phải đánh giá, nhưng sự trình diễn những khả năng đã được thực hiện thật ấn tượng - mà lại đúng ở khu vực có nhiều khách hàng lớn truyền thống của vũ khí Nga.
Quân rút đi, căn cứ ở lại
Việc rút một phần lực lượng Nga ở Syria, như chúng ta thấy từ cuộc du ngoạn ngắn vào lịch sử chiến dịch Syria có thể không có nghĩa là Nga rút khỏi cuộc xung đột ở Cận Đông. Khả năng tăng nhanh lực lượng ở Syria khi tình hình diễn biến nguy cấp vẫn được Nga duy trì đầy đủ, điều đã được thể hiện trước đó vào năm 2016-2017.
Song song với tác chiến, Moskva đã thỏa thuận với Damascus về việc lập một căn cứ quân sự Nga ở Syria. Trong thành phần của nó gồm trạm bảo đảm vật chất kỹ thuật hải quân ở Tartus và sân bay Hmeimim. Điều đó quy định sự hiện diện một lực lượng quân Nga (trước hết là các lực lượng của Hải quân, Không quân và Phòng không Nga) có tính đại diện ở Tây Bắc Syria.
Trực thăng Kа-52K và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (Tass)
Trực thăng Kа-52K và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (Tass)
Dựa trên lực lượng này và hạ tầng mở rộng của Tartus và Hmeimim có thể lặp lại khá nhanh việc triển khai các lực lượng lớn trong trường hợp cần đến điều đó. Lực lượng trú đóng thường xuyên tại căn cứ quân sự có thể được huy động để giải quyết các nhiệm vụ còn lại nhằm trấn áp hoạt động của phiến quân Hồi giáo ở Syria - khi có nhu cầu chiến thuật và đưa ra quyết định chung tương ứng của Moskva và Damascus.
Ngoài ra, năm 2017, Nga đã sử dụng thường xuyên và khá mạnh không quân chiến lược, cũng như thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình triển khai trên biển. Việc tập dượt các quy trình sử dụng các máy bay tầm xa và phương tiện mang tên lửa hành trình chiến lược (trong đó có việc máy bay và tên lửa bay qua không phận Iran và Iraq) cho phép coi phương thức can thiệp “phi tiếp xúc” đó là một thứ “công cụ trực chiến” trong trường hợp tình hình căng thẳng đột biến.
Theo VND