Ma trận cát tặc: Cơ chế rệu rã và người trong cuộc (kỳ 2)

VietTimes – Ngoài bàn ghế tiếp khách, căn phòng không có vật dụng gì thể hiện đây là trụ sở một doanh nghiệp. "Hôm qua tàu khai thác trộm lại ra, tôi điện báo, nhưng chả ai ra ngăn" – chủ Chi nhánh Bắc Giang của Công ty TNHH Xây dựng Đông Bắc Bộ bắt đầu câu chuyện như thế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiến trường lẫn lộn

Hôm trước, UBND tỉnh Bắc Giang gửi công văn đề nghị Bộ GTVT chấm dứt, thu hồi dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm tại tại 6 đoạn cạn từ Km 00 đến Km56 trên sông Lục Nam của Công ty TNHH Xây dựng Đông Bắc Bộ. Đây là dự án có thời gian thi công trong 3 năm, kể từ năm 2015.

Ký hợp đồng triển khai dự án với Cục Đường thủy nội địa, Công ty TNHH Xây dựng Đông Bắc Bộ đã đăng ký tận thu sản phẩm cát, sỏi với tỉnh Bắc Giang và được chấp thuận cho tận thu 496.611 m3 cát, sỏi. Công ty này đã triển khai thực hiện các nghĩa vụ tài chính với tỉnh và tổ chức thi công tại khu vực xã Trí Yên, huyện Yên Dũng và xã Đan Hội, huyện Lục Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH Xây dựng Đông Bắc Bộ đã không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của tỉnh về thủ tục và kỹ thuật trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, công ty này cũng không có thiết bị, phương tiện thi công, mà thực hiện theo hình thức “phát canh, thu tô” – tức là bán “lốt” cho từng tàu vào khai thác trong khu vực dự án.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp lại cung cấp những thông tin chiều ngược lại. Khá bất ngờ khi đại diện Công ty TNHH Xây dựng Đông Bắc Bộ cho biết đã ủy quyền toàn bộ cho Chi nhánh Bắc Giang của công ty chịu trách nhiệm thực hiện dự án, bao gồm cả chịu trách nhiệm pháp lý. Còn đại diện của Chi nhánh thì cho biết, họ đã thực hiện đầy đủ các thủ tục với tỉnh, nhưng ở đây lại có sự…hiểu lầm.

Theo vị này, có rất nhiều tàu khai thác trái phép cát trong khu vực dự án, nhưng doanh nghiệp thì không thể… đuổi nổi. Vì các tàu này luôn nhận được bảo kê của các đối tượng xã hội, trong khi báo cáo cơ quan chức năng thì không phải lúc nào cũng được hỗ trợ. Các cơ quan chức năng cũng không thể hỗ trợ hàng đêm cho chủ dự án để canh những tàu cát tặc.

Nên dù cam kết đóng góp, cho, tặng địa phương nhiều công trình liên quan tới điện, đường, trường, trạm… thì doanh nghiệp chủ dự án vẫn bị quy kết chịu trách nhiệm trong nạn cát tặc. "Hôm qua tàu khai thác trộm lại ra, tôi điện báo các anh ấy, nhưng chả ai ra ngăn" – đại diện Chi nhánh ngán ngẩm nói.

Như vậy, trong khi chính quyền nói chủ dự án thanh thải luồng chỉ thực hiện theo hình thức “phát canh, thu tô”, thì đại diện doanh nghiệp lại nói không được hỗ trợ bảo vệ khu vực dự án khi thực hiện, dẫn tới không thể phân biệt được đâu là tàu của dự án, đâu là tàu cát tặc.

Sự nhập nhèm trong quản lý và phân biệt tàu cát tặc với tàu của dự án chỉ là bề nổi trong bức tranh thực sự về nạn cát tặc – cách gọi tên không chính xác đang “được” rất nhiều người dùng. Trong khi chiều chìm – những kẽ hở lớn trong quản lý khai thác và xác minh nguồn gốc cát – thì lại không được chú ý.

Rất khó để phân biệt đâu là tàu cát tặc, đâu là tàu hút cát...có phép. Ảnh: Quốc Dũng

Hở thế nào ?

“Chỉ một tờ giấy A4 (quyết định cho phép - PV) đã có thể đổi đời” – một lãnh đạo địa phương nói thế về lợi ích cực lớn có thể thu được từ các giấy phép tận thu sản phẩm thanh thải luồng, hoặc giấy phép khai thác cát mỏ hiện nay.

Còn chủ một doanh nghiệp khai thác cát thì nói, để được quyền khai thác mỏ cát, doanh nghiệp cần phải đạt được sự cho phép từ cấp tỉnh cho tới cấp thôn. Với các dự án thanh thải luồng, tận thu cát, ngoài cấp địa phương đồng ý, thì còn phải được Bộ GTVT chấp thuận. Và nếu doanh nghiệp “nặng” xin bộ, ép địa phương vào chuyện đã rồi mà phải đồng ý dự án, thì khó khăn trong triển khai đã là nhìn thấy.

Các báo cáo của các cơ quan chức năng phần nào xác nhận thực tế này. Theo một báo cáo của Cục đường thủy nội địa gửi Bộ GTVT đầu năm 2017, trên 137 tuyến, với 7071,8 km đường thủy nội địa quốc gia hiện có khoảng 166 mỏ cát đã được UBND cấp tỉnh cấp phép. Trong đó, các địa phương khu vực phía Bắc cấp 103 mỏ, các địa phương phía Nam cấp 63 mỏ.

Một cách kín đáo, báo cáo của Cục không nhắc tới hiện tượng cấp phép khai thác mỏ cát đang là một dạng đặc quyền đặc lợi của địa phương, nhưng những số liệu được công bố có thể giúp phần nào hình dung về điều đó.

Cụ thể, các mỏ cát sỏi do địa phương cấp phép chủ yếu gần bờ, thường được gia hạn kéo dài khai thác. Thậm chí, có những mỏ được gia hạn khai thác đến… 27 năm. Dù các mỏ cát đều có ranh giới giáp, hoặc trùng lên luồng đường thủy quốc gia, nhưng số các dự án khai thác cát sỏi phía Bắc được địa phương tham vấn ý kiến cơ quan quản lý luồng chỉ là 35/103 mỏ, chiếm 34%.

Nói cách khác, hiện tượng địa phương tự cấp giấy phép khai thác mỏ cát mà không tham vấn ý kiến cơ quan quản lý luồng là phổ biến. Đã thế, báo cáo của Cục đường thủy nội địa cho thấy, những mỏ cát được cấp phép không tham vấn cơ quan quản lý luồng chủ yếu là ở các địa phương có nguồn cát tốt, giá trị cao… Chẳng hạn như tại sông Lô đoạn thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang, sông Hồng đoạn thuộc tỉnh Thái Bình, Hưng Yên.  

Tất nhiên, khi đã có chồng lấn ranh giới giữa dự án nạo vét thanh thải luồng với dự án khai thác mỏ của địa phương, hệ quả đưa tới sẽ là không rõ lực lượng nào là chủ công quản lý, kiểm soát các phương tiện tham gia và thực tế hoạt động hút cát. Nạn “cát tặc” hình thành có một phần nguyên nhân từ đây.

Thực tế là, đã từ hàng chục năm, không có địa phương nào phản ứng về hoạt động khai thác cát hợp pháp, cũng như nạn cát tặc trên địa bàn địa phương ấy. Đem thực tế này đặt bên cạnh sự khó chịu của không ít địa phương với dự án thanh thải nạo vét luồng, tận thu cát của Bộ GTVT, có thể đặt nghi vấn về xung đột quyền lợi giữa địa phương và Bộ GTVT trong các lợi ích liên quan đến cát.

Và đương nhiên, điều đó cũng không hàm nghĩa các dự án thanh thải luồng của Bộ GTVT là hoàn toàn “sạch sẽ” trong thực tế triển khai. Việc thanh tra các dự án nạo vét thanh thải luồng sông của Bộ GTVT đang được tiến hành. Nhưng điều có thể nhìn thấy ngay, khi giá cát tiếp tục đà tăng cao nhất ngưởng như hiện nay, thì lợi ích từ cát sẽ cứ thế tăng theo. Nói cách khác, mâu thuẫn giữa các nhóm chi phối hoạt động khai thác cát sẽ tiếp tục duy trì, và trầm trọng hơn.

Điều đó, chưa bao giờ là mong muốn của chính các cơ quan quản lý.

Cần có Nghị định quản lý các hoạt động nạo vét trên sông

“Để ngăn chặn cát tặc, tôi cho rằng phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp các ngành liên quan”- ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thuỷ Nội địa Việt Nam nói.

 Theo ông Giang thì Cục này đã đề xuất Chính phủ xây nghị định quản lý các hoạt động nạo vét trên sông trong đó phân vai rất rõ ai quản lý gì, khi xảy ra vi phạm xử lý thế nào và chủ động xây quy chế phối hợp với tỉnh, địa phương, giao cho tỉnh quản lý các dự án nạo vét và các tỉnh khi cấp phép khai thác các mỏ phải kết hợp với Cục.

“Theo tôi, hiện việc khai thác các mỏ ở các tỉnh vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ vì mỏ cát trên sông không nằm trùng luồng đường thuỷ quốc gia nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới thuỷ văn, môi trường, dòng chảy và ổn định của luồng tàu cũng như kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ”- ông Gianh nhấn mạnh.

“Bất kỳ hoạt động nào đem máy móc thi công đọng tới lòng sông là phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép và các cơ quan liên quan đánh giá kỹ lưỡng. Việc khai thác cát, tài nguyên ở lòng sông nước khác cũng làm nhưng có kế hoạch quản lý cụ thể, còn ở Việt Nam đang làm rời rạc, thiếu đánh giá tổng thể.

Các ngành cần liên thông thông tin với nhau, quá trình quản lý cũng liên thông thì mới hiệu quả. Cục Đường thuỷ hiện đã xây dựng một phần mềm để người dân, tổ chức có thể gửi các phản ánh về tình trạng khai thác cát, vi phạm đường thuỷ cho cơ quan quản lý từ đó xử lý hiệu quả hơn các vi phạm cũng như ngăn chặn cát tặc tốt hơn. Cục cũng đang phối hợp với Viettel thí điểm lắp đặt camera giám sát các khu vực sông có tiềm ẩn khai thác trái phép để tăng cường giám sát”- ông Giang khẳng định.

(Theo Lao động)