Mã độc WannaCry chứng minh Tim Cook đã đúng khi từ chối FBI

VietTimes -- Sự lây lan mạnh mẽ của mã độc WannaCry từ cuối tuần trước đã chứng minh cho quyết định của ông Tim Cook là đúng khi từ chối giúp FBI xâm nhập vào chiếc iPhone 5c của một kẻ khủng bố. Apple không muốn ai phá vỡ khả năng bảo mật của iOS, cho dù đó là cơ quan công quyền Mỹ.
Tim Cook đã có lý khi từ chối không cho FBI xâm nhập vào thiết bị iOS
Tim Cook đã có lý khi từ chối không cho FBI xâm nhập vào thiết bị iOS

Nhắc lại một chút về sự kiện này, năm ngoái FBI muốn các kỹ sư của Apple tạo ra một phiên bản iOS mới để họ có thể dễ dàng xâm nhập và giám sát người dùng iPhone, iPad. Từ trước đến nay, các thiết bị iOS có một tính năng bảo mật là nếu ai đó gõ sai mật khẩu 10 lần, thiết bị sẽ xóa sạch dữ liệu trong máy. FBI đã buộc Apple tạo ra một phiên bản iOS đặc biệt mà không bao gồm tính năng bảo mật nêu trên.

Apple đã không đồng tình với ý muốn của FBI. Ông Tim Cook “đi xa hơn” nói rằng FBI muốn Apple tạo ra một “phần mềm giống với ung thư”. Theo quan điểm của Apple, việc tạo ra một phần mềm có khả năng qua mặt các cơ chế bảo mật của iOS là một mối nguy hiểm khôn lường, vì không có cách nào đảm bảo rằng phần mềm đó sẽ không rơi vào tay kẻ xấu.

Mặc dù cách ví von phần mềm với bệnh ung thư của Tim Cook nghe có vẻ cực đoan, nhưng sự lây lan của mã độc WannaCry đã chứng minh rằng một khi phần mềm nguy hại được tạo ra thì sẽ không thể tránh khỏi những hành động tội ác.

Theo thống kê đến ngày 15/5, phần mềm mã độc WannaCry đã lây nhiễm vào hơn 200.000 máy tính tại 150 quốc gia. Mã độc này được viết dựa trên một công cụ gián điệp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị hacker đánh cắp. WannaCry đã lây nhiễm vào các máy tính trên toàn cầu chỉ 4 tuần sau khi nhóm hacker Shadow Brokers công khai công cụ của NSA trên mạng để bất kỳ ai cũng có thể khám phá và thử nghiệm nó.

Vụ tấn công của mã độc WannaCry mấy ngày nay cho chúng ta thấy chính xác những mối nguy cơ đối với hệ thống an ninh của các quốc gia khi mà những vũ khí ảo của chính phủ lọt vào tay kẻ xấu. Ông Matthew Hickey, một chuyên gia bảo mật, người đã theo dõi công cụ NSA bị rò rỉ từ tháng trước nói rằng ông thực sự ngạc nhiên khi một phần mềm nguy hiểm như thế này không lây lan sớm hơn.

Vì vậy, mặc dù cựu Giám đốc FBI James Comey hứa với Apple rằng họ có thể giữ phiên bản tùy chỉnh iOS không rơi vào tay kẻ xấu, nhưng thực sự không có cách nào đảm bảo rằng lời hứa trên có độ chuẩn xác 100%. Nếu như công cụ của NSA đã bị đánh cắp, thì không có gì ngạc nhiên nếu công cụ của FBI cũng rơi vào tay hacker.

Nhập mô tả ảnh

Qua vụ tấn công của mã độc WannaCry, chúng ta càng thấy câu trả lời của ông Tim Cook trong cuộc phỏng vấn với đài ABC năm ngoái thực sự thuyết phục: “Nếu Apple biết một cách để làm điều này (cho phép FBI bẻ khóa iOS) mà không làm ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người dùng, chúng tôi nhất định sẽ làm. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải đứng cao hơn nguyên tắc. Chiếc điện thoại sẽ chứa nhiều thông tin cá nhân của bạn hơn là ngôi nhà của bạn. Trong nhiều trường hợp điện thoại còn cho biết vị trí chính xác các con của bạn. Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề về sự riêng tư, mà còn là sự an toàn của mọi người trong xã hội”.

Lại nói về sự an toàn của mọi người trong xã hội, đây chính là lý do vì sao mã độc WannaCry lại xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo. Bởi vì mã độc này đã lây nhiễm vào hệ thống máy tính của các bệnh viện ở Anh, khiến cho nhiều bệnh nhân bị mất hồ sơ điều trị và các bác sỹ bị gián đoạn các hoạt động khám chữa bệnh.

Hôm qua, Giám đốc Microsoft, ông Brad Smith đã đưa ra một thông cáo chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Mỹ đã lưu giữ những vũ khí mạng nguy hiểm. Dưới đây là một đoạn trong bài viết được ông Smith đăng tải trên blog:

“Cuối cùng, cuộc tấn công này (của mã độc WannaCry) đã cho chúng ta thấy việc các cơ quan chính phủ lưu trữ các công cụ khai thác điểm yếu bảo mật là nguy hiểm như thế nào. Đây là một vấn đề mới nổi lên trong năm 2017. Vài tháng trước, chúng ta đã thấy phần mềm gián điệp của CIA bị WikiLeaks tiết lộ, và bây giờ là công cụ của NSA đã ảnh hưởng đến người dùng khắp thế giới. Đây là một sự lặp lại khi công cụ của chính phủ rơi vào tay kẻ xấu và gây thiệt hại lan rộng. Một kịch bản khác có thể xảy ra đó là tên lửa Tomahawk của quân đội Hoa Kỳ có thể bị đánh cắp. Mặc dù chúng ta không mong đợi một vụ tấn công như vậy xảy ra, nhưng nó cho thấy một mối đe dọa thực sự đối với an ninh mạng ngày nay…”