Lùm xùm tại trạm thu phí Bến Thủy: BIDV có thấy lo?

VietTimes -- Cho vay đến 85% vốn đầu tư dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thuỷ - tuyến tránh Thành phố Hà Tĩnh, quản lý nguồn thu phí để thu hồi vốn, những biến cố liên quan đến trạm thu phí Bến Thủy (nếu xảy ra), ở một giác độ nào đó, sẽ là rủi ro cho BIDV – chi nhánh Nghệ An.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cho rằng không đi đường BOT mà vẫn phải trả phí, từ ngày 3/12/2016, nhiều người dân huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh) và Tp. Vinh (Nghệ An) đã tập trung tại đầu cầu Bến Thuỷ 1, dùng nhiều phương thức gây áp lực lên chính quyền và chủ đầu tư Cienco 4, để phản đối việc đặt trạm thu phí Bến Thủy (địa điểm tại đầu cầu Bến Thủy 1, Tp. Vinh). Đến nay, hoạt động phải đối của người dân vẫn tiếp diễn.

Chưa rõ sự việc sẽ đi đến đâu và các bên liên sẽ giải quyết bức xúc của người dân bằng cách nào. Nhưng lộ trình lưu thông qua cầu Bến Thủy 1, cũng như hoạt động thường nhật của trạm thu phí BOT tại đây đương nhiên đã bị ảnh hưởng.

Xa hơn, kế hoạch doanh thu và lộ trình hoàn vốn BOT từ việc triển khai thu phí tại trạm thu phí Bến Thủy hẳn sẽ trở thành vấn đề mà chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) có thể sẽ phải điều chỉnh.

“Ngân hàng trực tiếp quản lý nguồn thu phí khai thác đường”

Theo đại diện Cienco 4, vị trí đặt 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 đã được Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An nghiên cứu, thống nhất từ năm 2014, để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh thành phố Vinh và Quốc lộ 1 đoạn nam Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh.

Thông tin từ Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (PPP) thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng xác nhận, hai trạm thu phí mà Cienco 4 đặt tại đầu cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 là để hoàn vốn cho “Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn Nam cầu Bến Thuỷ - Tuyến tránh TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức Hợp đồng BOT & Bổ sung hạng mục xây dựng cầu Yên Xuân”. Thời gian vận hành, khai thác là 18 năm, còn lộ trình tăng phí là 18%/3 năm (năm gốc là 2016).

Còn theo thông cáo báo chí “Lễ khánh thành dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thuỷ - tuyến tránh Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức BOT” của Bộ Giao thông Vận tải, dự án có tổng mức đầu tư là 2.434 tỷ đồng, do BIDV là đơn vị cung cấp tín dụng cho dự án. Thông tin trên tờ Nhân dân cho biết, BIDV đã giao Chi nhánh Nghệ An làm đầu mối, triển khai cung cấp sản phẩm chuỗi liên kết bốn nhà của BIDV với mức tài trợ 85% tổng mức đầu tư của dự án.

Báo cáo thường niên 2015 của Cienco 4 cho thấy, nếu như năm 2014, mảng thu phí đóng góp lần lượt 1,8% (45,3 tỷ đồng) và 2,39% (99,014 tỷ đồng) vào cơ cấu doanh thu trước và sau cổ phần hóa, thì trong năm 2015, tỷ trọng mảng thu phí được nâng lên 3,44%, đạt 212,9 tỷ đồng doanh thu.

"Doanh thu thu phí tăng mạnh là do từ ngày 8/6/2014, trạm thu phí BOT Nam Bến Thủy Hà Tĩnh tăng giá vé theo lộ trình tăng vé của Bộ Tài chính", báo cáo của Cienco 4 cho hay.

Số liệu trên báo cáo tài chính công ty mẹ sau soát xét của Cienco 4 cũng khẳng định BIDV – Chi nhánh Nghệ An hiện đang là nhà tài trợ vốn chủ yếu cho công ty này.

Theo đó, tính đến ngày 30/06/2016, BIDV – Chi nhánh Nghệ An đang cho Cienco 4 vay 3.077 tỷ đồng (trên tổng số 3.638 tỷ đồng nợ vay tài chính của công ty), trong đó có 774 tỷ đồng ngắn hạn và 2.303 tỷ đồng dài hạn (vay dài hạn đến hạ trả là 56 tỷ đồng). Thuyết minh cho hay, hình thức đảm bảo cho khoản vay dài hạn của Cienco 4 tại BIDV – Chi nhánh Nghệ An, đó là “ngân hàng trực tiếp quản lý nguồn thu phí khai thác đường sau khi hoàn thành”.

Như vậy, có thể thấy rằng, ngoài việc tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Cienco 4, những lùm xùm gần đây tại trạm thu phí Bến Thủy sẽ còn ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động thu hồi nợ của BIDV – Chi nhánh Nghệ An.

Hay nói cách khác, trên tư cách là đơn vị tài trợ đến 85% vốn cho dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thuỷ - tuyến tránh Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức BOT, đồng thời sau đó, lại trực tiếp quản lý nguồn thu phí khai thác đường để thu hồi khoản cho vay, rõ ràng những biến cố liên quan đến hoạt động của trạm thu phí Bến Thủy (nếu xảy ra), ở một giác độ nào đó, sẽ là rủi ro thiết thân cho BIDV – chi nhánh Nghệ An.

Rủi ro tín dụng BOT

Chia sẻ với báo giới vào đầu năm 2015, Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN – khi ấy là ông Nguyễn Hữu Nghĩa từng nói: Bên cạnh lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực cho vay mà Ngân hàng Nhà nước lo ngại là các dự án BOT, BT ngành giao thông.

Tuy nhiên, những năm 2014-2015, những cảnh báo liên quan đến các dự án BOT, BT ngành giao thông vẫn chủ yếu mang tính nội bộ. Phải đến ngày 15/7/2015, Ngân hàng Nhà nước mới nhấn mạnh và cụ thể hơn ở Chỉ thị số 05 về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Đồng quan điểm, trao đổi với người viết bên lề một sự kiện, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý về một “quả bom hẹn giờ” đối với nền kinh tế và hệ thống các tổ chức tín dụng - như đã từng xảy ra với bất động sản - nếu việc cho vay các dự án BT, BOT không được quản lý tốt.

Mới đây nhất, tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” tổ chức ngày 15/9/2016, cơ quan điều hành “mạch máu” tiền tệ quốc gia lại tiếp tục cảnh báo.

Theo đó, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85-90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng. Từ năm 2014 tới nay, cam kết cấp tín dụng, dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án BOT, BT giao thông có mức tăng trưởng cao.

Tính đến 30/6/2016, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015. Chỉ tính riêng ba ngân hàng BIDV, VietinBank và SHB đã có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm 85,64%, dư nợ chiếm 85,3% so với ngành.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay vướng mắc lớn nhất của ngành ngân hàng khi cho vay các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xuất phát từ chính các dự án được chủ đầu tư đề nghị vay vốn, như năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án.

“Nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Nhiều dự án trong quá trình thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn, hiện nay có 22 dự án bị chậm tiến độ (với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án.

Đặc điểm của các dự án thuộc lĩnh vực giao thông thường có tổng mức đầu tư rất lớn, có nhu cầu nguồn vốn dài hạn và thời gian thu vốn dài (khoảng 20-25 năm), trong khi nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

“Việc cho vay với lượng vốn lớn, dài hạn sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Tài sản bảo đảm cho dự án BOT, BT chủ yếu tài sản hình thành từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro cao nếu lưu lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn và xử lý tài sản đảm bảo”, Ngân hàng Nhà nước phân tích.

BIDV hứa tài trợ 11.300 tỷ đồng cho Cienco 4 trong giai đoạn 2013 - 2018

Ngày 8/5/2013, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (CIENCO 4) đã tiến hành ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh giai đoạn 2013 – 2018.

Theo hợp đồng này, trong giai đoạn 2013-2018, BIDV sẽ làm đầu mối thu xếp tài trợ vốn cho CIENCO 4 với tổng mức tín dụng là 11.300 tỷ đồng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu bảo lãnh và thực hiện tài trợ các dự án của CIENCO 4 trên cơ sở tính hiệu quả, khả thi, khả năng trả nợ của phương án sản xuất kinh doanh và dự án, theo đúng quy định hiện hành của Ngân hàng nhà nước và BIDV.

Lùm xùm tại trạm thu phí Bến Thủy: BIDV có thấy lo? ảnh 2CEO Cienco 4 Lê Ngọc Hoa (phải) và CEO BIDV Phan Đức Tú ký kết hợp đồng. (Ảnh: Cienco 4)

“Với trách nhiệm của mình, BIDV cam kết sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho CIENCO 4, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho CIENCO 4 tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự hỗ trợ tích cực về việc thu xếp và tài trợ vốn cũng như cung ứng các sản phẩm dịch vụ của BIDV, CIENCO 4 tiếp tục đầu tư có hiệu quả, ngày càng phát triển và trở thành doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững của nền kinh tế đất nước....”, ông Phan Đức Tú - Tổng Giám đốc BIDV thời điểm đó – phát biểu tại lễ ký kết.