Luật Tiếp cận thông tin: Thông tin mật cũng cần quy định thời gian giải mật

VietTimes -- Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin được trình ra Quốc hội chiều 24/5/2016 đã tiếp thu hầu hết các kết luận của Chủ tich QH Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ QH trước khi kỳ họp 11 của QH khóa XIII khai mạc.  
Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Luật tiếp cận thông tin cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Luật tiếp cận thông tin cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin.

Chủ thể cung cấp thông tin: đã mở, nhưng cần mở hơn nữa!

Trước khi QH thảo luận dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH đã trình bày những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo luật. Dự thảo Luật TCTT lần này được trình ra QH  đã mở rộng hơn chủ thể cung cấp thông tin: “Cơ quan Nhà nước Trung ương có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra; cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ được tổ chức theo ngành dọc và cơ quan nhà nước ở địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ” (Khoản 1, Điều 9).

Trình bày báo cáo về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự thảo luật, ông Phan Trung Lý nêu rằng vẫn còn có ý kiến yêu cầu đưa cả các cơ quan như DNNN, tổ chức sử dụng NSNN cũng phải đưa vào chủ thể cung cấp thông tin. Tuy nhiên Ủy ban TVQH cho rằng các cơ quan này được điều chỉnh ở những luật khác, nên đề nghị QH cho giữ nguyên như dự thảo luật.

Dự thảo luật cũng quy định chủ thể cung cấp thông tin cũng cụ thể hơn. Khoản 3, điều 9  quy định cụ thể chủ thể cung cấp thông tin chỉ là các cơ quan công quyền, mà đầu mối là: Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước; Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn được tổ chức theo ngành dọc trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) đề nghị Luật tiếp cận thông tin cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin là toàn bộ các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, tài nguyên quốc gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Luật cũng cần quy định trong trường hợp thông tin có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân (như: thông tin về tiến độ thực hiện công trình - dự án; thông tin về mức độ khí thải, chất thải hằng năm của doanh nghiệp; thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh môi trường cần phải đáp ứng trong quá trình sản xuất,…) thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức sở hữu những thông tin ấy cũng cần chia sẻ với xã hội, bất kể họ có sử dụng ngân sách nhà nước hay không.

Về đối tượng được cung cấp thông tin, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. HCM) yêu cầu đưa vào dự thảo luật “Công dân Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang làm ăn sinh sống ở Việt Nam cũng thuộc đối tượng được cung cấp thông tin”.

Thông tin không được tiếp cận và hạn chế tiếp cận

Tại phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ QH trước khi kỳ họp thứ 11 của QH khóa XIII khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (cơ quan trình dự thảo luật) “phải quy định cụ thể, giống như Luật Doanh nghiệp, những điều gì người dân không được làm, để người dân được làm những gì mà luật không cấm”. Vì vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự thảo luật TCTT trình QH lần này đã quy định cụ thể tới 4 mục “Thông tin công dân không được tiếp cận” (Điều 6) và  3 mục “Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện” (Điều 7).

Thảo luận tại hội trường Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) cho rằng, việc sử dụng tới 2 điều luật gồm 7 mục để sàng lọc khiến cho số lượng thông tin người dân có thể tiếp cận bị thu hẹp, số lượng thông tin được ngoại trừ tăng lên là không phù hợp với vị trí của Luật TCTT và mục tiêu xây dựng luật này. Ở hầu hết các nước, pháp luật về tự do thông tin (hoặc TCTT) gọi bộ phận thông tin bị hạn chế tiếp cận là “trường hợp ngoại lệ (ngoại trừ)”. Gọi ngoại lệ có nghĩa là những trường hợp này có số lượng không đáng kể so với thông tin phải công khai, theo nguyên tắc “công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ”.

Một số ý kiến còn cho rằng, ngay cả những thông tin trong diện mật cũng cần quy định thời gian giải mật. Đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu: “Hầu hết luật tự do thông tin của các nước trên thế giới đều quy định rằng khi khả năng gây thiệt hại đã được giảm bớt thì thông tin cần được công bố. Ví dụ, ở Ireland, tài liệu lưu trữ về các phiên họp Chính phủ chỉ được giữ bí mật trong thời hạn 10 năm. Ở Mexico, Luật Minh bạch Liên bang quy định tất cả các trường hợp ngoại lệ chỉ được áp dụng trong thời hạn 12 năm. Luật Minh bạch Liên bang của Mexico còn quy định: “Thông tin không thể được giữ bí mật nếu như có ảnh hưởng đến các cuộc điều tra về các hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản hoặc điều tra tội phạm chống lại loài người”. Đây là những kinh nghiệm cần được tính đến để hoàn thiện dự thảo Luật Tiếp cận thông tin”.

Thông tin cũng cần được chia sẻ

Có thể thấy dự thảo Luật TCTT lần này đã quy định về quyền “tự do tìm kiếm, tiếp nhận thông tin” cụ thể hơn, bao gồm quyền “đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp”.

Tuy nhiên, khi thảo luận về vấn đề này, Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) yêu cầu cần đưa vào dự thảo Luật “quyền chia sẻ (truyền đạt, phổ biến) thông tin” với tổ chức, cá nhân khác. Theo ông Thảo “việc không thừa nhận công dân có quyền chia sẻ thông tin được cung cấp vừa không phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, vừa không có ý nghĩa gì vì bất kì một công dân nào cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp những thông tin không thuộc loại hạn chế tiếp cận; đồng thời, nó còn có khả năng làm gia tăng số lượng người yêu cầu cung cấp thông tin mà một công dân khác đã được cung cấp, tăng thêm gánh nặng cho cơ quan nhà nước. Việc không thừa nhận công dân có quyền chia sẻ thông tin được cung cấp cũng dễ đặt công dân vào tình trạng vi phạm pháp luật trong trường hợp họ chia sẻ thông tin với người khác dưới bất kỳ hình thức nào”.