Luật Tài nguyên nước: Những bổ sung cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quản lý tốt việc khai thác lưu vực sông nội địa giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép, phát triển hài hòa giữa các địa phương và có kinh nghiệm bảo vệ quyền lợi của châu thổ các sông quốc tế trên lãnh thổ nước mình.
Thủy điện Sông Tranh 2
Thủy điện Sông Tranh 2

Việt Nam là một đất nước mà hầu hết các sông là sông nội địa, lưu vực nằm gọn trong lãnh thổ quốc gia với độ dốc cao, lượng mưa bình quân năm nhiều, tiềm năng thủy điện lớn.

Việc quản lý tốt nguồn nước trong các lưu vực sông này là cần thiết để tránh sự tranh chấp giữa các địa phương trong lưu vực, những mâu thuẩn giữa đầu, giữa cuối lưu vực, và thảm họa khi phải xả lũ bất thình lình hoặc vỡ đập.

Lưu vực hai sông lớn, sông Hồng và sông Mekong, thì phần lớn lại nằm ngoài lãnh thổ Việt nam. Châu thổ ở cuối lưu vực hai sông nằm trên đất Việt Nam chịu sự chi phối của việc khai thác lưu vực sông ở thượng nguồn.

Quản lý tốt việc khai thác lưu vực các sông nội địa sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép: Phát triển hài hòa giữa các địa phương, và rút ra những bài học, kinh nghiệm “sống” để bảo vệ quyền lợi của châu thổ các sông quốc tế trên lãnh thổ của mình.

Với tinh thần đó, bài viết đề xuất bổ sung một số nội dung vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sắp được Quốc hội thảo luận.

Những bổ sung cần thiết

(1) Làm rõ nội hàm của lưu vực sông. Phân đoạn lưu vực sông

* Tính hệ thống của lưu vực sông: Lưu vực của một sông S là phụ lưu vực của một lưu vực con sông Y khi S là sông nhánh (hay phụ lưu) của sông Y. Bổ sung ở Điều 3, Giải thích từ ngữ, sông nhánh, điểm hợp lưu.

* Cần xác định ranh giới của lưu vực sông. Thêm đường phân thủy vào Điều 3.

* Phân đoạn lưu vực sông. Sông chảy từ nguồn ra biển, từ cao xuống thấp, lưu vực sông cần được phân đoạn để khai thác lưu vực đúng tính chất từng đoạn.

Ít nhất, lưu vực của sông gồm có 3 thành phần: đầu nguồn, nơi sông bắt đầu hành trình đổ ra biển, đoạn giữa, và châu thổ sông là địa bàn mà sông giao thoa, tranh chấp với biển. Trong Điều 3, cần bổ sung các cụm từ phân đoạn lưu vực sông châu thổ sông (delta).

Các tiêu chí phân đoạn, không duy nhất mà theo mục đích sử dụng, sẽ được quy định tại một điều khoản trong Luật. Tiêu chí phổ biến là theo độ cao và theo địa hình của lưu vực. Khi đoạn giữa khá dài, như trường hợp sông Mekong, nó có thể được phân chi tiết, ví dụ theo tiêu chí là sinh thái thủy văn chẳng hạn.

(2) Nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ khi khai thác tài nguyên trong lưu vực

* Môi trường tương tự như một cơ thể sống và là một hệ thống. Lưu vực sông cũng vậy. Khai thác cạn kiệt rừng đầu nguồn sẽ gây ra xói mòn lớp phủ bề mặt, lũ quét, lũ ống, và bồi lấp. Xây đập thủy điện thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy với nguy cơ vỡ đập tiềm ẩn, gây xói lở, giảm đa dạng sinh học ở hạ du, nhất là ở châu thổ tiếp giáp với biển, … Ảnh hưởng càng nguy cấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình huống cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và nước biển dâng.

* Luật Tài nguyên nước cần tiếp cận vấn đề nước đa ngành, đề ra các nguyên tắc phải tôn trọng khi khai thác tài nguyên ở mỗi đoạn của lưu vực sông. Khai thác tài nguyên (trước nhất là nước, nhưng không chỉ có nước) phải tôn trọng (các) nguyên tắc mà Luật đề ra, và phải đi đôi với nghĩa vụ đối với các tổn thất mà việc khai thác gây ra. Ngược lại hạ du cũng có nghĩa vụ đối với các đoạn phía bên trên, nhất là đầu nguồn khi ở đây phải đảm nhiệm việc giữ rừng, giữ nước.

(3) Sông quốc tế cần được đề cập đậm nét trong Luật

Từ vị trí của mình, Việt Nam cần đề cập đậm nét đến các sông quốc tế, không chỉ ở Chương Hợp tác quốc tế mà ngay tại Điều 3 của Luật.

Ứng xử đúng khi khai thác tài nguyên trong lưu vực các sông nội địa, chúng ta sẽ rút ra những bài học, kinh nghiệm “sống” để bảo vệ quyền lợi của các châu thổ sông quốc tế trên lãnh thổ của mình.

Thế giới đã có các công ước quốc tế bảo vệ sông Danube2, sông Rhin3, cũng như Công ước của Liên hiệp Quốc về Luậtsử dụng các con sông quốc tế không vào mục tiêu đi lại trên sông (New York, 1997)4.

Trách nhiệm của Nhà nước cần được nêu rõ hơn trong vấn đề khai thác lưu vực sông quốc tế. Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu về độ tĩnh không khi xây dựng cầu Mỹ Thuận (1 và 2) và cầu Cần Thơ bắt qua sông Mekong. Xử lý đúng đắn trong khai thác các lưu vực sông nội địa, kiên trì bàn bạc với các quốc gia trong lưu vực (mà 5 nước là thành viên của Cộng đồng ASEAN) hợp tác vì cuộc sống của cư dân trong lưu vực và để cùng phát triển, sẽ có lúc chúng ta sẽ cùng với các nước trong lưu vực sông Mekong đi đến một công ước quốc tế bảo vệ sông Mekong từ đầu nguồn ra đến biển.

(*) Tác giả nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc Hội, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.icpdr.org/flowpaper/viewer/default/files/DRPC%20English%20ver.pdf

2. https://www.iksr.org/fileadmin/user_upload/Dokumente_en/convention_on_the_protection_of_the rhine.pdf

3. http://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/8_3_1997.pdf