Luật sư Nguyễn Hữu Toại: “Việc thầy giáo ở Thái Bình nhắn tin cho nữ sinh không phải là quấy rối tình dục“

Viettimes -Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư Hà Nội, thì kết luận việc thầy giáo ở Thái Bình nhắn tin cho nữ sinh có phải là hành vi quấy rối tình dục hay không là thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cá nhân luật sư cho rằng trường hợp này không phải quấy rối tình dục.

Vụ thầy giáo N.Đ.T (40 tuổi, đã có gia đình) ở Trường THPT Chuyên Thái Bình (TP Thái Bình) có tin nhắn "tình cảm" với nữ sinh lớp 10 vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì mới đây, thêm một cựu học sinh khác cũng đã lên tiếng tố thầy giáo này từng làm vậy với mình.

Người lên tiếng tố cáo thầy T. là một cựu học sinh nữ Trường THPT Chuyên Thái Bình, khóa 2011 - 2014 lớp thầy T. chủ nhiệm. Cựu học sinh này cho biết thêm, sau khi nhắn tin "gạ tình" nữ sinh này không được, thầy N.Đ.T còn nhắn cho một số bạn nữ khác trong lớp. Đặc biệt, thầy T. có sở thích sắp xếp các bạn nữ xinh đẹp ngồi bàn đầu, vì cho rằng đó là thể diện của lớp.

Trước đó, dư luận xôn xao vì ảnh chụp màn hình những tin nhắn được cho là của một thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 ở Trường THPT chuyên Thái Bình nhắn tán tỉnh một học sinh trong lớp. Thầy giáo này liên tục sử dụng những từ ngữ thể hiện tình cảm thái quá với nữ sinh như: "Nhớ đến cồn cào", "Đêm qua thầy ngủ không được vì thầy đã dành tình cảm quá lớn cho em", "Chờ mai kia còn lấy sức tận hưởng cảm giác ngọt ngào bên em"...

Hình ảnh chụp đoạn tin nhắn được cho của thầy giáo T. với nữ sinh.
Hình ảnh chụp đoạn tin nhắn được cho của thầy giáo T. với nữ sinh.

Trong xã hội phát triển và văn hóa 4.0 hiện nay, nhiều người dễ bắt gặp những tin nhắn có nội dung nhạy cảm đến thái quá từ người khác và trở thành nạn nhân của những chiêu trò "gạ tình" bằng tin nhắn điện thoại. Vậy liệu nhắn tin gạ tình có phải là quấy rối tình dục và trong trường hợp thầy giáo Thái Bình nhắn tin cho học sinh có thể hiện hành vi quấy rối tình dục không? 

Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật TNHH Hừng Đông) đã bày tỏ quan điểm ở nhiều khía cạnh khác nhau liên quan tới vụ thầy giáo THPT Chuyên Thái Bình liên tiếp bị tố nhắn tin "gạ tình". Những người có hành vi nhắn tin "gạ tình" cần hiểu được hành vi của mình là trái pháp luật, đồng thời hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho những việc mình gây ra. 

Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Hữu Toại đã nhận lời trao đổi với PV VietTimes. Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, chúng ta có thể xem hành vi nhắn tin "gạ tình" là quấy rối tình dục không?

- Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định thế nào là quấy rối tình dục. Tại Bộ luật Lao động chỉ liệt kê Quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 8.

Ngày 25/5/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo Bộ quy tắc này thì “Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, làm xúc phạm người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Bộ quy tắc này liệt kê các hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:

  • Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
  • Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
  • Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Như vậy đối chiếu với Bộ quy tắc nêu trên việc nhắn tin gạ tình là quấy rối tình dục.

Theo pháp luật Việt Nam, quấy rối tình dục bằng tin nhắn điện thoại phạm tội gì, chế tài như thế nào, thưa ông?

- Quấy rối tình dục thường là những hành vi rất khó chứng minh, vì hầu như không để lại thương tổn rõ ràng về sức khỏe, cho dù các nạn nhân phải chịu những khủng hoảng tâm lý nặng nề.

Tùy theo mức độ vi phạm của kẻ quấy rối mà bị xử lý khác nhau. Có thể sẽ bị xử phạt hành chính nếu người quấy rối “có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Nếu hành vi quấy rối tình dục bằng tin nhắn xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 05 năm. Và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp thầy giáo Thái Bình nhắn tin cho học sinh có thể hiện hành vi quấy rối tình dục không, thưa ông?

- Kết luận tin nhắn giữa thấy giáo và học sinh có phải là hành vi quấy rối tình dục không thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng, tôi xin phép không kết luận thay. Tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân tôi, trường hợp này không phải quấy rối tình dục.

Nhiều người dễ trở thành nạn nhân bị nhắn tin gạ tình trong văn hóa thời đại 4.0. Có ý kiến cho rằng phải cần gấp một văn bản luật quy định để các hành vi này phải bị pháp luật trừng phạt thích đáng. Quan điểm của luật sư thế nào về việc này?

- Tôi ủng hộ việc luật hóa quy định thế nào là hành vi quấy rối tình dục, nếu được luật hóa thì việc xử lý sẽ dễ dàng hơn. Việc luật hóa sẽ tránh được tình trạng áp dụng pháp luật không đồng bộ, nơi này thì xử lý hình sự, nơi kia xử phạt hành chính. Việc luật hóa cũng giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng thống nhất pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư! 

Sở GD&ĐT Thái Bình khẳng định sẽ xử lý nghiêm

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Thái Bình đã yêu cầu giáo viên T. và nữ sinh M. viết bản tường trình. Thầy T. đã thừa nhận có nhắn tin với em M. và sử dụng ngôn từ tình cảm vượt mức bình thường giữa giáo viên và học sinh.

Đến chiều 5/3, lãnh đạo nhà trường làm việc với nữ sinh M. và phụ huynh của em. Nữ sinh M. xác nhận sự việc mới chỉ dừng lại ở các tin nhắn, em M. chưa bị xâm hại về thân thể. Gia đình và em M. không muốn kỷ luật thầy giáo T.

Để giữ ổn định tâm lý cho học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã điều chuyển giáo viên T. không chủ nhiệm và không dạy lớp 10 Địa.