Luật sư mổ xẻ chuyện mua Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng có trái luật hay không đang các luật sư tham gia phiên tòa xét xử vụ VNCB đưa ra mổ xẻ.
Ngân hàng Xây dựng được định giá 0 đồng
Ngân hàng Xây dựng được định giá 0 đồng

Trong khi vụ án liên quan đến VNCB đang được điều tra thì ngày 31-1-2015, tại Đại hội cổ đông của VNCB, NHNN công bố Quyết định (số 249): Mua bắt buộc 100% cổ phần của VNCB với giá 0 đồng; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của 554 cổ đông hiện hữu; chuyển đổi VNCB thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Câu hỏi của các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh đặt ra tại phiên tòa hôm nay là: trước thực trạng hoạt động yếu kém của VNCB, vì sao NHNN không áp dụng thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản, mà lại áp dụng biện pháp cưỡng chế mua bắt buộc với giá 0 đồng?

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, đại diện NHNN cho biết cơ sở pháp lý của quyết định mua VNCB với giá 0 đồng là căn cứ vào Điều 146.3 Luật các tổ chức tín dụng, Điều 4.12 Luật Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 07 (2013) của NHNN về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng, trong hệ thống các giải pháp tại các văn bản pháp quy [Ngân hàng nhà nước] nêu trên không có giải pháp nào quy định NHNN quyết định mua lại VNCB với giá 0 đồng mà chỉ có các giải pháp nhằm duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của VNCB.

“Chúng tôi nghiên cứu và nhận thấy các quy định trên chỉ ghi rõ, NHNN có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần, cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối phải chuyển nhượng cổ phần. Các quy định của Luật các tổ chức tín dụng (Điều 149) và nghị định hướng dẫn không có quy định nào đề cập về biện pháp mua bắt buộc bằng 0 đồng”, luật sư Phan Trung Hoài, một trong bốn luật sư bào chữa cho ông Danh, nói.

Theo luật sư bào chữa cho ông Danh, điều đáng quan tâm là khi mua VNCB với giá 0 đồng thì các tài sản VNCB đang nắm giữ để bảo đảm cho các khoản dư nợ tín dụng sẽ xử lý như thế nào và các cổ đông có quyền đề nghị NHNN công bố tổng giá trị số tài sản thế chấp, đảm bảo hiện nay tại VNCB vào thời điểm xảy ra vụ án hay không?

Trong khi đó, như NHNN xác định, phần vốn cổ phần do cổ đông đóng góp vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cổ đông nhưng họ chưa được biết và có ý kiến về vấn đề này…

“Do đó, việc NHNN quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB với giá 0 đồng khi báo cáo tài chính của ngân hàng chưa được công khai trong khi vụ án hình sự đã được khởi tố, các cổ đông của VNCB chưa kịp xây dựng phương án xử lý và tăng vốn điều lệ cho ngân hàng dẫn đến các cổ đông khác không có cơ hội để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, ông Hoài nhận định.

Đó là chưa kể việc tính toán, định giá các tài sản đảm bảo cho các khoản dư nợ đến kỳ thanh toán chưa phù hợp, chênh lệch quá lớn giữa giá trị thực và giá trị định giá của cơ quan định giá do Cơ quan điều tra Bộ Công an trưng cầu.

Theo nhóm luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh, về mặt pháp lý, việc quyết định mua bắt buộc 100% cổ phần của VNCB cũng không phù hợp với các quy định pháp luật liên quan đến việc trưng mua hoặc trưng dụng tài sản tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản (2008); bởi lẽ trưng mua [bằng quyết định hành chính] chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia (Điều 2.1).

Hơn nữa, Điều 13 của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định danh mục các tài sản thuộc đối tượng trưng mua chỉ có nhà ở, tài sản gắn liền với đất, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, công cụ, dụng cụ và vật tư, vật dụng thiết yếu khác, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác, hoàn toàn không có cổ phần, cổ phiếu của doanh doanh nghiệp hay các tổ chức tín dụng.

Phân tích ở góc độ này bởi các luật sư muốn đi đến kết luận: Nếu mua VNCB theo cơ chế thỏa thuận thì phải có cơ chế cho các cổ đông thực hiện quyền đàm phán, thảo luận để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của 553 cổ đông khác của VNCB.

Theo TheSaigontimes