Vụ chồng lừa lấy phôi lưu nghi cho “bồ” mang thai:

Luật sư Đặng Văn Cường: Cần xem xét trách nhiệm của bệnh viện và cán bộ liên quan

VietTimes – Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội - nhận định phôi thai là thứ không thể mua bán, không thể định giá được bằng tiền, không có đầy đủ các thuộc tính của tài sản, nên không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đăng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội
Luật sư Đăng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội

+ Thưa ông, người chồng có vi phạm pháp luật khi lừa Bệnh viện Bưu điện lấy phôi thai không? Nếu có vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

- Về nguyên tắc mọi hành vi lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật, đều bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì phôi thai không phải là tài sản.

Phôi thai là thứ không thể mua bán, không thể định giá được bằng tiền, không có đầy đủ các thuộc tính của tài sản nên không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật.

Hành vi của ông chồng và người phụ nữ "lạ mặt” trong trường hợp này cũng không phải là lén lút, mà là gian dối, ông chồng và người phụ nữ kia đã dùng những thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối để qua mặt cơ quan chức năng.
Do đó, hành vi lừa dối để chiếm đoạt phôi thai của người chồng và người phụ nữ này không đủ yếu tố để cấu thành tội trộm cắp tài sản, cũng như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Bệnh viện Bưu điện thì người chồng đã sử dụng giấy ủy quyền giả, giả chữ ký của vợ mình để thực hiện thủ đoạn qua mặt các cán bộ, bác sĩ của bệnh viện này. Bởi vậy, cần làm rõ giấy ủy quyền đó có đóng dấu, chữ ký của cơ quan chức năng hay không (phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã phường).

Trong trường hợp người đàn ông này đã làm giả con dấu, giả chữ ký hoặc tẩy sửa văn bản của cơ quan chức năng để lừa dối cán bộ, bác sĩ bệnh viện, thì có thể xem xét xử lý người đàn ông và người phụ nữ này về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định: “Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Bệnh viện Bưu điện - nơi xảy ra vụ việc
Bệnh viện Bưu điện - nơi xảy ra vụ việc

+ Xin ông cho biết trách nhiệm của bệnh viện trong vụ việc này ra sao?

- Trong vụ việc này, cũng cần xem xét trách nhiệm của bệnh viện và cán bộ, bác sĩ có liên quan đến việc thực hiện thủ tục này.

Trường hợp có sai sót về thủ tục, không làm hết trách nhiệm để cho người chồng và người phụ nữ lạ mặt kia qua mặt, đã dẫn đến hậu quả dở khóc, dở cười, gây bức xúc cho người vợ và làm giảm sút uy tín của bệnh viện. Bởi vậy, trong trường hợp này người vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu bệnh viện phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại tổn thất về tinh thần đã gây ra đối với người vợ trong tình huống này.

Còn đối với người chồng và người phụ nữ là mặt kia thì người vợ hoàn toàn có quyền làm đơn trình báo tới cơ quan công an để được xem xét làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu để chiếm đoạt phôi thai của người phụ nữ này.

Trong quá trình xác minh tin báo, nếu cơ quan công an có căn cứ cho thấy những người này đã làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức thì có thể xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

+ Cảm ơn ông!

CÓ THỂ KHỞI TỐ NGƯỜI CHỒNG

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Văn phòng luật sư Kết nối (Hà Nội), có 2 câu hỏi đặt ra từ vụ việc, đó là người mẹ hợp pháp của đứa con sinh ra từ phôi thai bị đánh cắp và hành động vi phạm pháp luật của người chồng.

Về quyền nuôi con, ông Hùng cho biết: “Pháp luật quy định người mẹ hợp pháp là người có cùng ADN với đứa trẻ. Nếu nhân tình của người chồng mang thai bằng phôi lưu của vợ cũ lấy trong bệnh viện, người mẹ hợp pháp chính là người vợ bị đánh cắp phôi, có quan hệ huyết thống với đứa trẻ”.

Về người chồng, ông ta đã giả mạo giấy tờ để lấy phôi lưu trong bệnh viện cho một người khác. Người chồng này đã vi phạm các quy định về mang thai hộ, có các thủ đoạn lừa đảo để thực hiện mang thai hộ trái phép.

“Khi chồng không có sự đồng ý của người vợ, mà đã giả mạo giấy tờ để lấy phôi lưu trong bệnh viện cho một người khác, là đã vi phạm quy định về mang thai hộ, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố người chồng về hành vi này” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nói.