Lựa chọn của Fed: Chống lạm phát hay bình ổn tài chính?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sự sụp đổ của SVB đặt ra những thách thức cho Fed trong lộ trình nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. 

Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất hay sẽ ngừng lại, sau sự sụp đổ của SVB? (Ảnh: NYTimes)

Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất hay sẽ ngừng lại, sau sự sụp đổ của SVB? (Ảnh: NYTimes)

Cuối năm ngoái, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố “những hành động chính sách vận hành nhờ các điều kiện tài chính”, ám chỉ tới phản ứng chuỗi mà chính sách tiền tệ tạo nên.

Khi lãi suất tăng, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, làm chậm nền kinh tế và từ đó giảm lạm phát.

Nhưng trong tuần vừa qua, chuỗi phản ứng này lại diễn ra không như mong muốn: lãi suất cao đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Những điều kiện tài chính “sóng gió” này đẩy Fed vào thế tiến thoái lưỡng nan. Câu hỏi đặt ra hiện tại là: liệu Fed có nên tiếp tục tập trung vào lạm phát và tiếp tục nâng lãi suất? Hay sẽ tập trung hơn vào bình ổn tài chính? Ngày 22/3 (giờ Mỹ), tại một cuộc họp về chính sách tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra quyết định.

Trước khi tình hình bất ổn diễn ra bằng sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), một đợt nâng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp là điều mà các thị trường cho là chắc chắn xảy ra. Câu hỏi quan trọng hơn là, liệu Fed sẽ nâng lãi suất 0,25% hay 0,5% (?).

Nhưng ở hiện tại, câu hỏi đặt ra là liệu họ có tiếp tục nâng lãi suất hay không (?). Thị trường đang đặt cược vào khả năng 60% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25%, 40% cho rằng sẽ giữ nguyên lãi suất.

Đầu tiên là luận điểm Fed sẽ không nâng lãi suất. Những người ủng hộ hành động này cho rằng, lãi suất cao chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng hỗn loạn tài chính.

Không chỉ riêng SVB gặp vấn đề, rất nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính khác cũng chịu khoản lỗ khổng lồ do đầu tư trái phiếu. Lãi suất tiếp tục được nâng cao có thể tiếp tục gây ra khoản lỗ cho họ.

Thứ hai, chính tình trạng bất ổn đã là trở lực đối với nền kinh tế. Khi niềm tin suy giảm, các doanh nghiệp sẽ cố gắng bảo vệ nguồn vốn. Các ngân hàng giảm cho vay và các nhà đầu tư thoái lui. Các biện pháp liên quan tới điều kiện tài chính – như nâng lãi suất, chênh lệch tín dụng và giá cổ phiếu – đã được thắt chặt đáng kể trong vòng 10 ngày qua.

Eric Rosengren, cựu Chủ tịch của Fed Boston, đã so sánh tình hình này với sau một trận động đất. Trước khi trở lại cuộc sống bình thường, cần phải xem xem có thêm đợt dư chấn nào hay không, và cấu trúc của các toà nhà có còn vững chắc không. Logic tương tự cũng có thể áp dụng với chính sách tiền tệ sau một cú sốc tài chính. “Hãy bước đi chậm thôi, và tìm xem có vấn đề gì khác không,” ông Rosengren nói.

Nhóm những người tin Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thừa nhận rằng bất ổn tài chính là một dạng của thắt chặt tiền tệ. Nhưng họ lấy đó làm lý do để ủng hộ luận điểm Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25% thay vì 0,5% mà nhiều người từng dự đoán. Tiếp tục nâng lãi suất ở thời điểm hiện tại sẽ phát đi tín hiệu rằng Fed vẫn quyết tâm chống lạm phát bằng được. Không giống như hệ thống ngân hàng, dữ liệu về đà phục hồi trong lĩnh vực bất động sản mới đây đã cho thấy phần lớn nền kinh tế Mỹ hiện nay vẫn đủ sức chống chịu với lãi suất cao hơn.

Một đợt nâng lãi suất sẽ cho thấy rằng Fed đủ khả năng chiến đấu trên cả hai mặt trận cùng lúc. Họ vừa có thể kiểm soát sự bình ổn tài chính, vừa có thể kiềm chế lạm phát. Với sự kết hợp của biện pháp đảm bảo tiền gửi cho khách hàng, một chương trình thanh khoản mới và sự ủng hộ từ các ngân hàng lớn hơn, một khung làm việc hiện đã đi vào hoạt động để củng cố các tổ chức tài chính của Mỹ.

Các biện pháp mà Fed đưa ra đã có kết quả. Trong tuần kết thúc vào ngày 15/3, các ngân hàng đã vay mượn gần 153 tỉ USD từ thị trường mở, tăng từ mức dưới 5 tỉ USD trong tuần trước đó. Ngoài ra, các ngân hàng cũng vay mượn thêm 11,9 tỉ USD từ cơ sở thanh khoản mới của Fed. Điều này giúp giảm nhẹ tình trạng bán tháo trên các thị trường, ít nhất là ở hiện tại, và tạo cho Fed thêm không gian để tập trung hơn vào lạm phát.

Cũng có thể nhìn vào trường hợp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) để dự đoán bước đi tiếp theo của Fed. Ngày 16/3, ECB tuyên bố nâng lãi suất thêm 0,5%, bất chấp tình trạng hỗn loạn tài chính.

Cuối cùng là câu hỏi về tâm lý thị trường – điều quan trọng nhất trong bối cảnh hoảng loạn. Một đợt nâng lãi suất đôi khi lại có thể là được coi là sự đảm bảo. Một đợt ngừng nâng lãi suất có thể khiến nhiều người nghĩ rằng Fed – vốn giữ quan điểm diều hâu trong suốt năm ngoái – đang thực sự lo lắng. Ngược lại, một đợt nâng lãi suất sẽ khiến các thị trường nghĩ rằng cuộc khủng hoảng đang nằm trong tầm kiểm soát.

Xét về số liệu, sự khác biệt giữa hai lựa chọn trên cũng nhỏ. Theo dự báo, Fed có thể duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn của họ trong khoảng 4,5%-4,75%, hoặc nâng lên trong khoảng 4,75%-5%. Xét về tài chính đơn thuần, thì sự khác biệt chả đáng chú ý, nhưng xét về mặt chính sách thì nó mang ý nghĩa quan trọng hơn.

Theo The Economist