Lợi nhuận “đại gia” viễn thông: Ai đang tụt lại?

Trong bộ ba Viettel, VNPT và MobiFone, nếu trước đây tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VNPT luôn là kém nhất thì ba tháng đầu năm 2016,  VNPT lại là một điểm sáng.
Nếu trước đây tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VNPT luôn là kém nhất thì ba tháng đầu năm 2016, VNPT lại là một điểm sáng.
Nếu trước đây tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VNPT luôn là kém nhất thì ba tháng đầu năm 2016, VNPT lại là một điểm sáng.

Báo cáo lên Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho biết, doanh thu quý 1/2016 của toàn tập đoàn đạt 25% kế hoạch; lợi nhuận hoàn thành 25,7% kế hoạch và tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nộp ngân sách Nhà nước quí 1 của VNPT tăng 24,1% so với cùng kỳ.

VNPT cũng phát triển mới được gần 2,3 triệu thuê bao, trong đó phát sinh cước là hơn 873.000 thuê bao, thuê bao cáp quang phát triển mới đạt 325.000, tăng 4 lần so với cùng kỳ, riêng thuê bao MegaVNN lại giảm 267.000 thuê bao do chuyển đổi. 

Sau một thời gian dài “ì ạch, cồng kềnh và tụt hậu”, VNPT cho thấy kết quả kinh doanh hiệu quả hơn đáng kể, từ khi doanh nghiệp này thực hiện tái cơ cấu năm 2014.

6 tháng đầu năm 2015 cũng là 6 tháng đầu tiên của VNPT trong năm kinh doanh “không có MobiFone” - đơn vị luôn mang lại tới khoảng trên 60% lợi nhuận cho VNPT, tổng lợi nhuận toàn VNPT đã tăng trưởng 30,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó lợi nhuận công ty mẹ tăng 30,4%.

Tính hết năm 2015, cho dù so với MobiFone và đặc biệt là Viettel, tổng lợi nhuận của VNPT còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 3.280 tỷ đồng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lại khá cao, khi tăng 20% so với năm 2014 và tính ra bình quân mỗi quý (năm 2015), VNPT đạt lợi nhuận 820 tỷ đồng lợi nhuận. 

Ngoài việc tăng mạnh so với cùng kỳ (33,8%), mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2016 của VNPT còn cao hơn trung bình cả năm 2015 của tập đoàn này.

Trong khi đó, Viettel - tập đoàn lớn nhất về quy mô và số lượng thuê bao - dù ba tháng đầu năm 2016 cũng đạt được lượng doanh thu “khủng” với 54.406 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu khuyến mãi), doanh thu công ty mẹ đạt 39.120 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 8.593 tỷ đồng.

Con số lợi nhuận trên vẫn đạt 101% kế hoạch quý nhưng chỉ đạt 18% kế hoạch năm - thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch năm của VNPT. 

Đặc biệt, nếu so sánh với mức lợi nhuận bình quân quý năm 2015 của tập đoàn Viettel với giá trị đạt 11.450 tỷ đồng/quý (cả năm 2015, tổng lợi nhuận trước thuế của Viettel là 45.800 tỷ đồng) thì lợi nhuận quý 1/2016 của Viettel là thấp hơn rất nhiều.

Về nộp ngân sách Nhà nước, tính đến hết quý 1/2016, Viettel đã nộp 7.347 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch. Hiện Viettel có 67,862 triệu thuê bao di động, thuê bao cáp quang cố định đạt 1,62 triệu, 889.000 thuê bao truyền hình.

Đáng chú ý nhất trong số ba “đại gia” viễn thông là MobiFone. 

Theo số liệu được ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone báo cáo lên Bộ Thông tin và Truyền thông, thì doanh thu toàn tổng công ty này đạt 23,18%, lợi nhuận trước thuế 1.450 tỷ đồng, hoàn thành 27,6% kế hoạch và nộp ngân sách nhà nước đạt 29,56% kế hoạch năm.

Mức lợi nhuận trước thuế của MobiFone dù cũng đạt kế hoạch năm khá cao (27,6%), nhưng nếu so giá trị tuyệt đối với quí 1/2015, mức lợi nhuận của MobiFone trong quí 1/2016 đã giảm tới trên 25%, bởi lợi nhuận quý 1/2015 của MobiFone đạt ở con số 2.086 tỷ đồng (tương ứng 30% kế hoạch năm). 

Việc chỉ dừng lại con số 1.450 tỷ đồng lợi nhuận quý 1/2016 và giảm mạnh so với quí cùng kỳ 2015 là nằm trong kế hoạch của MobiFone. 

Và đây có thể xem cũng là điều dễ hiểu bởi từ quý 3/2015, MobiFone chính thức tham gia và thị trường bán lẻ và đặc biệt đầu năm 2016, nhà mạng này tiếp tục “dấn thân” vào sân chơi truyền hình khi mua công ty truyền hình AVG. Có thể phải chi phí, đầu tư mạnh mẽ cho những lĩnh vực mới nên đã khiến lợi nhuận quý đầu năm 2016 giảm mạnh so với quý cùng kỳ.

Trong quý 1, MobiFone phát triển mới đạt 6 triệu thuê bao, vượt 156% kế hoạch năm.

Theo VnEconomy