Loay hoay tranh cãi “Made in Vietnam“: Thôi thì... “Made in the world”!

VietTimes -- Suy cho cùng, xu hướng toàn cầu hóa đã từng bước xóa nhòa những biên giới sản xuất và lưu thông hàng hóa dịch vụ, có chăng chỉ chắt lọc lại hai thứ đáng giá nhất. Đó là: (1) bản quyền sáng chế; (2) giá trị thương hiệu.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thế nào là Made in Vietnam?” - đây vừa là chủ đề của buổi tọa đàm do CLB Café số tổ chức vào sáng qua 17/7 và cũng là câu hỏi mà người tiêu dùng mong được giải đáp thỏa đáng, không phải gần đây mà đã từ cả chục năm qua.

Sức thu hút của đề tài này được thể hiện một cách trực quan thông qua số người tham dự tràn ra cả hành lang.

Tuy nhiên, những người tham dự buổi tọa đàm của CLB Café số thoạt đầu sẽ không khỏi đôi chút băn khoăn khi bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI - thay vì đi thẳng vào việc trả lời câu hỏi “Thế nào là Made in Vietnam?”, lại dành nhiều thời gian nói về những vấn đề kỹ thuật, cụ thể là cách xác định xuất xứ hàng hóa.

Để rồi sau cùng, bà Hương cho biết: “Việt Nam đã có nhiều quy định về dán nhãn như Nghị định 89, Nghị định 43. Nhưng trong tất cả các nghị định đó, chưa có quy định nào đưa ra tiêu chí sản phẩm như thế nào được dán nhãn là Made in Vietnam”.

Vậy là, quan điểm của bà Hương cũng tương tự như nhiều chuyên gia khác, rằng Việt Nam vẫn chưa có khái niệm “Thế nào là Made in Vietnam?". 

Khách quan mà nói, với bối cảnh hiện nay, sẽ thật khó để đưa ra một khái niệm “cứng” về “Made in Vietnam” mà không tránh khỏi “giẫm” vào những quy định khác trong các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Mà trong những trường hợp quy định pháp luật của Việt Nam có xung đột với những cam kết quốc tế, thì theo thông lệ, “bao giờ các cam kết quốc tế cũng được ưu tiên áp dụng” - Luật sư Trần Ngọc Trung (Hãng luật Baker & McKenzie), diễn giả còn lại của buổi tọa đàm, khẳng định.

Vậy thì việc cố gắng đưa ra khái niệm “Made in Vietnam” liệu có khả thi và còn nhiều ý nghĩa?

Đứng về mặt pháp lý, sự lúng túng ở các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước là điều có thể thấy rõ, việc đánh giá đúng - sai chuyện Asanzo dán mác “Made in Vietnam” cũng tương tự.

Nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, giữa “một rừng các quy định” mà không phải ai cũng có thể tiếp cận và hiểu được, nhận thức của họ về xuất xứ hàng hóa hoàn toàn khác.

Sự phân định thiếu rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng người tiêu dùng bị thua thiệt, mà như độc giả của VietTimes đã bình luận rằng: “Giải thích như chuyên gia thì các doanh nghiệp gán mác “Made in Vietnam” đều OK?”.

Nhưng việc gắn mác xuất xứ không hề dễ dàng như vậy!

Các ví dụ được đưa ra tại buổi tọa đàm cho thấy việc dán nhãn “made in” được các khách hàng ở nhiều nước (nhập khẩu hàng hóa Việt Nam) áp dụng khá linh hoạt nhưng dựa trên những thông lệ và quy tắc nhất định. Bên cạnh đó, các quy tắc xuất xứ đề ra phần lớn được sử dụng cho việc xác định mức ưu đãi thuế quan (trong các hiệp định FTAs) thay vì để “chứng minh lòng yêu nước”.

Vấn đề ở chỗ, việc thiếu các quy định dán nhãn rõ ràng với hàng hóa lưu thông trong nước tạo ra các “khoảng trống” pháp lý mà doanh nghiệp có thể lợi dụng, trục lợi bất chính từ người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI - chia sẻ tại tọa đàm
Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI - chia sẻ tại tọa đàm

Asanzo vẫn có thể dán nhãn "Made in Vietnam"

Tỏ ra thận trong khi nhận định về việc Asanzo gắn mác “Made in Vietnam” lên các sản phẩm của mình, ông Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie - cho biết “căn cứ trên các quy định về xuất xứ thì việc dán nhãn Made in Vietnam của Asanzo vẫn có khả năng xảy ra”.

Lý giải thêm về nhận định này, ông Trung cho hay, quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam dành quyền cho các nhà sản xuất tự kê khai. Vấn đề là nhà sản xuất tự chịu trách nhiệm, tự ghi, miễn sao đảm bảo tuân thủ theo các quy định của FTA.

Như vậy, doanh nghiệp có thể dựa vào quy định của FTA hoặc pháp luật hiện hành nhưng không thể cùng lúc áp dụng cả hai và buộc phải ghi nhận xuất xứ rõ ràng. “Trường hợp có xung đột bao giờ cam kết quốc tế cũng được ưu tiên áp dụng”, ông Trung lưu ý.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia cả hai hiệp định thương mại tự do là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (gọi tắt là ATIGA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (gọi tắt là ACFTA).

Trong trường hợp của Asanzo, nếu đối chiếu theo ATIGA thì sản phẩm của hãng không được dán nhãn “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, nếu đối chiếu theo ACFTA, thì việc dán nhãn “Made in Vietnam” là có thể được.

Bởi lẽ, nguyên tắc trong thỏa thuận thương mại này cho phép “cộng gộp” tất cả các nguyên liệu nhập khẩu từ các nước thành viên, bao gồm cả Trung Quốc, sản phẩm làm ra có thể được coi là của Việt Nam “khi quy trình sản xuất cuối cùng được thực hiện tại Việt Nam”.

“Việc ghi xuất xứ ở đâu có thể nói là muôn hình vạn trạng, rất đa dạng và là cái tùy biến, bản thân quy định các nước khác cũng cho thấy sự tùy biến cao, ở Việt Nam chúng ta cũng như vậy” - luật sư Trần Ngọc Trung cho biết.

Việc truy xét đến tận cùng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng rất khó khăn trong nhiều trường hợp và các cơ quan quản lý cũng không đủ nguồn lực để đánh giá cặn kẽ đến tận gốc vấn đề này.

Căn cứ theo các FTA là vậy nhưng chúng ta lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa.

Giả dụ cũng quy trình sản xuất đó, hàm lượng như thế nhưng nếu doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản, thì họ có được gắn nhãn Made in Japan hay không? Như vậy có được coi là lừa dối người tiêu dùng không? Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó tìm được câu trả lời đúng 100%” - ông Trung đặt vấn đề trước những ý kiến cho rằng Asanzo “đội lốt hàng Việt Nam”.

Theo quan điểm của vị chuyên gia này, “cái cuối cùng của vấn đề là chất lượng hàng hóa”.

Khi đánh giá vấn đề nhãn mác cần có cái nhìn khách quan và chia sẻ với các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chúng ta đặt ra quy định và buộc doanh nghiệp phải tuân thủ thì có nguy cơ việc gán nhãn xuất xử sẽ trở thành gánh nặng thủ tục hành chính, “gây cản trở và phiền hà” cho doanh nghiệp. Có lẽ, thay vì quản lý câu chuyện xuất xứ, việc quản lý chất lượng là điều quan trọng hơn trong vấn đề này.

Ông Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie
Ông Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie

Hiểu sao cho đúng về “Made in Vietnam”?

Đồng quan điểm với luật sư Trần Ngọc Trung, một chuyên gia từng có kinh nghiệm tham gia đàm phán hàng chục hiệp định đối tác thương mại cùng Bộ Công thương (xin được giấu tên) chia sẻ, đối với câu chuyện của Asanzo, dù cho các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài nhưng nếu họ chứng minh được với cơ quan quản lý nhà nước rằng công đoạn sản xuất cuối cùng diễn ra tại Việt Nam (chưa tính tới công đoạn này là đơn giản hay phức tạp) thì họ có thể dán nhãn Made in Vietnam trên sản phẩm của mình.

Chúng ta đã biết họ xuất khẩu đi đâu mà bảo họ không được dán nhãn là Made in Vietnam?” - vị chuyên gia bày tỏ quan điểm và cho rằng không nên lấy việc dán nhãn “Made in Vietnam” để đong đếm lòng yêu nước.

Các tiêu chuẩn về bộ quy tắc xuất xứ được cơ quan quản lý đưa ra mang nhiều tính chất kỹ thuật, dùng để tính toán việc doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi theo các hiệp định FTA ở mức nào.

Vị chuyên gia này cho biết hiện cơ quan quản lý còn “nợ” người tiêu dùng trong nước một văn bản pháp lý định nghĩa rõ “Thế nào là Made in Vietnam”. Tình trạng này khiến cho một số doanh nghiệp có cơ hội lợi dụng để trục lợi từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, kể cả khi văn bản pháp lý ra đời thì việc hướng dẫn thi hành để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống cũng không phải là điều đơn giản. Điều quan trọng để đánh giá vấn đề, theo chuyên gia này, là “công đoạn sản xuất cuối cùng ở Việt Nam và giá trị chúng ta thu lại được”.

Vị chuyên gia lấy ví dụ về một doanh nghiệp điều của Việt Nam thực hiện lấy giống cây trong nước rồi ghép thêm giống tại Thái Lan thành cây con, sau đó đem trồng ở Campuchia và Lào. Sản phẩm điều thô sau đó được vận chuyển từ Campuchia “nhập” về Việt Nam để chế biến. Thành phẩm được bán tại Việt Nam và chưa được đem xuất khẩu.

Hàm lượng chất xám của người Việt trong quá trình sản xuất hạt điều không thể lượng hóa được với sản phẩm này” - vị chuyên gia đánh giá.

Nhìn rộng ra chuỗi cung ứng của khu vực, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay đã được định hình rất đầy đủ. Đặt trong bối cảnh này, thì có lẽ chúng ta phải tiến hành dán nhãn “Made in the world” lên tất cả các sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc dán nhãn “made in” tại nhiều quốc gia là tự nguyện và chưa có sự thống nhất. Công đoạn gia công trên lãnh thổ quốc gia nào thì nhà sản xuất hoàn toàn có thể ghi được là “Pruduced in...”, “Made in...”, “Assembled in...” tại chính nơi đó.

Suy cho cùng, xu hướng toàn cầu hóa đã từng bước xóa nhòa những biên giới sản xuất và lưu thông hàng hóa dịch vụ, có chăng chỉ chắt lọc lại hai thứ đáng giá nhất. Đó là: (1) bản quyền sáng chế; (2) giá trị thương hiệu./.