Loạt dự án 'đắp chiếu' ở Trung Quốc: 'Núi nợ' bất động sản làm khổ người mua nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 'Núi nợ' của các nhà phát triển bất động sản đã tác động tới cả nền kinh tế Trung Quốc, với gần 100 dự án nhà ở nằm 'đắp chiếu', làm dấy lên sự phẫn nộ của người mua.

Một tòa nhà thuộc dự án Top Luxury Mansion ở Vận Thành, Sơn Tây, Trung Quốc được xây dựng dở dang do thiếu vốn (Ảnh: SCMP)

Một tòa nhà thuộc dự án Top Luxury Mansion ở Vận Thành, Sơn Tây, Trung Quốc được xây dựng dở dang do thiếu vốn (Ảnh: SCMP)

Theo dữ liệu của South China Moring Post (SCMP), có tới 3/4 các nhà phát triển bất động sản đang chìm trong nợ nần ở Trung Quốc chậm hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua. Điều này đẩy hàng nghìn người mua nhà và khoản tiền tiết kiệm cả đời của họ vào tình trạng bất ổn.

Để thể hiện sự bất bình, nhiều người mua nhà từ chối thanh toán nợ thế chấp ngân hàng, gây áp lực đối với hệ thống tài chính. Hàng loạt bức thư của người mua nhà ở các thành phố như Trịnh Châu, Trường Sa và Tây An, được phát tán nhanh chóng mặt trên nền tảng mạng xã hội WeChat.

“Lỗ hổng trong thị trường nhà ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với vỡ nợ trái phiếu hay tình trạng sụt giá cổ phiếu của các công ty phát triển địa ốc mà chúng ta đã chứng kiến trong năm ngoái,” Tommy Wu, kinh tế trưởng tại Oxford Economics, nhận định. “Các nhà phát triển bất động sản đơn giản là không có đủ tiền, và hiệu ứng lây lan đối với cuộc sống của người dân và các ngân hàng không khác gì tình trạng mất máu”.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra cũng gây tác động tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Người dân điêu đứng vì loạt dự án 'đắp chiếu'

SCMP dẫn lời ông Sam Chen - một người mua nhà thuộc dự án của China South City ở tỉnh Giang Tây, cho hay ông là một trong những nạn nhân của đợt “sóng thần” thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Sau khi ký hợp đồng mua vào tháng 7/2020, ông phải chật vật trả lãi suất 7.000 NDT/tháng đối với khoản tiền vay thế chấp ngân hàng 2 triệu NDT (tương đương 7 tỉ VND).

“Tôi đã làm gì sai? Đó là câu hỏi mà tôi đã tự vấn mình trong suốt cả năm qua,” ông Chen nói và thêm rằng nếu theo đúng hợp đồng, ông đã chuyển tới ở căn hộ mới rộng 190 m2 ở Nam Xương từ tháng 9/2021. “Có lẽ từ lúc quyết định mua ngôi nhà này, cuộc đời tôi đã không còn đi đúng hướng nữa".

Sau khi quá trình thi công bị ngừng vào giữa năm 2021, ông Chen và hàng trăm người mua nhà vẫn chưa nhận được câu trả lời trực tiếp nào từ phía nhà phát triển. Thông tin liên quan tới China South City cuối cùng đã được công bố trong tháng 1/2022, cho thấy nhà phát triển bất động sản này phải xin các chủ nợ gia hạn trả nợ đối với 2 khoản nợ trái phiếu trị giá 700 triệu USD.

Trong lần lần nhất tới thăm dự án, ông Chen nhận thấy khu căn hộ của mình nằm trong hàng loạt khu nhà khác, có khu nhà chỉ cách tòa nhà chính quyền thành phố chưa đầy 3 km, vẫn chưa được lắp cửa sổ, đường ống nước và đường ống khí đốt.

Những tòa chung cư chưa hoàn thiện ở Vận Thành, Sơn Tây trong bức ảnh chụp ngày 18/9/2016 (Ảnh: SCMP)

Những tòa chung cư chưa hoàn thiện ở Vận Thành, Sơn Tây trong bức ảnh chụp ngày 18/9/2016 (Ảnh: SCMP)

“Anh có tin được rằng một mảnh đất nằm ngay gần cơ quan công quyền lại có thể nằm đắp chiếu như vậy không? Giờ tôi không biết phải tin vào điều gì nữa,” ông Chen nói.

Khoảng thời gian chờ đợi trong vô vọng của ông Chen cũng giống như của hàng nghìn người mua nhà khác ở Trung Quốc. Trong khi đó, China South City cũng không phải là nhà phát triển địa ốc duy nhất bị lỡ hạn chót bàn giao nhà.

Tháng 12 năm ngoái, ông Wang Menghui, lúc bấy giờ là người đứng đầu Bộ Nhà ở và Xây dựng Đô thị-Nông thôn, nói với hãng Tân Hoa Xã rằng nhiệm vụ chính của thị trường bất động sản trong năm 2022 là “đảm bảo việc bàn giao nhà đúng hạn, đảm bảo cho cuộc sống của người dân và đảm bảo sự ổn định".

Đây là lần đầu tiên mà việc “bàn giao nhà” được một quan chức cấp cao nhấn mạnh tới.

“Cứ cho rằng các nhà phát triển bất động sản sẽ chi tới đồng cuối cùng mà họ có để xây nhà, miễn là họ làm như vậy, họ sẽ tìm được cách để sống sót qua mùa Đông của ngành này,” Kenny Ng Lai-yin, chiến lược gia đến từ Everbright Securities International, nói.

“Bởi vậy, không có gì bất ngờ khi chứng kiến danh sách các nhà phát triển bị vỡ nợ ngày càng dài hơn. Nhưng sẽ là một câu chuyện khác nếu như họ thậm chí còn không có đủ tiền để hoàn thiện tất cả những ngôi nhà mà họ rao bán".

Có phải do "3 lằn ranh đỏ"?

Ngành bất động sản của Trung Quốc đã có pha tụt dốc trong năm ngoái, khi ngân hàng trung ương tăng cường thực thi "3 lằn ranh đỏ”.

Điều này buộc các ngân hàng phải ngừng rót vốn cho các công ty đang nặng nợ. Thị trường bất động sản vốn đã có nhiều vấn đề kể từ sau khi chính quyền thực thi các quy định chặt chẽ vào năm 2017 nhằm bình ổn giá nhà. Kết quả là, nhiều nhà phát triển không thể bán nhà, bởi vậy mà không thu được tiền về, cuối cùng dẫn đến tình trạng vỡ nợ trái phiếu tăng và chậm thanh toán nợ.

Sichuan Languang Development là công ty đầu tiên vỡ nợ trong năm 2021, sau khi chậm trả lãi đối với khoản nợ trái phiếu 139 triệu USD trong tháng 7. Tình trạng vỡ nợ lây lan nhanh chóng, bủa vây cả China Evergrande Group, hiện đang chịu tai tiếng là nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới, với khoản nợ lên tới 300 tỉ USD.

12 tháng sau, Ronshine China Holdings trở thành nhà phát triển bất động sản thứ 19 vỡ nợ khi không thể thanh toán lãi suất với khoản nợ trái phiếu nước ngoài, trong khi 6 công ty khác đã xin đáo hạn.

Hiện có tới 18 công ty bất động sản – chiếm 75% tổng số công ty của Trung Quốc đang gặp vấn đề - có hơn 1 dự án bị chậm bàn giao nhà ở cho người mua từ 6 – 12 tháng.

Một dự án chung cư dang dở của China Evergrande Group tại Bắc Kinh (Ảnh: Bloomberg)

Một dự án chung cư dang dở của China Evergrande Group tại Bắc Kinh (Ảnh: Bloomberg)

Người mua nhà ở Trung Quốc giờ mất dần sự kiên nhẫn. Người mua nhà của gần 100 dự án ở hơn 50 thành phố đã gửi đi những bức thư mở cho các ngân hàng để thông báo rằng họ sẽ không thanh toán nợ thế chấp nữa.

Không phải tất cả các dự án đều quá hạn, một số bức thư còn phản ánh về việc họ không nhận được nhà ở đúng hạn do nhà việc thi công nhà chưa được nối lại hoàn toàn. Trong tổng số các dự án như vậy trên phạm vi toàn quốc, 65% là thuộc về các nhà phát triển đang cạn tiền, theo tính toán của hãng Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house, có trụ sở tại Thượng Hải.

“Từ chỗ các vấn đề thanh khoản của nhà phát triển bất động sản, căn bệnh này đã lan sang ngân hàng và có thể gây thêm áp lực đối với các công ty vốn đã gặp khó khăn, bởi ngân hàng sẽ cực kỳ thận trọng với các khoản vay thế chấp, trong khi người dân cũng sẽ không dám mua nhà trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng ta đang chứng kiến một vòng luẩn quẩn", Yan Yuejin, Giám đốc của E-house, nhận định./.

Theo SCMP