Loạt ảnh về mối quan hệ “bạn-thù” kỳ lạ của Steve Jobs và Bill Gates

Trong suốt hơn 30 năm, hai người từ những đồng minh thận cận chuyển sang đại kình địch, đôi khi lại trở thành bạn bè và có lúc là cả 3 mối quan hệ trong cùng một lúc.
Bill Gates (phải) và Steve Jobs lúc sinh thời.
Bill Gates (phải) và Steve Jobs lúc sinh thời.

Nhờ vào mối quan hệ "kỳ lạ" giữa Bill Gates và Steve Jobs, có thể khẳng định sẽ chẳng có Apple của ngày nay nếu trước kia không có Microsoft, và Microsoft cũng không thể tồn tại đến bây giờ nếu thiếu Apple.

Dưới đây là lịch sử mối quan hệ "bạn-thù" của Bill Gates và Steve Jobs được kể lại bởi Walter Isaacson, người viết sách tiểu sử cho Steve Jobs cùng một số nguồn khác do Business Insider tổng hợp.

Không phải lúc nào Jobs và Gates cũng là kẻ thù, Microsoft từng làm nên phần mềm sơ khai cho máy tính Apple II, và Gates phải thường xuyên bay đến Cupertino để xem Apple đang làm gì.

Vào đầu những năm 80, Jobs bay đến Washington để bán cho Gates khả năng Microsoft sẽ làm phần mềm cho máy tính Macintosh với giao diện người dùng đồ họa (GUI) mang tính cách mạng.

Gates cảm thấy không mấy ấn tượng với một nền tảng mà ông coi là "bị giới hạn", hoặc do thái độ của Jobs: "Một chuyến đi kỳ lạ, Jobs nói rằng họ không thực sự cần chúng tôi và họ đang làm điều tuyệt vời này. Họ không cần tôi, nhưng họ có thể cho phép tôi tham gia", Gates kể lại lời nói của Jobs.

Tuy vậy, Gates lại xuất hiện cùng Jobs trong đoạn video "Dating Game" năm 1983 dành cho nhân viên Apple trước ngày ra mắt Macintosh. Trong video, Gates đã khen ngợi máy Mac và nói rằng "nó thực sự thu hút được trí tưởng tượng của mọi người".

Microsoft và Apple đã làm việc cùng nhau trong vài năm đầu sau khi ra mắt Macintosh. Gates từng khẳng định ông có nhiều người làm việc trên máy Mac hơn là Jobs.

Thế rồi mối quan hệ giữa Jobs và Gates tan vỡ sau khi Microsoft trình làng phiên bản Windows đầu tiên vào năm 1985.

Lúc này Jobs điên tiết lên, ông cho rằng Gates và Microsoft đã "nhái" Macintosh. Song, Gates không hề quan tâm, ông biết rằng giao diện người dùng đồ họa (GUI) sẽ phổ biến và Apple không phải là kẻ độc quyền sở hữu ý tưởng này.

Ngoài ra, Gates biết rõ Apple đã lấy ý tưởng về GUI từ Xerox PARC, một viện nghiên cứu mả cả hai đều rất ngưỡng mộ. Khi Jobs buộc tội Gates, ông trả lời rằng: "Steve à, tôi nghĩ rằng có nhiều thứ để anh nhìn vào nó hơn. Cả hai chúng ta đều có ý tưởng này từ người hàng xóm giàu có Xerox, tôi đột nhập vào nhà anh ta để lấy cắp chiếc TV rồi phát hiện rằng anh đã lấy nó đi từ trước".

Quan hệ thân mật giữa Jobs và Gates kết thúc từ đây. "Họ hoàn toàn ăn cắp chúng tôi và Gates không biết xấu hổ là gì", Jobs khẳng định.

Gates sau đó đáp trả lại: "Nếu anh ta tin là vậy, anh ấy đã bước vào trạng thái hoang tưởng của chính mình rồi".

Jobs nghĩ rằng Gates đã quá quan trọng vào việc kinh doanh.

Gates sau đó tuyên bố Jobs là một con người "kỳ quặc" và "lạ lẫm".

Gates tôn trọng sở thích của Jobs về thiết kế: "Anh ta thực sự không biết nhiều về công nghệ, nhưng anh ấy có một bản năng tuyệt vời làm nên những bản thiết kế hiệu quả".

Năm 1985, Steve Jobs rời khỏi Apple và sáng lập hãng máy tính NeXT. Tuy vậy, dù Jobs không còn làm việc cho đối thủ lớn nhất của Microsoft thì mối quan hệ giữa 2 người cũng chẳng cải thiện được.

Jobs cho rằng nếu NeXT thất bại và Microsoft thắng thì "chúng ta sẽ bước vào thời kỳ đen tối của máy tính trong 20 năm tới".

Thế rồi Windows đã thắng. Vào cuối những năm 80, Microsoft trở thành kẻ "bất khả chiến bại" trong thị trường máy tính cá nhân (PC).

"Tua nhanh" đến năm 1996, khi Jobs xuất hiện trong bộ phim tài liệu của PBS mang tên Triumph of the Nerds, ông đã nói xấu Gates và Microsoft, cho rằng họ chỉ làm ra những "sản phẩm hạng 3".

Cũng trong bộ phim đó, Jobs tuyên bố: "Vấn đề duy nhất với Microsoft là họ rất nhạt. Họ thực sự rất nhạt, và tôi nói họ nhạt theo phạm vi rộng chứ không phải nhỏ. Rõ ràng họ không có những ý tưởng độc đáo và không mang nhiều văn hóa vào sản phẩm của mình".

Cuối thập niên 90, Apple tụt dốc không phanh. Khi đó, CEO Apple là Gil Amelio mua lại NeXT năm 1996 và đưa Jobs trở lại Apple. Gates sau đó khuyên Amelio từ bỏ ý định này.

Gates nói với Amelio: "Tôi biết công nghệ của anh ấy, nó chẳng có gì ngoài một phiên bản ‘xào nấu' của UNIX, và anh sẽ không bao giờ làm nó hoạt động trên những cỗ máy của mình. Anh không hiểu rằng Steve Jobs không biết gì về công nghệ sao? Anh ta (Jobs) chỉ là một nhân viên bán hàng thực thụ. Không thể tin rằng anh lại có quyết định ngu ngốc đến vậy… Anh ta không biết gì về kỹ thuật, và 99% những gì anh ấy nói và nghĩ đều là sai. Anh mua cái rác rưởi đó về làm quái gì?"

Đến năm 1997, Jobs trở thành CEO của Apple. Trong buổi phát biểu đầu tiên tại sự kiện Macworld, Jobs tuyên bố ông đã chấp nhận một khoản đầu tư từ Microsoft để giúp Apple tồn tại. Hình ảnh Bill Gates xuất hiện trên màn hình lớn, được phát thông qua vệ tinh đã khiến khán giả la ó.

Gates thực sự rất ngưỡng mộ Jobs, ngay cả khi họ không thường xuyên nhìn mặt nhau. Khi Apple ra mắt iTunes, Gates đã gửi một email cho nội bộ Microsoft và nói rằng: "Steve Jobs có thể tập trung vào một số thứ, tìm được giao diện người dùng, và cách quảng bá tuyệt vời để chúng trở thành một ‘cách mạng'".

Khi Apple ra mắt iPod năm 2001, Gates lại gửi một email khác: "Tôi nghĩ mình cần một kế hoạch để chứng minh rằng dù Jobs đã đi trước nhưng chúng ta có thể đi nhanh hơn, bắt kịp và làm tốt hơn".

Tuy vậy, Jobs vẫn khá thất vọng về Microsoft, đặc biệt là khi Steve Ballmer thay thế Bill Gates ở vị trí CEO năm 2000. "Họ rõ ràng đã thất bại từ thế thống trị. Tôi nghĩ rằng sẽ không có gì thay đổi tại Microsoft nếu Ballmer vẫn còn giữ chức CEO".

Ngược lại, Gates nghĩ rằng phần lớn thành công của Apple sau iPhone đều đến từ Jobs chứ không phải từ triết lý "đóng" của Apple. "Cách tiếp cận ‘kín' này khá hiệu quả vì Steve vẫn còn nắm quyền, nhưng không có nghĩa rằng nó sẽ tiếp tục thành công trong tương lai", Gates nói.

Gates cũng không mấy quan tâm đến iPad. "Tôi ngồi đây nhưng cảm giác về iPad không hề giống cảm giác của tôi khi nhìn vào iPhone, thứ khiến tôi phải nói lên ‘Chúa ơi, Microsoft vẫn chưa nhắm mục tiêu đủ cao'".

Jobs cũng không quan tâm đến hệ sinh thái Windows. "Tất nhiên, mô hình phân mảnh của ông ấy (Microsoft) có hiệu quả, nhưng nó không thể tạo ra những sản phẩm thực sự tuyệt vời".

Jobs thậm chí còn không hề thương xót khi Gates rời Microsoft vào năm 2006 để tập trung vào tổ chức từ thiện của mình. "Về cơ bản, Bill không có bất cứ tưởng tượng và chưa bao giờ phát minh ra một thứ gì hết, đó là lý do vì sao tôi nghĩ anh ấy sẽ thấy thoải mái hơn khi làm từ thiện".

Song, bằng một cách kỳ lạ nào đó, hai người đàn ông này vẫn tôn trọng nhau. Xuất hiện cùng nhau trong một hội nghị vào năm 2007, Gates nói rằng: "Tôi phải đánh đổi rất nhiều để có được ‘mùi vị' của Jobs".

Và Jobs nói rằng: "Tôi ngưỡng mộ anh ấy vì công ty mà anh ấy xây dựng – nó rất ấn tượng – và tôi rất thích làm việc với anh ấy. Anh ấy thông minh và rất hài hước".

Sau khi Jobs qua đời, Gates nói: "Tôi tôn trọng Jobs, chúng tôi đã làm việc cùng nhau. Chúng tôi hỗ trợ nhau, thậm chí có lúc là đối thủ của nhau. Không một lời nói nào của anh ấy khiến tôi bực mình cả".

Không thể phủ nhận rằng dù cho mối quan hệ giữa họ là gì thì cả hai đều đã tạo ra những huyền thoại: Jobs xây dựng và giúp Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Gates là người đàn ông giàu nhất thế giới, còn Microsoft mà ông tạo ra vẫn là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư

http://vnreview.vn/anh-video/-/view_content/content/2098980/loat-anh-ve-moi-quan-he-ban-thu-ky-la-cua-steve-jobs-va-bill-gates