Loa phường Hà Nội: Giảm đã khó, đừng nói bỏ

VietTimes – Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kết luận về một vấn đề gây sự chú ý của công luận thời gian qua. Ông Chung yêu cầu việc bố trí lại và vận hành các cụm loa này phải đảm bảo nguyên tắc loa không chĩa vào trường học, khách sạn, khu vực nhiều người già sinh sống, khu vực có người nước ngoài…
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Theo đó, Sở TT&TT sẽ triển khai “Đề án sắp xếp lại hệ thống loa phường”, với nội dung trọng tâm là giảm, chứ không bỏ hệ thống này.

Về cụ thể, với hệ thống loa phường tại 4 quận nội thành đã thử nghiệm đề án trước đó, gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng sẽ được rút gọn, chỉ để lại từ 5 - 10 cụm loa.

Việc rút gọn, chỉ để lại 5 - 10 cụm loa tại các quận còn lại sẽ được áp dụng tại tất cả các quận còn lại.

Đáng chú ý, thay đổi lớn nhất đối với hệ thống loa phường, theo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, là đơn vị triển khai đề án cùng các quận phải tổ chức sắp xếp lại và phải xây dựng chương trình sao cho hoạt động hiệu quả.

Về thực hiện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc bố trí lại và vận hành các cụm loa này phải đảm bảo nguyên tắc loa không chĩa vào trường học, khách sạn, khu vực nhiều người già sinh sống, khu vực có người nước ngoài…

Ngoài ra, loa phường chỉ sử dụng trong việc thông tin liên quan đến thiên tai thảm họa, không sử dụng tuyên truyền hàng ngày - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu.

Đề án sắp xếp lại hệ thống loa phường của được là tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân tại chuyên mục “Lấy ý kiến về hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Hà Nội” trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (https://hanoi.gov.vn/tham-do-y-kien) trong thời gian từ ngày 25/1 đến hết 25/2/2017. 

Theo kết quả được Hà Nội công bố, trong tổng số 3.141 lượt người tham gia khảo sát, bên cạnh 89,65% người dân Hà Nội chọn phương án không cần thiết duy trì hoạt động của loa phường, có 6,65% cho rằng loa phường có cần thiết nhưng cần đổi mới; và chỉ 3,69% người dân chọn phương án loa phường cần thiết và nên được duy trì như hiện nay.

Như vậy, về số lượng có thể thấy không có nhiều người tham gia khảo sát của Hà Nội về nội dung xử lý, cải tạo hệ thống loa phường. Và mặt khác, lựa chọn của thành phố đối với loa phường không căn cứ theo ý kiến số đông, mà là dựa vào yêu cầu cân bằng trong quản lý, tác dụng của loa phường hiện nay với đời sống người dân.

Rõ ràng là, lựa chọn của thành phố cho thấy cơ quan quản lý nhận thức loa phường vẫn cần thiết đối với yêu cầu quản lý, phục vụ người dân.

Đánh giá này phù hợp với kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố về việc nâng cao hiệu quả và đổi mới hoạt động của Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn và thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn thành phố vào cuối tháng 3/2017.

Tuy nhiên, việc triển khai thu gọn hệ thống loa phường tại Hà Nội theo đúng kết luận của Chủ tịch UBND thành phố không hề là việc dễ làm.

Cụ thể, việc rút gọn, chỉ để lại 5 - 10 cụm loa tại các quận sẽ phải tốn kém thêm chi phí điều chỉnh, lắp đặt, dù còn có khả năng thực hiện được. Nhưng thay đổi về quản lý đáp ứng yêu cầu “sao cho hiệu quả” thực sự là thách thức, khi hiệu quả như thế nào lại là khái niệm không định nghĩa rõ.

Đã thế, yêu cầu bố trí loa không chĩa vào trường học, khách sạn, khu vực nhiều người già sinh sống, khu vực có người nước ngoài, chỉ sử dụng trong việc thông tin liên quan đến thiên tai thảm họa, không sử dụng tuyên truyền hàng ngày… là vô cùng khó đáp ứng đầy đủ trong thực tiễn. Chẳng hạn, liệu có thể tìm ở đâu trên địa bàn Hà Nội có khu dân cư “ít người già sinh sống” ?

Điều này cho thấy, đề án sắp xếp lại hệ thống loa phường Hà Nội về cơ bản sẽ dẫn tới việc đòi hỏi phải có kinh phí để bố trí lại và giảm số lượng loa. Đồng thời giảm thời lượng phát thanh của hệ thống loa phường. Chứ khoàn toàn không cắt được chi phí đối với hệ thống được đầu tư rất nhiều tiền, nhưng theo chỉ đạo mới nhất, là chỉ dùng thông báo “tin liên quan đến thiên tai thảm họa”, và “không sử dụng tuyên truyền hàng ngày”.