Lỗ tỷ giá gần 10.000 tỷ đồng, EVN muốn tính vào giá điện

Đó là con số vừa được Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) công bố sáng 20/1, trong buổi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn điện lực Việt Nam dưới sự giám sát của Tổ công tác liên bộ về kiểm tra giá điện.
Ông Đinh Quang Tri tại cuộc họp báo sáng 20/1 của Bộ Công Thương.
Ông Đinh Quang Tri tại cuộc họp báo sáng 20/1 của Bộ Công Thương.

Tính đến cuối năm 2015, EVN có tổng tài sản 641.040 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 454.760 tỷ đồng. Nợ vay nước ngoài và trong nước lên tới 370.151 tỷ đồng. 

EVN thoát lỗ nhờ đem tiền gửi ngân hàng, chưa tính lỗ tỷ giá

Theo đó, Bộ Công Thương tách giá thành sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm giá thành sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện không bao gồm lĩnh vực khác. 

Theo báo cáo, doanh thu bán điện năm 2015 là 234.339 tỷ đồng tương ứng giá bình quân là 1.630,96 đồng/kWh. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2015 là 2.529 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 234.736 tỷ đồng gồm chi phí phát điện, chi phí truyền tải, phân phối bán lẻ, chi phí phụ trợ - quản lý ngành. 

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2015 và các hoạt động liên quan đến điện năm 2015 của EVN lãi khoảng 2.132 tỷ đồng. Trong đó có sự đóng góp lớn của khoản tiền lãi gửi ngân hàng và chi phí cho vay lại của công ty mẹ EVN và các công ty con. 

Cụ thể, công ty mẹ EVN có lãi tiền gửi đạt 1.011 tỷ đồng (gồm cả phí cho vay lại). Các công ty khác như Tổng công ty Truyền tải điện lực quốc gia có lãi tiền gửi khoảng 118,3 tỷ đồng, các tổng công ty điện lực là 194,3 tỷ đồng. 

Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN là 60,95 tỷ đồng, của các tổng công ty điện lực là 272,7 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2015, EVN có lượng tiền đạt 44.227 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn đạt trên 26.867 tỷ đồng

Báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, EVN lỗ tỷ giá rất lớn, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia lỗ tỷ giá 2.545 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 lỗ tỷ giá 2.554 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 lỗ tỷ giá 3.316 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 lỗ tỷ giá 84,49 tỷ đồng. 

Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ luỹ kế đến 31/12/2015 của khối các công ty cổ phần có vốn đóng góp chi phối của EVN là Công ty Nhiệt điện Hải Phòng lỗ tỷ giá 789 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 515 tỷ đồng. 

Ngoài ra, chi phí vận chuyển đường ống dẫn khí từ Phú Mỹ - Tp. HCM là 580 tỷ đồng. Tất cả các chi phí này chưa được hạch toán vào giá điện. Như vậy, tổng cộng các chi phí chưa tính vào giá thành điện khoảng hơn 10.383 tỷ đồng, trong đó lỗ tỷ giá khoảng 9.800 tỷ đồng 

Đưa lỗ tỷ giá ngàn tỷ vào chi phí giá điện?

Trả lời tại buổi họp báo sáng 20/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, cho biết, trong năm 2015, giá nhiên liệu đầu vào như than, khí, dầu đã tác động đến giá thành sản xuất kinh doanh điện. Cụ thể, năm 2015 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định thay đổi bộ quy trình than dùng trong ngành điện, do đó, giá than cơ bản ổn định. Tuy nhiên giá khí tăng 2% trong khi giá dầu cơ bản giảm.

“Năm 2015 có yếu tố quan trọng đó là nhà máy thuỷ điện không đạt được sản lượng như kế hoạch, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thuỷ điện giảm phải bù từ nhà máy nhiệt điện than, khí. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng giá thành, do chi phí mua điện từ nhiệt điện, tua bin khí cao hơn thuỷ điện”, ông Tuấn nói.

Theo đó, quy định các chi phí xây dựng công trình phúc lợi như biệt thự, sân tennis... đều được sử dụng các nguồn quỹ phúc lợi của EVN, chứ không được lấy từ hoạt động sản xuất kinh doanh như từng có phương án dự kiến. 

Vì thế các khoản chi phí này không được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm 2015. Tuy nhiên, về khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, sẽ được hạch toán dần để đưa vào giá thành điện.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, năm 2015, chênh lệch tỷ giá là gánh nặng cho EVN. Trong đó, việc giá dầu giảm đã đỡ được 5.000 tỷ đồng còn gần 5.000 tỷ đồng tập đoàn phải tự xử lý. Trong năm 2015, tập đoàn đã xử lý được 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hoá chi phí, tăng lợi nhuận, phần còn lại phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và được phân bổ dần.

"Thông thường theo chế độ kế toán các khoản chênh lệch này phải hạch toán hết trong năm nhưng nếu đưa vào sẽ đẩy giá lên cao, nếu giá không lên cao sẽ bị lỗ. Chính vì vậy, EVN đã xin phép được hạch toán dần trong vòng 5 năm theo hướng khi có điều kiện thì đưa vào giá điện, hoặc xử lý thông qua giảm giá thành”, ông Đinh Quang Tri cho biết.

Liên quan tới điều hành giá điện cho năm 2017, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo quy định khi điều chỉnh giá điện thì EVN phải xây dựng giá điện cơ sở 2017 dựa trên tính toán cơ sở chi phí giá thành năm 2017. Hiện, Bộ chưa có quyết định điều chỉnh giá điện tại thời điểm này. 

Hiện EVN là tập đoàn nhà nước có mức vay nợ lớn nhất. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.

Theo VnEconomy