Chúng ta khó có thể không nhìn ra ảnh hưởng to lớn mà Model 3 mang lại. Chiếc xe có giá chỉ 35.000 USD này đã tạo ra không chỉ 1 mà là 2 cuộc cách mạng: phổ cập xe điện tới người tiêu dùng hạn hẹp kinh phí và mang khả năng tự lái thông minh lên xe giá rẻ. Chỉ trong vòng 1 ngày, sức ép từ Tesla lên các nhà sản xuất truyền thống đã tăng lên nhiều lần: Toyota, VW, Ford và Daimler không chỉ phải bắt kịp những đột phá về xe điện và hệ thống giải trí tích hợp của Tesla mà còn phải sớm đưa ra câu trả lời dành cho 2 cuộc cách mạng này ở mức giá chưa tới 40.000 USD.
Sức ép càng trở nên khủng khiếp hơn nữa khi ngành sản xuất xe hơi truyền thống vẫn chưa hết rùng mình vì vụ gian lận khí thải của VW năm ngoái. Vụ gian lận này thậm chí còn bị lo ngại sẽ "giết chết" thị trường xe diesel, mảng xe vốn chiếm tới 53% tổng số xe bán ra tại Châu Âu.
Ngay sau khi Model 3 ra mắt, người ta đã tung hô Tesla là Apple mới. Elon Musk là Steve Jobs mới. Hai cuộc cách mạng đã bắt đầu. Tesla có thể sẽ sớm giết chết các nhà sản xuất truyền thống theo cùng một cách Apple đã giết chết Nokia và đẩy gần như tất cả các nhà sản xuất di động khác vào khốn khó.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Bảo thủ nhưng nhanh nhạy
Cũng giống như Apple không tiên phong cho smartphone, Tesla cũng không phải là tên tuổi đi đầu cho công nghệ xe thân thiện với môi trường. Cách đây 10 năm, nhắc tới xe "xanh" là nhắc tới chiếc hybrid Prius của Toyota. Công nghệ khung xe dạng ván trượt (skateboard) của Tesla đã có từ tận 6 năm trước khi Tesla Roadster ra mắt đình đám, 10 năm trước khi Model S mang lại thành công đầu tiên cho Elon Musk.
Công nghệ xe tự lái cũng vậy, Google đã cho những chiếc xe tự lái của mình dạo chơi đường phố San Francisco từ năm 2012.
Cũng giống như nhiều trường hợp khác, thành công của Tesla đến từ sự chậm chân và thiếu may mắn của đối thủ. Không quá khó để nhận ra rằng các tên tuổi truyền thống trong lĩnh vực xe hơi đã có mối lo sợ rằng xe điện sẽ khiến mảng xe xăng/diesel của họ bị thiệt hại. Không quá khó để suy đoán rằng Google đã không thể thuyết phục bất kỳ một hãng xe nào triển khai tính năng tự lái, hay thậm chí là một hệ thống vi tính thông minh, lên xe hơi một cách ồ ạt như Tesla.
Nhưng đáng ngạc nhiên là, sau khi cứng đầu bảo thủ trong suốt 100 năm, các nhà sản xuất xe hơi đã nhanh chóng đáp trả Tesla chứ không cam tâm đi tiếp vào chết. Tại các sự kiện lớn của cả thế giới công nghệ lẫn thế giới xe hơi, GM, Volkswagen, BMW, Toyota, Daimler và Ford đã liên tục trình diễn những chiếc xe điện. Ví dụ, tại CES 2015, BMW ra mắt chiếc ô tô điện i3 có khả năng tự đỗ xe. Một năm sau, Mercedes khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi ra mắt mẫu Conccept IAAA, một chiếc xe cũng có động cơ điện và cũng có khả năng tự lái.
Thực tế là vào thời điểm này, bạn sẽ rất khó khăn mới có thể tìm ra một nhà sản xuất lớn khôngsản xuất xe điện hoặc xe hybrid. Khi Model 3 chưa ra mắt, Chevrolet và Nissan đã liên tục đấu đá nhau để giành ngôi vương xe xanh giá rẻ tại các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu nhờ vào thành công của 2 mẫu Nissan Leaf và Chevy Volt. Theo ước tính, tổng số Leaf bán ra đã lên tới khoảng 200.000 chiếc, trong khi Ford, GM và BMW đều đã bán ra được khoảng 20.000 mẫu xe điện/xe hybrid trong năm 2015 vừa qua.
So với các đối thủ nhiều tuổi thì Tesla cũng mới chỉ áp đảo chứ không phải là độc tôn công nghệ xe tự lái. Audi đã từng cho xe của mình đi quãng đường 900km từ San Franciso đến Las Vegas để dự sự kiện CES 2015. Ford đang thử nghiệm xe tự lái trên… đường tuyết, những chiếc Mercedes S-Class và Infinity ra mắt từ năm 2013 cũng đã có sẵn nhiều tính năng hỗ trợ lái– bàn đạp cần thiết để xe lái tự động trở nên phổ biến.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Các nhà sản xuất truyền thống không phải đợi tới khi Model 3 lập kỷ lục đơn hàng và doanh số đặt trước mới biết "sợ" Tesla. Họ đã lắng nghe tiếng gọi của Tesla từ rất lâu rồi. Nghe có vẻ hơi trái ngược, nhưng các tên tuổi lớn đã từng bảo thủ tới hàng chục năm đến khi cần vẫn sẽ chuyển mình mạnh mẽ. Họ chẳng có lý do gì để không làm vậy cả: cơ sở công nghệ cho ô tô điện và xe tự lái đã có từ trước. Model S chứng minh với thế giới rằng nhu cầu dành cho 2 lĩnh vực đó là có thật, còn Model 3 thì "kề dao vào cổ" Toyota, VW hay bất cứ một nhà sản xuất nào khác, với lời dọa nạt rằng "không bắt kịp là chết".
Cuộc đua thực sự bắt đầu. Tesla chỉ dẫn đầu với khoảng cách khá xa, nhưng không phải là tay đua duy nhất. Chưa kể, ngoài 2 cuộc cách mạng mà hãng này vừa khởi động, Tesla cũng không còn vũ khí nào thực sự đáng giá cả.
Sáng tạo không mua được kinh nghiệm
Tesla thực sự đi đầu thế giới về tinh thần sáng tạo, nhưng khác với một chiếc smartphone hay một chiếc tablet, tinh thần sáng tạo chưa chắc đã chiếm phần nhiều trong thành công của một chiếc xe hơi.
Với nhiều người, chiếc xe là một biểu tượng của đẳng cấp và vị trí trong xã hội. Một chiếc Model S có giá 140.000 USD cũng vậy. Nhưng đáng tiếc là trên những chiếc xe này điểm yếu của Tesla lại bộc lộ rõ nhất. Theo lời những người đã từng mua Model S (và đánh giá rất cao động cơ điện trên xe), Tesla đang mắc phải những lỗi như chất lượng cửa, cần gạt, chân ga dở tệ, nội thất sử dụng quá nhiều chất liệu nhựa rẻ tiền và da bọc ghế… hạng trung.
Xe Tesla cũng đang thiếu những tính năng nhỏ bé nhưng hữu ích, ví dụ như khả năng điều chỉnh phần ghế đỡ hông hoặc chỗ đựng cốc cho ghế sau chẳng hạn. Chính những thứ nhỏ bé như vậy sẽ tạo ra một trải nghiệm hoàn thiện để thuyết phục người mua thượng lưu. Ở điểm này, Tesla chưa phải là Apple thứ 2.
Hoặc, hiện tượng doanh số sụt giảm tại Trung Quốc sau thời gian đầu "gây sốt" cũng cho thấy Tesla vẫn còn quá non tay. Một trong những nguyên nhân khiến hiện tượng này xảy ra là bởi Tesla chỉ tập trung vào cải thiện ghế ngồi phía trước mà quên mất rằng giới thượng lưu tại Trung Quốc không thích tự lái xe. Vấn đề ghế sau có chất lượng dở tệ sau đó đã được giải quyết bằng một tùy chọn có giá khá mềm (3.000 USD), nhưng sự thật vẫn là Tesla đang lóng ngóng mắc phải những vấn đề mà một hãng xe kỳ cựu sẽ không mắc phải.
Chiếc Model 3 đang gây sốt có lẽ sẽ không mắc phải những vấn đề như vậy nữa, bởi dù sao người tiêu dùng cũng sẽ biết một chiếc xe 35.000 USD không phải là xe cao cấp. Thế nhưng, khi nhìn vào buồng lái chỉ có duy nhất một chiếc màn hình nằm giữa và hai bên trống không (bao gồm cả bảng điều khiển thông thường của tài xế), chưa chắc những người bỏ ra 1000 USD để đặt trước Model 3 ngày hôm nay đã không cảm thấy chạnh lòng.
Tesla chỉ là người tiên phong
Khó khăn trước mắt là rất lớn. Tesla có thể chỉ mất 4 năm để làm chủ công nghệ động cơ điện, nhưng Mercedes hay BMW dù chậm chân có lẽ cũng chỉ mất thêm 5 năm nữa là học được đầy đủ "bài" của Tesla. Điều mà hãng xe của tỷ phú Elon Musk cần làm lúc này là học được những gì Mercedes và BMW đã thực hành quá nhuần nhuyễn trong hàng chục năm qua. Nếu không, khi công nghệ xe điện và xe tự lái trở nên phổ cập, Tesla sẽ chẳng còn vũ khí nào so với các đối thủ kỳ cựu.
Khó hơn nữa là bài toán duy trì. Tesla về bản chất vẫn giống với một công ty startup chưa có tài chính ổn định, còn các đối thủ của hãng thì đều đã có kinh nghiệm chinh chiến hàng chục năm trời, đủ tiềm lực để vượt qua những vụ thu hồi tầm cỡ triệu xe hay những scandal muối mặt. Thành công của Model S và Model 3 là rất đáng mừng, nhưng đây sẽ là một cuộc đấu vô cùng dài hơi. Apple thành công không chỉ bởi đi trước đối thủ tới 4 năm (phải tới 2011 thì một chiếc smartphone có thể cạnh tranh với iPhone mới thực sự ra đời – chiếc Galaxy S II) mà còn bởi điện thoại có vòng nâng cấp rất ngắn. Trái lại, nếu như các hãng xe truyền thống thuyết phục được người dùng rằng chỉ 4 năm nữa xe của họ sẽ có động cơ điện và bộ máy tự lái như Tesla nhưng lại có thiết kế và nội thất siêu việt hơn, chưa chắc nhiều người đã lựa chọn những chiếc xe của Elon Musk.
Theo Theo Trí Thức Trẻ