Liệu có phải UAV Mỹ giúp tên lửa hành trình Ukraine bắn cháy thêm một chiến hạm của Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 6/5 theo giờ địa phương, truyền thông Ukraine đưa tin một tàu chiến Nga đang hoạt động trên Biển Đen đã bị trúng tên lửa hành trình của Ukraine và bốc cháy. Tuy nhiên, tin này chưa được các bên xác nhận.
Tàu hộ vệ 4 ngàn tấn "Đô đốc Makarov" của Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga (Ảnh: Kyiv Post).
Tàu hộ vệ 4 ngàn tấn "Đô đốc Makarov" của Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga (Ảnh: Kyiv Post).

Hiện cả ba bên Mỹ, Nga và Ukraine đều chưa xác nhận tính chính xác của thông tin này. Nga cho biết họ "không nắm được thông tin như vậy", Lầu Năm Góc nói chưa có thông tin xác nhận việc Ukraine tung ra một vụ tấn công vào tàu “Đô đốc Makarov”; còn ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn Tổng thống Ukraine cũng không trả lời trực tiếp về việc liệu có vụ việc tấn công này hay không.

Tờ Kyiv Post, cơ quan truyền thông Ukraine ngày 6/5 đã dẫn nhiều nguồn tin cho biết, một tàu chiến Nga đang hoạt động ở Biển Đen đã bị trúng tên lửa hành trình của Ukraine và bốc cháy. Có nguồn tin nói rằng chiếc tàu bị bắn cháy là một hộ vệ hạm lớp "Dự án 1135", và một nguồn tin khác nói đó là hộ vệ hạm lớp Đô đốc Grigorovich (Dự án 11356M) mang tên “Đô đốc Makarov” (Admiral Makarov, số hiệu 799).

Tàu hộ vệ lớp Dự án 1135 có hình dạng khác tàu "Đô đốc Makarov".

Tàu hộ vệ lớp Dự án 1135 có hình dạng khác tàu "Đô đốc Makarov".

Hãng thông tấn độc lập Ukraine UNIAN, dẫn nguồn từ trang web thông tấn nhà nước Dumska, đưa tin chiếc tàu bị bắn trúng là một tàu khu trục lớp "Dự án 1135" đang hoạt động gần Đảo Rắn (Snake Island). Các nguồn tin hải quân Ukraine tiết lộ rằng một tên lửa chống hạm "Neptune" của Ukraine đã bắn trúng con tàu khiến nó bốc cháy. Dumska cũng nói rằng một số lượng lớn máy bay Nga đã bay vòng quanh khi con tàu bị cháy.

Tờ Kyiv Post cho biết, các thiết bị theo dõi tàu trên biển cho thấy một tàu cứu hộ của Nga được xác định là chiếc SPK-46150 đã được điều động đến địa điểm này. Ngoài ra, Flightradar, một trang web chuyên theo dõi hàng không cho thấy một chiếc máy bay trinh sát tầm xa RQ-4B Global Hawk của Không quân Mỹ đã bay qua địa điểm lúc 5 giờ sáng ngày 6/5 theo giờ địa phương.

Tuy nhiên, tờ Kyiv Post cũng chỉ ra rằng trang web cung cấp hình ảnh thông tin quân sự Livemap nói rằng đó là một tàu hộ vệ lớp "Đô đốc Grigorievich" (Dự án 11356M) của Nga đã bị trúng đạn.

Tuy nhiên, hình dạng bề ngoài của tàu hộ vệ lớp “Dự án 1135" rất khác so với lớp “Dự án 11356M”, hiện vẫn chưa chắc chắn đó là chiếc nào bị trúng tên lửa Ukraine.

Trang web Navy Outlook của Anh đưa tin ảnh tàu Đô đốc Makarov của Nga bị tên lửa Ukraine bắn cháy.

Trang web Navy Outlook của Anh đưa tin ảnh tàu Đô đốc Makarov của Nga bị tên lửa Ukraine bắn cháy.

Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Honcharenko cũng đưa ra tuyên bố trên mạng nói rằng tàu chiến bị bắn trúng là tàu “Đô đốc Makarov”, đã hoạt động ở phía tây Biển Đen hơn một tháng nay.

"Đô đốc Makarov" là một tàu hộ vệ thuộc lớp "Đô đốc Grigorovich" của Hải quân Nga, trong biên chế Hạm đội Biển Đen, được đưa vào hoạt động ngày 25/12/2017.

Tàu hộ vệ lớp "Đô đốc Grigorovich" (11356M) có "mối quan hệ huyết thống" nhất định với tàu hộ vệ lớp “Dự án 1135". Lớp 11356M là khinh hạm tự đóng để sử dụng được Nga phát triển trên cơ sở tàu hộ vệ lớp "Talwa" (Dự án 11356) được Nga xuất khẩu cho Ấn Độ. Lớp "Talwa" được hiện đại hóa và nâng cấp trên cơ sở lớp “Dự án 1135”, với số lượng lớn vũ khí và trang bị đã được thay đổi. Có sự khác biệt lớn về ngoại hình giữa các tàu hai lớp 11356M và 1135, trọng tải cũng chênh lệch gần 1.000 tấn.

Hãng truyền thông Anh Navy lookout (Quan sát Hải quân) đã tung đoạn video được cho là tàu "Đô đốc Makarov" bị cháy lên mạng xã hội, nói rằng nó "tuy chưa được xác nhận, nhưng khá thuyết phục", đoạn video hiện đã được lan truyền khá rộng. Tuy nhiên, có chuyên gia phát hiện ra rằng radar của chiếc tàu bị cháy trong video không giống với radar của tàu Đô đốc Makarov, và xét thấy Ukraine đã từng phát hành một "video không chiến" mô phỏng DCS trong quá khứ, nên không loại trừ video này cũng là tình huống tương tự.

Báo Ukraine "Kyiv Post" đưa tin về vụ việc.

Báo Ukraine "Kyiv Post" đưa tin về vụ việc.

Theo trang web hàng hải Maritime-executive của Mỹ, ông Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã xác nhận vụ tấn công trong một bài đăng trên mạng xã hội Telegram, nói rằng quân đội Nga đã điều động nhiều tàu hải quân đến hỗ trợ "Đô đốc Makarov".

Tuy nhiên, ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine không trả lời trực tiếp về việc liệu có một cuộc tấn công hay không. Ông nói rằng: "Tàu hộ vệ của Nga bị chìm, nó có thể và không có thể xảy ra. Tôi chưa sẵn sàng để nói 'có' hay ‘không’ ".

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 6/5, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov khi trả lời câu hỏi về việc truyền thông Ukraine đưa tin về vụ này đã nói, Điện Kremlin không có thông tin về việc cái gọi là “tàu chiến Nga bị tấn công trên Biển Đen”.

Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết Mỹ không có thông tin xác nhận cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào tàu “Đô đốc Makarov”, đồng thời nói thêm rằng "chúng tôi đã theo dõi vấn đề này cả ngày".

Livemap đưa tin vị trí xảy ra vụ việc gần Đảo Rắn.

Livemap đưa tin vị trí xảy ra vụ việc gần Đảo Rắn.

Theo trang tin Trung Quốc Sohu ngày 7/5, có nhiều dấu hiệu cho thấy, dường như tin tức lan truyền trên mạng ngày 6/5 về một tên lửa chống hạm "Neptune" của quân đội Ukraine bắn trúng tàu hộ vệ "Đô đốc Makarov" thuộc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga “không phải là không có căn cứ, có gió mới có sóng”.

Các bức ảnh và video nghi là do máy bay không người lái ghi lại đã được đăng tải lên mạng Internet. Chiếc tàu chiến vẫn đang bốc cháy với radar phòng không đang xoay, đã bị trúng đạn ở phía trước thân tàu, ngọn lửa bùng cháy và khói cuồn cuộn bốc lên. Đặc điểm của chiếc tàu cháy rất giống chiếc khinh hạm lớp 11356R "Đô đốc Makarov" với số hiệu 799, cho thấy con tàu có thể đã bị trúng tên lửa chống hạm vào bên hông.

Dư luận bên ngoài có xu hướng tin rằng một tên lửa chống hạm "Neptune" do quân đội Ukraine phóng đã bắn trúng chiếc “Đô đốc Makarrov”. Sau khi tàu tuần dương Moskva với lượng choán nước hơn 11.000 tấn bị chìm, nếu đây là sự thực, quân đội Ukraine một lần nữa giáng đòn nặng nề vào hải quân Nga, khiến Hạm đội Biển Đen vốn thiếu các tàu chiến chủ lực cỡ vừa và lớn, càng thêm sa sút.

Chiếc hộ vệ hạm 4.000 tấn này được đặt theo tên của Đô đốc Makarov, vị chỉ huy nổi tiếng của Hạm đội Thái Bình Dương trong lịch sử Hải quân Nga. Việc hai chiến hạm chủ lực của Hạm đội Biển Đen đều bị trúng tên lửa và bắn chìm trong vòng chưa đầy một tháng, khiến người ta không khỏi lo lắng về triển vọng tương lai của Hạm đội Biển Đen.

Theo báo cáo của giới truyền thông Ukraine, một số lượng lớn máy bay Nga đã bay vòng qua chiếc tàu hộ vệ, và hệ thống theo dõi radar của tàu thuyền cho thấy chiếc tàu tìm kiếm và cứu nạn SPK-46150 của Nga đã hướng đến khu vực phía tây của Biển Đen, nơi xảy ra vụ việc.

Máy bay không người lái RQ-4B của quân đội Mỹ cũng đã bay với mật độ dày đặc ở khu vực xảy ra vụ việc và chụp ảnh tàu hộ vệ của Nga bốc cháy. Khi đó, chiếc khinh hạm của Nga đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở vùng biển gần Đảo Rắn.

Các nhà phân tích cho rằng, có lẽ lần này, máy bay không người lái của Mỹ đã lần được dấu vết của khinh hạm Nga, đồng thời thông báo cho lực lượng tên lửa đất đối hạm của hải quân Ukraine những thông tin cụ thể thông qua hệ thống liên kết dữ liệu tốc độ cao, radar của tên lửa chống hạm "Neptune" được bật lên và tên lửa đã bắn trúng chiếc "Đô đốc Makarov".

Trước khi tàu này của Nga bị trúng tên lửa của Ukraine, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: "Trong vài tuần qua, chúng tôi đã thường xuyên chia sẻ với Ukraine thông tin tình báo quân sự của Nga trên biển và trên bờ để giúp họ phòng thủ trước hành vi tấn công. Ngay cả bây giờ, chúng tôi vẫn làm như vậy”.

Sơ đồ đường bay của chiếc UAV RQ-4B của Không quân Mỹ thời điểm xảy ra vụ việc, theo trang Flightrada.

Sơ đồ đường bay của chiếc UAV RQ-4B của Không quân Mỹ thời điểm xảy ra vụ việc, theo trang Flightrada.

Đồng thời, truyền thông Mỹ cũng khẳng định, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa chống hạm bắn trúng tàu tuần dương "Moskva" của Hải quân Nga sau khi đã nhận được sự hỗ trợ tình báo của quân đội Mỹ. Sau khi tên lửa chống hạm "Neptune" được phóng đi, nó đã nhận được sự hỗ trợ dẫn đường do quân đội Mỹ cung cấp, giúp tên lửa Ukraine bắn trúng chiếc tàu khổng lồ 10.000 tấn của Hạm đội Biển Đen, khiến Hải quân Nga chịu tổn thất lớn.

Quá trình tàu hộ vệ "Đô đốc Makarov" bị trúng tên lửa chống hạm rất giống với quá trình tàu tuần dương "Moskva" bị bắn trước đó. Ngoài ra, quân đội Ukraine cũng đã đánh chìm tàu ​​đổ bộ tăng cỡ lớn lớp “Dự án 1171” số 148 "Orsk" với lượng giãn nước đầy tải 4.700 tấn ở Berdyansk. Thiệt hại của Hải quân Nga còn trầm trọng hơn với việc hai tàu tuần tra cao tốc 20,5 tấn "Raptor" cũng bị máy bay không người lái Ukraine đánh chìm trên Biển Đen mới đây.