Liệu 5G có khả năng bảo mật tốt hơn 4G?

VietTimes -- 5G hỗ trợ tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và nhiều kết nối hơn 4G. Nhưng nếu nhìn vào hệ thống kiến trúc và giao thức, rõ ràng 5G thực sự được xây dựng trên 4G và mở rộng tiềm năng của nó. Nhờ các thuật toán mã hóa nâng cao, 5G được đánh giá an toàn hơn 4G.

Tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC) Thượng Hải 2018 vừa khai mạc, Chủ tịch Huawei, ông Eric Xu đã chia sẻ về việc đưa Băng thông rộng Di động (MBB) lên một tầm cao mới với 5G. Xu bày tỏ hy vọng rằng 5G sẽ đưa Internet di động - đặc biệt là video di động - đến mức tương đương với dịch vụ thoại di động ngày nay, cho phép người dùng tận hưởng các dịch vụ băng thông rộng di động mọi lúc, mọi nơi, ông cũng hy vọng 5G sẽ nuôi dưỡng các dịch vụ cơ bản mới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững của ngành truyền thông di động.

Ông Eric Xu -- Chủ tịch luân phiên Huawei.
Ông Eric Xu -- Chủ tịch luân phiên Huawei. 

Theo ghi nhận của China Unicom, lưu lượng dữ liệu trên mỗi người dùng 4G mỗi tháng (DOU) tăng lên 9 gigabyte. DOU của China Mobile là gần 5 gigabyte và con số dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong năm tới. DOU của China Telecom là gần 7 gigabyte. Tại Kuwait, DOU đã đạt tới 70 gigabyte. Ở Saudi Arabia, con số này là 35 gigabyte. Tại Phần Lan, DOU tăng 43% chỉ trong một năm lên 20 gigabyte.

Tuy nhiên, các mạng 4G khó có thể đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện tại. Nói cách khác, người dùng muốn tiêu thụ nhiều hơn, nhưng trải nghiệm và tốc độ đang không đáp ứng được mong đợi.

Lấy một nhà mạng Trung Quốc làm ví dụ, tại 30 thành phố phát triển hàng đầu nơi nhà mạng này cung cấp dịch vụ, tốc độ trung bình mà người dùng sử dụng đã giảm 53%, từ 51 Mbps vào đầu năm 2017 đã xuống 20 Mbps. Điều này cho thấy năng lực mạng không thể theo kịp với nhu cầu của người dùng và tăng trưởng dịch vụ.

Trong các khung giờ cao điểm tại các hot spots của một thành phố lớn ở Trung Quốc, tốc độ đường tải lên (uplink) chỉ là 400 Kbps và tốc độ đường tải xuống (downlink) là 4 Mbps. Trải nghiệm người dùng đang đối mặt với một nút thắt cổ chai ở những khu vực này. Đó là một vấn đề chung khiến trải nghiệm người dùng nghèo nàn ở các hot spots tại các khu vực phát triển.

Công bố các tiêu chuẩn 5G đầu tiên sau nhiều thập kỷ hợp tác toàn cầu

Vào ngày 14/6, trong một cuộc họp toàn thể, 3GPP đã phê chuẩn việc đóng băng các thông số độc lập cho 5G New Radio (NR), đánh dấu việc phát hành chính thức tiêu chuẩn R15. Thông số NR không độc lập đã được công bố vào tháng 12 năm ngoái. Hiện tại, giai đoạn đầu tiên của việc chuẩn hóa đầy đủ tính năng đã hoàn thành.

"Tiêu chuẩn R15 tập trung vào các nhu cầu thương mại cho băng rộng di động nâng cao (eMBB). Nó cũng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của uRLLC và mMTC. 5G có thể cung cấp tốc độ tối đa 10 Gbps ở băng thông 100 MHz, và 20 Gbps ở băng thông 200 MHz. 5G được thiết lập để đưa các dịch vụ băng thông rộng di động lên một tầm cao mới", Chủ tịch luân phiên của Huawei nói.

Tiêu chuẩn 3GPP R15 tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm Internet di động. Đến cuối năm 2019, R16 và các tiêu chuẩn tiếp theo sẽ giải quyết những thách thức đến cùng với một số lượng kết nối khổng lồ và độ trễ cực thấp, từ đó cho phép số hóa toàn ngành. Các công nghệ 5G, bao gồm mã LDPC và mã cực (Polar Code), là kết quả từ nhiều thập kỷ nỗ lực của nhiều thế hệ các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản.

Mã LDPC lần đầu tiên được giới thiệu bởi giáo sư Robert Gallager của Hoa Kỳ vào năm 1963, cách nay đã 45 năm. Mã cực (Polar Code) được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2008 bởi Erdal Arikan, một giáo sư người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Bilkent, cách đây đã 10 năm. Các tiêu chuẩn 5G sẽ không thể hình thành nên được nếu không có nhiều thập kỷ hợp tác toàn cầu.