Liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, Mỹ gây sức ép với Nga

VietTimes -- Ngày 7 tháng 9, Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (United States Strategic Command) đã công bố một báo cáo cho biết Mỹ đã phóng thử 4 tên lửa Trident II D5 từ tàu ngầm vào các ngày 4 và 6 tháng 9; đồng thời tuyên bố: “Việc thử nghiệm tên lửa không phải là để đáp trả các sự kiện nào đó trên thế giới”
Việc Mỹ phóng thử 4 tên lửa Trident II D5 từ tàu ngầm vào các ngày 4 và 6 tháng 9 được cho là nhằm gây sức ép với Nga. Ảnh: Toutiao
Việc Mỹ phóng thử 4 tên lửa Trident II D5 từ tàu ngầm vào các ngày 4 và 6 tháng 9 được cho là nhằm gây sức ép với Nga. Ảnh: Toutiao

Tên lửa Trident II có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhưng các tên lửa được phóng thử đều mang đầu đạn rỗng. Tàu ngầm lớp “Ohio” Nebraska" (SSBN739) đã thực hiện vụ phóng từ khu vực gần bờ biển California thuộc Thái Bình Dương. Kể từ khi các tên lửa loại này được chuyển giao vào năm 1989, Mỹ đã thực hiện 176 vụ phóng như vậy. Tên lửa Trident II là tên lửa duy nhất của Hải quân Mỹ và Hải quân Anh có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Việc phóng thử tên lửa có thể diễn ra trong một số tình huống. Trước hết, các vụ thử nghiệm khác nhau được thực hiện trước khi tên lửa được đưa vào trang bị, thành công là tốt nhất, nếu không thành công, thì tìm ra vấn đề để giải quyết và không ngừng cải tiến, cũng là một tình huống bình thường. Nói chung, thường phải trải qua nhiều lần thử nghiệm để hoàn thiện trang thiết bị. Thứ hai là, phóng chiến thuật sau khi đưa vào trang bị, phóng một hoặc nhiều lần để kiểm nghiệm các tình huống và đánh giá trong môi trường chiến đấu thực tế. Thứ ba, sau khi đưa vào phục vụ một thời gian, cần phải phóng thử để kiểm tra tình trạng thiết bị và nhân sự, tập luyện thực hiện các cách đánh. Thứ tư là, thực hiện phóng thử thể hiện sức mạnh để đối phó với các tình huống nhạy cảm và các tình huống cụ thể.

Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ
Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ

Hiện nay, trọng tâm của lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược của Mỹ là 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio có khả năng phóng tên lửa Trident IID5, mỗi chiếc mang 24 quả, với tổng cộng 336 tên lửa tầm bắn tối đa 11.000 km. Mỗi tên lửa có thể mang 8 đầu đạn hạt nhân loại W88, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ 475 KT TNT, tổng số 2.688 đầu đạn. Dựa trên cơ sở Trident IID5, Mỹ còn phát triển thành loại tên lửa Trident IID5LE với tầm bắn được nâng xa hơn nữa. Ngoài ra, còn có các tên lửa hành trình trên bốn tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio cải tiến cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật W80. 22 ống phóng Trident đã được sửa đổi mỗi cái thành 7 ống phóng tên lửa hành trình với tổng số 154 tên lửa. Hai ống phóng còn lại được cải tiến thành thiết bị chiến đấu đặc biệt.

Tên lửa Triden II của Mỹ phóng từ tàu ngầm
Tên lửa Triden II của Mỹ phóng từ tàu ngầm

Hiện nay, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược trên biển là cốt lõi của cuộc tấn công hạt nhân chiến lược của Mỹ. Trong tương lai, loại tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Colombia sẽ được phát triển. Dự kiến Mỹ sẽ chế tạo 12 tàu với lượng giãn nước 20.000 tấn; mỗi chiếc mang 16 tên lửa Trident IID5 hoặc tên lửa Trident IID5LE cải tiến. Mỗi tên lửa có thể mang 10 đầu đạn, thì tổng số đầu đạn hạt nhân sẽ là 12x16x10 = 1920 chiếc.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược mới nhất của Nga là loại Project 955 Borei-class. Nga có kế hoạch đóng 10 tàu, thay thế toàn bộ loại tàu Delta và chiếc Typhoon-class cuối cùng. Lượng giãn nước của Borei-class là 24.000 tấn. Được trang bị 16 tên lửa đạn đạo thuốc phóng rắn mang nhiều đầu đạn RSM-56 Bulava (NATO gọi là SS-NX-30) phóng thẳng đứng với tầm bắn tối đa 10.000 km, có thể mang ít nhất 6 đầu đạn hạt nhân, sau khi cải tiến có thể mang được 10 đầu đạn hạt nhân. Nếu mang 6 đầu đạn, thì tổng cộng 160 tên lửa và 10 tàu sẽ là 10x16x6 = 960 đầu đạn hạt nhân. Nếu mang 10 đầu đạn thì sẽ là 10x16x10 = 1600 đầu đạn hạt nhân, cùng cấp độ với loại Columbia tương lai của Mỹ.

Tàu ngầm lớp Vanguard của Anh
Tàu ngầm lớp Vanguard  của Anh

Anh hiện có 4 tàu lớp Vanguard mỗi chiếc mang 16 tên lửa Lockheed Trident IID5, mỗi tên lửa có 8 đầu đạn hạt nhân, tổng số 4 tàu là 4x16x8 = 512 đầu đạn. Thế hệ tàu tiếp theo là loại The Heirs với 12 tên lửa Trident IID5, nếu mang 12 đầu đạn mỗi chiếc, sẽ là 4x12x12 = 576 đầu đạn hạt nhân.

Pháp hiện có 4 chiếc tàu lớp Le Triomphant đang hoạt động có thể mang 16 tên lửa M51, mỗi tên lửa có 12 đầu đạn, tổng cộng 4 tàu có số đầu đạn hạt nhân là 4x16x12 = 768.

Có thể thấy rằng Mỹ và Nga về cơ bản cùng ở cấp độ đầu tiên, Anh và Pháp ở cấp độ thứ hai. Tuy nhiên, hiện tại, những gì chúng ta thống kê chỉ là giá trị lý thuyết, bởi vì tàu ngầm hạt nhân có thể không mang đầy đủ tên lửa trong thời gian không có chiến tranh. Đối với Anh và Pháp, nút phóng hạt nhân của Anh nằm trong tay người Mỹ và không cần thử nghiệm tên lửa. Pháp là nước với các lực lượng chính trị và quân sự độc lập hơn bên ngoài Mỹ và Nga, nhưng các tàu cũng chưa chắc đã mang đầy đủ vũ khí. Về số lượng vụ thử nghiệm cũng có một khoảng cách lớn với Mỹ và Nga. Hiện nay Pháp cũng không có áp lực gì, nên chỉ duy trì trạng thái mà thôi.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Project 955 Borei-class của Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Project 955 Borei-class của Nga

Với việc Mỹ đang từng bước áp sát Nga từ các nước láng giềng, nhất là các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn thường xuyên được tổ chức xung quanh Nga, đặc biệt là trên Biển Đen và Biển Baltic; năm 2018 Nga đã phóng 4 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava từ tàu ngầm, dụng ý trong đó rất rõ. Đó là, Mỹ đừng có được đằng chân lân đằng đầu.

Theo thông lệ, sau khi Nga hành động, Mỹ sẽ có một động thái tương ứng. Người ta chờ đợi hành động của Mỹ. Cho đến tháng 9 năm nay, Mỹ mới phóng 4 tên lửa Trident II, việc phóng đáp trả này đã muộn hơn một năm và diễn ra sau khi Nga vừa phóng một tên lửa Bulava và một tên lửa SS-N-23 “Skiff” cách đây mấy hôm. Cụm từ mà Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ sử dụng “Việc thử nghiệm tên lửa không phải là để đáp trả các sự kiện nào đó trên thế giới” khiến người ta thấy càng giấu đầu hở đuôi. Nếu thực sự không đáp trả sự kiện nhất định, tại sao số lượng tên lửa phóng thử giống hệt nhau? Về mặt biểu hiện, chỉ cần nói một câu: hoạt động phóng thường xuyên, theo nhiệm vụ hàng năm là xong, thay vì cố tình đề cập đến “một số sự kiện nào đó”.

(Theo Toutiao)