Liên danh Văn Phú Invest - VCI muốn “chơi lớn” ở Bà Rịa - Vũng Tàu

VietTimes -- CTCP Đầu tư VCI - đối tác của Văn Phú Invest trong liên danh là - được thành lập từ tháng 3/2010, gia tăng quy mô vốn nhanh chóng từ 181 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng trong năm 2017. Bên cạnh đó, VCI cũng có nhiều mối liên hệ với CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái - đối tác thân thiết với Văn Phú Invest tại nhiều dự án khác. 
Văn Phú Invest tích lũy quỹ đất lớn từ các dự án BT (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Văn Phú Invest tích lũy quỹ đất lớn từ các dự án BT (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Hôm 19/2/2020, liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest - Mã CK: VPI) và CTCP Đầu tư VCI (VCI) đã có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất ý tưởng thực hiện Khu đô thị Hải ĐăngKhu đô thị trung tâm tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu.

Tại cuộc họp, đại diện Viện Nghiên cứu Thiết kế Đô thị (đơn vị tư vấn ý tưởng) đề xuất sử dụng khu đất 200ha sân bay Vũng Tàu hiện hữu thành khu đô thị trung tâm. Dự án chia thành các phân khu dịch vụ thương mại hỗn hợp, trung tâm tài chính và công nghệ, trường học, công viên, phố đi bộ, trung tâm mua sắm, thương mại, nhà ga, viện nghiên cứu công nghệ, khu starup, trung tâm điều hành đô thị thông minh, làng công nghệ, tổ hợp văn phòng thương mại theo hướng cao cấp, tiếp nhận 10.000 dân.

Trong khi đó, Khu đô thị Hải Đăng có quy mô gần 267ha tọa lạc tại Phường 12, Tp. Vũng Tàu.

Đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng khu đô thị sinh thái khép kín phục vụ nhu cầu ở, làm việc, giải trí cho cư dân, các chuyên gia trong và ngoài nước với các tiện ích đồng bộ, cao cấp của khu đô thị mở như: bệnh viện, trường học quốc tế, bến du thuyền, quảng trường, trung tâm thể dục thể thao, tổ hợp khách sạn, thương mại văn phòng. Được biết, dự án này

Đặc biệt, trong khu đô thị trên sẽ giữ nguyên và bổ sung thêm những công trình gắn làng xóm, hiện trạng dân cư hiện hữu như: nhà xã hội, khu tái định cư, không gian cây xanh trên diện tích 60ha.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh (Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ủng hộ ý tưởng của đơn vị tư vấn, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý tính toán phương án giao thông kết nối hợp lý, cân đối phân khu thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, giới chuyên gia đến sinh sống, làm việc. Đồng thời, ông Lĩnh cũng đề nghị UBND tỉnh đưa 2 dự án trên vào danh mục dự án trọng điểm để thúc đẩy tiến độ.

Về lựa chọn nhà đầu tư 2 khu đô thị trên, ông Lĩnh cho biết khu đất sân bay Vũng Tàu hiện hữu là đất công sẽ được đưa vào kế hoạch đấu giá công khai lấy kinh phí xây dựng sân bay Gò Găng.

Đối với khu đất quy hoạch đô thị Hải Đăng, sẽ đấu giá một phần để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng và cho thuê đất một phần.

Trước đó, theo truyền thông trong nước, Liên danh Văn Phú Invest - VCI đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin nghiên cứu, lập quy hoạch và đầu tư sân bay Gò Găng; nghiên cứu, lập quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại khu đất sân bay cũ thuộc TP Vũng Tàu.

Được biết, kinh phí để xây dựng sân bay mới dự kiến khoảng 1 tỷ USD, với 2 phương án đầu tư là: (1) bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí và (2) đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm) hoặc BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Ở phương án 2, nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.

Sân bay Vũng Tàu (Nguồn: Tạp chí Giao thông)
Sân bay Vũng Tàu (Nguồn: Tạp chí Giao thông)

Chân dung liên danh Văn Phú Invest - VCI

Trong 2 doanh nghiệp tham gia liên danh, Văn Phú Invest được cộng đồng đầu tư biết tới rộng rãi hơn khi cổ phiếu VPI của công ty này được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông Tô Như Toàn (SN 1971, Chủ tịch HĐQT Văn Phú Invest) cũng không còn xa lạ với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Như VietTimes từng đề cập, Văn Phú Invest tích lũy được quỹ đất ấn tượng thông qua việc thực hiện các dự án PPP, mà cụ thể là loạt dự án “làm đường đổi đất” (theo hình thức BT) hay Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (theo hình thức BOT).

VCI - đối tác của Văn Phú Invest trong liên danh là - được thành lập từ tháng 3/2010. Sau nhiều lần thay đổi đăng ký địa chỉ trụ sở chính trên phố Trung Kính (Hà Nội), tháng 10/2019, VCI đã chuyển đăng ký địa chỉ trụ sở chính về số 83 đường Ngô Quyền, Phường Ngô Quyền, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện là ông Nguyễn Hải Bắc (SN 1982).

VCI cũng được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở đô thị - VCI Mountain View tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, có quy mô 13,3 ha. Dự án từng được định giá với tổng giá trị hơn 483,3 tỷ đồng. 

Trong năm 2017, VCI đã nhiều lần thực hiện tăng vốn, từ mức 181 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Cập nhật tới cuối tháng 9/2018, cơ cấu cổ đông của VCI bao gồm 5 nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, ông Lê Tiến Thắng (SN 1977) góp 642,488 tỷ đồng, sở hữu tới 91,784% vốn của VCI.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Lê Tiến Thắng còn nắm giữ tới 90% vốn của CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái) - đơn vị sở hữu 65% vốn dự án BOT Cai Lậy.

Ông Thắng từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Bắc Ái nhưng đã nhường vị trí này cho ông Nguyễn Tiến An (SN 1992) vào tháng 3/2017. Hiện, ông Thắng đang làm người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc chi nhánh của công ty Bắc Ái.

Được biết, Bắc Ái và Văn Phú Invest vào cuối tháng 11/2016 cùng góp vốn vào CTCP Văn Phú Bắc Ái. Công ty này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, do Văn Phú Invest và Bắc Ái lần lượt góp 60% và 35%.

CTCP Văn Phú Bắc Ái sau đó đã triển khai nhiều dự án lớn có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: dự án BT đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (vốn đầu tư 2.527 tỷ đồng); dự án 129 Đinh Tiên Hoàng (Quận Bình Thạnh, Tp. HCM, vốn đầu tư 1.089 tỷ đồng); dự án 132 Đào Duy Từ (Quận 10, Tp.HCM)./.