Lịch sử các thiết bị gián điệp, những thứ điệp viên được trang bị “tận răng”

VietTimes – Chắc chắn nhiều công cụ gián điệp trong phim Hollywood không có ngoài đời thực, nhưng đây là một trong những thiết bị khiến chúng ta cảm thấy tò mò nhất. Bạn có biết rằng thiết bị gián điệp đầu tiên đã xuất hiện từ trước Công nguyên?
Điệp viên không thể thiếu các công cụ hỗ trợ (ảnh: PxHere)
Điệp viên không thể thiếu các công cụ hỗ trợ (ảnh: PxHere)

Bộ phim James Bond (007) đã khiến hàng chục triệu người trên thế giới mê đắm bởi sự ly kỳ và bí ẩn của nghề điệp viên. Rõ ràng những tình tiết trong phim là hư cấu, nhưng những thứ càng bí ẩn lại càng khiến chúng ta tò mò.

Từ nhiều năm qua, loài người đã chế tạo ra nhiều thiết bị để thu thập thông tin và theo dõi lẫn nhau. Nhưng lịch sử của thiết bị gián điệp không phải bắt đầu từ thời kỳ có mạng máy tính và theo dõi trên không, mà nó có từ thời cổ đại.

Thiết bị gián điệp thời trước Công nguyên

(ảnh: Wikimedia Commons)
(ảnh: Wikimedia Commons) 

Vào năm 500 trước Công nguyên, người Sparta và người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng một thiết bị gián điệp của riêng họ được gọi là scytales.

Thiết bị này có dạng hình trụ được bọc trong miếng da thú và các vật liệu có sẵn thời kỳ đó. Chúng chứa các thông điệp cần được truyền đạt trong các chiến dịch quân sự. Người nhận sẽ giải các mật mã bằng cách đặt miếng da lên một cái gậy có kích thước tương tự.

Những năm 1400

(ảnh: Wikimedia Commons)
 (ảnh: Wikimedia Commons)

Vào năm 1466, một họa sỹ kiêm kiến trúc sư người Ý tên là Leon Battista Alberti đã phát minh ra một thứ được gọi là Mật mã Alberti. Nó được coi là mật mã đa âm đầu tiên trên thế giới. Với công cụ này, các điệp viên có thể dễ dàng mã hóa và giải mã thông điệp.

Công cụ Mật mã Alberti bao gồm hai chiếc đĩa được khắc chữ cái, được đặt chồng lên nhau để tạo và giải mã các tin nhắn.

Những năm 1700

Thời kỳ này cho thấy đã có những tiến bộ trong việc chế tạo các thiết bị gián điệp, trong đó có “viên đạn bạc” và “mực ma”

Viên đạn bạc (1776)

Một viên đạn bạc nhỏ, có kích thước bằng một khẩu súng hỏa mai đã được sử dụng để giấu các tin nhắn bên trong. Nó không dễ phát hiện vì kích thước nhỏ. Trong trường hợp khẩn cấp, điệp viên có thể nuốt viên đạn vào bụng. Tuy nhiên một số điệp viên đã bị ngộ độc chì và chết. Về sau người ta phải cải tiến viên đạn, loại bỏ chì ra khỏi vật liệu chế tạo.

Mực ma (1778)

Loại mực vô hình này được phát triển bởi Tiến sỹ James Jay, anh trai của John Jay – Chánh án Tòa án tối cao đầu tiên của nước Mỹ. Một hóa chất được sử dụng để viết một tin nhắn, trong khi một hóa chất khác được sử dụng để giải mã nó.

Jay đã đưa loại mực này cho Silas Deane - một đặc vụ hoạt động ở Pháp - và George Washington. Từ London đến châu Mỹ, mực ma đã hỗ trợ ghi các tin nhắn bí mật.

Những năm 1800

Một trong những thiết bị gián điệp tiếp theo được Cơ quan Mật vụ Mỹ phát triển vào năm 1864 và được gọi là "ngư lôi than". Nó bao gồm một vật đúc bằng sắt rỗng chứa đầy chất nổ và được ngụy trang bằng sơn như một cục than.

Các tài liệu ghi chép về những quả ngư lôi này trong chiến đấu đã không còn tồn tại, nhưng người ta tin rằng một số chiếc tàu chiến đã bị loại ngư lôi than này bắn chìm.

Những năm 1900: công cụ gián điệp phát triển mạnh

Nhờ những tiến bộ trong ngành công nghiệp mà nhiều thiết bị gián điệp đã được tạo ra. Xét về lịch sử của các thiết bị gián điệp, thế kỷ này chứng kiến những điều thú vị nhất.

Máy ảnh gắn vào chim bồ câu (1916)

(ảnh: Wikimedia Commons)
 (ảnh: Wikimedia Commons)

Chim bồ câu đã được quân đội sử dụng để chụp ảnh, đưa thư và một số nhiệm vụ khác. Trong Thế chiến Thứ nhất, quân đội hai phe đã đeo những chiếc máy ảnh lên những chú chim bồ câu để chụp ảnh do thám.

Cher Ami là một con chim bồ câu đưa thư được Quân đoàn Thông tin Mỹ tại Pháp sử dụng trong Thế chiến thứ nhất. Tháng 10/1918, chỉ huy quân đội Mỹ và hơn 500 lính đồng minh bị quân Đức bao vây. Họ không có thức ăn, đạn dược. Viên chỉ huy của Mỹ đã thả hàng loạt chim bồ câu đi đưa thư cầu cứu viện binh. Quân đội Đức đã phát hiện và bắn hạ hết những chú chim bồ câu này, chỉ có mình con chim Cher Ami bay thoát. Sau hành trình dài 40km với vết thương ở chân, Cher Ami đã giao được thư cho quân Đồng minh để sau đó họ đến giải cứu được 194 binh sỹ.

Bộ bài Monopoly (1940)

(ảnh: Wikimedia Commons)
  (ảnh: Wikimedia Commons)

Cả bộ bài tây (tú lơ khơ) và bộ bài Monopoly đều được sử dụng để che giấu thông tin bí mật trong suốt Thế chiến II. Các cơ quan tình báo của Anh và Hoa Kỳ đã làm việc với Công ty Playing Card để nhúng các bản đồ bí mật vào trong các lá bài, sau đó chúng được ngâm để phân tách để tiết lộ bản đồ.

Các bộ bài Monopoly chứa các tệp, bản đồ và la bàn, và chúng được phân biệt bằng một chấm đỏ nằm trên phần "đỗ xe miễn phí".

Máy ảnh microdot (Thập niên 1960)

(ảnh: Wikimedia Commons)
  (ảnh: Wikimedia Commons)

Chiếc máy ảnh này được ca ngợi là một trong những máy ảnh gián điệp quan trọng nhất mọi thời đại. Nó có thể chụp ảnh tài liệu và in ra với một kích thước cực nhỏ chỉ bằng hạt gạo.

Điệp viên sau đó có thể giấu các “hạt gạo” này vào trong thư, nhẫn, bút hoặc các vật liệu khác, đọc chúng bằng kính hiển vi khi có nhu cầu.

Dụng cụ giấu trong trực tràng (1960)

Để giấu những dụng cụ này quả thực là không hề thoải mái. Đây là một tập hợp các dụng cụ như dao, các vũ khí đặc dụng có đầu nhọn và cạnh sắc, được nhét vào trong một viên nang tròn. Người điệp viên sẽ phải giấu viên nang này vào trong trực tràng để mang ra khi cần.

Súng lục ngụy trang dưới dạng thỏi soi (1965)

(ảnh: Wikimedia Commons)
(ảnh: Wikimedia Commons)

Một khẩu súng 4,5 mm được giấu khéo léo bên trong một thỏi son. Đây là một “Nụ hôn thần chết” được các đặc vụ KGB (Liên Xô cũ) mang theo.

Máy truyền tin ngụy trang dưới dạng cục phân chó (thập niên 1970)

(ảnh: Jared eberhardt/Flickr)
 (ảnh: Jared eberhardt/Flickr)

Để tránh bị phát hiện, quân đội Mỹ đã sản xuất những chiếc máy truyền tin có bề ngoài giống như cục phân chó. Thiết bị này đã được Không lực Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam phục vụ cho các cuộc hành quân vào ban đêm.

Kính Xyanua (thập niên 1970)

CIA đã phát triển những chiếc kính này vào những năm 70 cho các điệp viên hay những người lính thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm. Họ được dặn rằng trong chiếc kính có chứa chất cực độc xyanua. Khi bị thẩm vấn và tra tấn đến độ không chịu nổi, họ sẽ nhai kính để tự sát nhằm giữ bí mật quân sự.

Chiếc ô Bulgari (1978)

(ảnh: Wikimedia Commons)
 (ảnh: Wikimedia Commons)

Bên trong chiếc ô có chứa một chất cực độc gọi là Ricin. Điệp viên có thể phóng chất độc thông qua một nút bấm trên ô.

Robot cá Charlie (1999)

Thiết bị gián điệp này được ngụy trang dưới dạng một chú cá. Nó được tạo ra nhằm khám phá công nghệ robot dưới nước. Cá gián điệp được điều khiển bởi một thiết bị thu phát sóng vô tuyến. Nó có nhiệm vụ thu thập các mẫu nước gần các khu vực nhạy cảm như lò phản ứng hạt nhân mà không bị bắt hoặc phát hiện dưới bất kỳ hình thức nào.

Các công cụ gián điệp ngày nay

Trong kỷ nguyên mà Internet phát triển như vũ bão, các điệp viên thường sử dụng các công cụ để xâm nhập vào mạng máy tính hơn là các công cụ chiến đấu trên thực địa. Có thể kể đến các công cụ như:

Phần cứng “Kệ đầu giường”

(ảnh: Pixabay)
 (ảnh: Pixabay)

Thiết bị này của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cho phép điệp viên có thể thực hiện một cuộc tấn công mạng bằng cách xâm nhập vào mạng Wi-Fi từ một khoảng cách lên tới 12km.

Bông tăm 1

(ảnh: Petr Kratochvil/PublicDomainPictures.net)
(ảnh: Petr Kratochvil/PublicDomainPictures.net)  

Công cụ này trông giống như dây USB hàng ngày của bạn, nhưng nó còn nguy hiểm hơn thế. Nó hoạt động như một cầu nối không dây để nhắm tới các mục tiêu là các máy tính cá nhân và mạng máy tính, giúp cho việc khai thác thông tin và phá hoại.

Trên đây là những thiết bị gián điệp đã được công bố hoặc đã lộ diện. Còn vô số các thiết bị khác vẫn được quân đội các nước ẩn giấu nhằm thực hiện các nhiệm vụ tối mật. Có lẽ vẫn còn nhiều những thiết bị mà James Bond khi nhìn thấy cũng phải “khóc thét”

Theo I.E