Li Xiaodong đã đưa Sea Limited trở thành 'đế chế' game online, thanh toán và bán lẻ như thế...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từng là kẻ nghiện game, Forrest Li được 'truyền cảm hứng' từ một bài diễn văn của Steve Jobs và gây dựng nên tập đoàn công nghệ Sea Limited - chủ sở hữu: Garena, Shopee.
Li Xiaodong đã đưa Sea Limited trở thành 'đế chế' game online, thanh toán và bán lẻ như thế...
Li Xiaodong đã đưa Sea Limited trở thành 'đế chế' game online, thanh toán và bán lẻ như thế...

Sea Limited (Sea) tiền thân là Garena Interactive Holding Limited, được sáng lập bởi một chàng trai nghiện game người Thiên Tân (Trung Quốc): Li Xiaodong (Lý Tiểu Đông, sinh năm 1977).

Li theo học đại học ở Thượng Hải và rất nghiện game. Ông thường chơi game thâu đêm suốt sáng trong các quán Internet trong thời gian này, theo Bloomberg.

Sau khi tốt nghiệp, Li làm việc tại Motorola Solutions và Corning ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng tương lai của mình sẽ bị hạn chế khi chỉ ngồi văn phòng, vì vậy quyết định đăng ký khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford.

Bắt đầu cuộc sống tại một đất nước mới, Li từng có 9 tháng làm việc cho bộ phận kỹ thuật số của MTV Network trước khi quyết định khởi nghiệp với GG Game - công ty phát triển game một người chơi. Tuy nhiên, do đi ngược với xu hướng, GG Game đã không thể bám trụ lâu trên thị trường.

Bắt đầu với game online...

Không nản lòng, năm 2009, Li thành lập Garena tại Singapore, chuyên cung cấp game online. Đăng ký quốc tịch và trở thành công dân Singapore, vị doanh nhân này đổi tên thành Forrest Xiaodong Li (Forrest Li).

Đồng hành cùng Forrest Li là Gang Ye và David Chen. Trong đó, Chen học kỹ sư máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, còn Ye học Học viện Hwa Chong và Cao đẳng Rafles Junior rồi tiếp nối con đường học vấn tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) để lấy bằng cử nhân khoa học máy tính và kinh tế.

Dù đã có kinh nghiệm từ thất bại của GG Game nhưng con đường thành công của Forrest Li và Garena chẳng hề dễ dàng, đặc biệt là vấn đề tài chính. Ông Li cho biết từng có khoảng thời gian nhóm lãnh đạo công ty phải bỏ tiền túi, thậm chí đi vay tiền của người thân để duy trì hoạt động.

Thành công đầu tiên của Garena đến từ việc cho ra mắt tựa game đình đám Free Fire. Nhờ đó, Garena đã thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, tiêu biểu như sự hậu thuẫn đến từ gã khổng lồ công nghiệp Trung Quốc Tencent năm 2017. Sau đó, Garena chính thức đổi tên thành Sea Limited, mang tham vọng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực thanh toán trực tuyến, bán lẻ.

Tháng 10/2017, Sea Limited đã hoàn tất đợt IPO trên sàn chứng khoán New York với thành công ngoài mong đợi. Toàn bộ 58,96 triệu ADS (American Depositary Shares) – mỗi ADS đại diện cho một cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) mệnh giá 0,0005 USD/cổ phiếu của Sea Limited - đã được IPO với giá lên đến 15 USD/ADS - cao hơn đáng kể so với dự tính ban đầu là từ 12 - 14 USD/ADS.

Thương vụ đã đem về cho Sea tới 884 triệu USD. Nhưng tổng lượng tiền thu được thực tế có thể lên tới hơn 1 tỉ USD, khi Sea đã cấp thêm cho các nhà bảo lãnh phát hành quyền chọn mua 8,844 triệu ADS khác. Như vậy, với hơn 268 triệu cổ phiếu phổ thông (ordinary shares) lưu hành, giá trị của Sea Limited đã được định giá ở mức hơn 4 tỉ USD.

Sea Limited đã IPO thành công ngoài mong đợi trên sàn chứng khoán New York (Ảnh: Sea Limited)

Sea Limited đã IPO thành công ngoài mong đợi trên sàn chứng khoán New York (Ảnh: Sea Limited)

Tuy nhiên, theo Forbes, trong hơn một năm trở lại đây, Sea đã chứng kiến sự lao dốc nhanh chóng với cổ phiếu niêm yết tại Mỹ mất 77% giá trị trong bối cảnh bán tháo cổ phiếu công nghệ và thách thức toàn cầu ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Đáng chú ý, chỉ một năm trước, cổ phiếu Sea còn là một trong những cổ phiếu được quan tâm nhất với mức tăng trưởng nóng.

Việc giá cổ phiếu Sea giảm mạnh đã khiến giá trị khối tài sản ròng của Forrest Li, Gang Ye giảm xuống lần lượt 4,2 tỉ USD và 2,8 tỉ USD, trong khi David Chen đã tuột mất danh hiệu tỉ phú với khối tài sản ròng chỉ còn 745 triệu USD.

Tới thương mại điện tử

Trong một bài phỏng vấn với Financial Times, Li cho hay chính sự hứng thú của con gái ông với sàn thương mại điện tử Taobao (Trung Quốc) là nguồn cảm hứng để ông phát triển và cho ra mắt nền tảng thương mại điện tử Shopee vào năm 2015.

Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á (Ảnh: Reuters)

Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á (Ảnh: Reuters)

Dù sinh sau đẻ muộn nhưng Shopee nhanh chóng vượt qua một số đối thủ tại Đông Nam Á. Chiến lược phát triển của Shopee là cung cấp nền tảng trên di động, lấy ứng dụng làm trọng tâm, đi ngược với hầu hết các sàn TMĐT vào thời điểm đó. Năm 2019, Shopee được đánh giá là một trong hai ứng dụng thương mại điện tử được dùng nhiều nhất Đông Nam Á và là website TMĐT có nhiều lượt truy cập nhất.

Trong quý 2/2022, doanh thu từ nền tảng này là 1,7 tỉ USD, tăng trưởng 51,4% so với cùng kỳ, tổng đơn đặt hàng tăng 41,6% cùng kỳ lên 2 tỉ đơn hàng với tổng giá trị các đơn hàng tăng 27% lên 19 tỉ USD. Dù vậy, Shopee vẫn ghi nhận lỗ EBITDA lên tới 648,1 triệu USD, tăng 11,7% so với khoản lỗ cùng kỳ năm 2021.

Từng tuyên bố việc Shopee hoạt động thua lỗ chỉ là bước đệm trước khi mở rộng nền tảng, đến nay ban lãnh đạo công ty đã phải thông báo cắt giảm nhân sự tại nhiều chi nhánh trên khắp Đông Nam Á. Theo DealStreetAsia, mục đích của đợt cắt giảm này là để Shopee tìm cách hợp lý hóa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

ShopeePay và ngân hàng số

Ngoài phát triển game online và thương mại điện tử, Sea còn ăn nên làm ra ở mảng thanh toán điện tử với SeaMoney – nhà cung cấp dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số. Được thành lập vào năm 2014, SeaMoney đang cung cấp các dịch vụ ví di động, xử lý thanh toán, tín dụng dưới ShopeePay, ShopeePayLater,….

Dịch vụ ví điện tử ShopeePay (Ảnh: Sea Group)

Dịch vụ ví điện tử ShopeePay (Ảnh: Sea Group)

Khi doanh thu từ mảng game online và thương mại điện tử đều có dấu hiệu sụt giảm thì doanh thu từ SeaMoney lại đang trên đà tăng mạnh 214,4% cùng kỳ lên 279 triệu USD trong quý 2/2022. Điều này là nhờ việc kết hợp với Shopee dùng ví điện tử thanh toán, với gần 40% người mua hàng trên Shopee đã sử dụng các dịch vụ của SeaMoney trong kỳ.

Ngoài ra, Sea Limited cũng đang dồn lực đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng số vốn rất sôi động ở Đông Nam Á. Từ năm 2020, công ty đã được Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này, song vẫn chưa có kết quả nào đáng ghi nhận.

Sau đó, Sea lại tiếp tục thử sức trong lĩnh vực này với việc liên kết với đơn vị trực thuộc YTL Corp – tập đoàn của tỷ phú Francis Yeoh (Malaysia). Theo Fitch Ratings, Đông Nam Á đang là thị trường ‘màu mỡ’ cho lĩnh vực ngân hàng số bởi có tới 290 triệu người ở khu vực này không có tài khoản ngân hàng. Điều này cho thấy một thị trường khổng lồ chưa được khai thác, thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg, Financial Times