Lệnh cấm VPN của Trung Quốc khiến người dân dễ bị tấn công mạng hơn bao giờ hết

Lệnh cấm ứng dụng VPN của Trung Quốc giúp chính phủ nước này kiểm duyệt nội dung dễ dàng hơn, nhưng cũng là mối hiểm họa khi người dân giờ đây bị phơi bày trước các cuộc tấn công mạng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Apple tuần trước đã loại bỏ hầu hết các ứng dụng tạo lập mạng riêng ảo (VPN) khỏi kho ứng dụng App Store Trung Quốc. Ứng dụng VPN giờ đây sẽ được coi là bất hợp pháp nếu chưa qua kiểm duyệt và cấp phép từ chính phủ Trung Quốc, rõ ràng nước này đang ép buộc các công ty công nghệ lựa chọn giữa tuân thủ luật lệ của mình hoặc chấm dứt hoàn toàn việc kinh doanh trên lãnh thổ Trung Quốc đại lục.

Chính phủ Trung Quốc đã tốn nhiều năm hòng nắm được đằng chuôi trong việc quản lý nội dung nước ngoài. Các nhà chức trách đưa ra đủ quyết định từ chặn website tới cấm nội dung, thậm chí là xây nên Vạn Lý Tường Lửa - hệ thống kiểm duyệt chặn hầu hết các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter hay Google. Tuy nhiên, người dân nước này vẫn tìm ra cách để truy cập những nội dung bị chính phủ cấm, một trong những cách đơn giản nhất là sử dụng VPN.

Chính phủ chặn một website bất kỳ và thế là sẽ có người tìm cách bỏ chặn nó cho bạn. Nếu có người muốn truy cập dữ liệu của bạn ư? Đã xuất hiện hàng tá công ty muốn giúp bạn bảo vệ quyền riêng tư. Nhưng còn về bảo mật thì sao?

Robert Knapp, CEO của CyberGhost đã nói: “Năm 2011, chúng tôi khởi điểm là một dịch vụ giúp unblock website. Thế rồi sau đó, chúng tôi nhận ra những gì mình làm thật sự chính là bảo vệ sự riêng tư của người dùng bằng cách giúp họ giữ an toàn dữ liệu của mình. Rồi đến năm 2016, chúng tôi nhận ra những gì mình đang làm là bảo mật. Vì giờ đây dữ liệu cho biết mọi thứ về người dùng, và nếu như dữ liệu của bạn không được mã hóa, khả năng rất cao đang có nhiều người ngoài kia biết chính xác bạn là ai, ở đâu và làm gì”.

Lệnh cấm VPN của Trung Quốc khiến người dân dễ bị tấn công mạng hơn bao giờ hết ảnh 1

CEO CyberGhost, Robert Knapp

Lệnh cấm của Trung Quốc, không may thay, vì lẽ đó đã khiến công dân nước này phải khốn đốn. Một ví dụ đơn giản là những nghiên cứu sinh cần truy cập nguồn dữ liệu khổng lồ trên internet, không chỉ là những trang web được chấp thuận của chính phủ. Giáo dục, nghiên cứu và đối thoại toàn cầu đều bị ảnh hưởng khi con người không thể kết nối. Sau cùng, VPN không phải ứng dụng chỉ dùng để truy cập vào những trang web đen khi bị chặn, mà còn nhiều công dụng khác quan trọng hơn thế.

Chưa hết, lệnh cấm VPN của chính phủ Trung Quốc đồng nghĩa với việc người dân nước này giờ đây mất đi một phương tiện bảo mật dữ liệu. Knapp nói rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ: “Họ đang khiến cuộc sống của hàng trăm triệu người kém an toàn hơn. Vấn đề giờ đây không chỉ đơn thuần là sự riêng tư nữa. Mọi người từng nghĩ rằng để mất một chút riêng tư trên internet cũng không sao, chừng nào mình không làm gì vi phạm pháp luật. Nhưng sự thật là dữ liệu của bạn nói lên mọi thứ về bạn. Và nếu không còn khả năng bảo mật dữ liệu của mình trên internet, ai sẽ bảo vệ được bạn đây?”

Vậy tầm quan trọng của bảo mật dữ liệu là như thế nào? Knapp cho rằng mối nguy mà chính phủ Trung Quốc mang tới cho công dân nước mình là một hiểm họa hiện hữu: “Chúng tôi đã làm một thí nghiệm nhỏ với một căn nhà thông minh 100%. Tôi đã yêu cầu người chủ nhà sử dụng căn nhà và chạy các giao thức đầy đủ trong vòng 1 tuần. Giao thức này thu thập mọi dữ liệu về người chủ nhà và sau đó chúng tôi giao những dữ liệu này cho một người bạn của tôi là một nhà báo. Chúng tôi yêu cầu anh này viết một câu chuyện dựa trên những dữ liệu được giao, như thể đó là một người thật. Câu chuyện được viết ra miêu tả chính xác gần 100% người chủ ngôi nhà thông minh kia”.

Thoạt đầu câu chuyện nghe có vẻ không quá đáng sợ, nhưng vấn đề nằm ở chỗ những dữ liệu nói trên, nếu không có VPN sẽ dễ dàng rơi vào tay người khác, và chúng ta đã qua lâu rồi thời mà chỉ các hacker mới là những người thông thạo máy tính.

Lệnh cấm của những quốc gia như Trung Quốc và Nga đang khiến dữ liệu của hàng trăm triệu con người gặp nguy hiểm chỉ để chính phủ thi hành luật kiểm duyệt. Tại Nga, luật kiểm duyệt cũng cứng nhắc và nguy hiểm hệt như giải pháp của Trung Quốc vậy, và Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Iraq cũng như Iran dường như đang có ý định nối gót. Internet giờ đây không còn là nơi mọi người an toàn chia sẻ ý tưởng nữa.

Trung Quốc và Nga rõ ràng không đặt tầm quan trọng của sự riêng tư và bảo mật lên ngang hàng, lệnh cấm VPN tại các nước này chỉ đơn giản là sự thượng tôn pháp luật.

Theo ICTNews (nguồn TNW)
http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/lenh-cam-vpn-cua-trung-quoc-khien-nguoi-dan-de-bi-tan-cong-mang-hon-bao-gio-het-157411.ict