Lệnh cấm nhập khẩu rác thải của Trung Quốc sẽ là cú hích cho AI tại Mỹ

VietTimes – Trung Quốc đã thực hiện siết chặt nhập khẩu rác thải để bảo vệ môi trường. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng với một quốc gia đang bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động như Trung Quốc. Tuy nhiên, với quốc gia phải xuất khẩu lượng lớn rác thải như Mỹ, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện là đẩy mạnh quá trình AI để giải quyết xử lý lượng rác không thể đẩy ra nước ngoài được nữa. 
Ảnh minh họa: Futurism
Ảnh minh họa: Futurism

Trước khi bắt đầu “cuộc sống thứ hai”, kim loại, nhựa, bìa cứng, và các vật liệu tái chế rắn khác thường được vận chuyển qua một hành trình dài giữa hai lục địa.

Hàng ngày, khoảng 1.500 container vận chuyển vật liệu tái chế được đưa lên tàu chở hàng ở Mỹ và đưa đến Trung Quốc. Trên thực tế, kể từ năm 2007, chất thải tái chế là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ sang Trung Quốc - một sự hợp tác tạo ra sự bùng nổ trong sản xuất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng chuyển dịch sang ngành dịch vụ, giảm sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp sản xuất gây ô nhiễm, chính phủ của nước này đang nghiêm túc hơn bao giờ hết trong trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Lệnh cấm nhập khẩu rác thải của Trung Quốc sẽ là cú hích cho AI tại Mỹ ảnh 1

Không ai có thể phủ nhận lợi ích của tái chế đối với môi trường, tuy nhiên thực tế thì không gì là hoàn hảo. Thực phẩm dư thừa, áo len dệt kim, và chai nhựa chỉ là một trong vô số mặt hàng mà các công nhân tái chế phải tháo dỡ hàng ngày trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chất thải "bẩn" vẫn trượt qua các vết nứt và bằng cách nào đó chảy ra biển.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) đưa tin, Trung Quốc sắp sửa cấm nhập khẩu 24 loại rác thải rắn từ nước ngoài do tác động xấu mà chúng gây ra còn vượt xa các lợi ích thu được.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng một lượng lớn chất thải bẩn hoặc thậm chí chất thải độc hại được trộn lẫn trong chất thải rắn có thể được sử dụng làm nguyên liệu thô. Điều này làm ô nhiễm môi trường Trung Quốc một cách nghiêm trọng. Để bảo vệ lợi ích môi trường của Trung Quốc và sức khỏe con người, chúng tôi khẩn trương điều chỉnh danh mục chất thải rắn nhập khẩu và cấm nhập khẩu chất thải rắn bị ô nhiễm rất cao”, quốc gia này viết trong hồ sơ.

Theo bản thông báo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh sẽ cấm nhập các chất thải như nhựa, giấy vụn, phế liệu dệt may kể từ cuối năm nay. Việc cấm đối với chất liệu hiện nay được coi là một mối nguy hiểm với môi trường và con người Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018.

Adina Adler, giám đốc cao cấp của Viện Nghiên cứu tái chế phế liệu (ISRI), nói với NPR rằng lệnh cấm của Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới một "kỷ nguyên mới của tái chế". Trong khi các biện pháp ngăn chặn chất thải từ nước ngoài vào có thể cải thiện điều kiện môi trường ở Trung Quốc thì chúng lại đang đẩy ngành tái chế của Mỹ vào tình trạng hỗn loạn.

Các thành phố tái chế lớn, như San Francisco, Los Angeles và San Jose sẽ phải xem xét toàn bộ chuỗi quản lý chất thải để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn mà đối tác yêu cầu.

Điều đáng buồn là nhân công chỉ có thể sắp xếp lại việc tái chế ở mức độ nhất định và họ không thể luôn luôn theo kịp những “ngọn núi” hàng hóa tái chế liên tục đến các trung tâm tái chế ở Hoa Kỳ. Nếu một trung tâm không thể thực hiện tái chế kịp, nó không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đưa rác thải ra bãi rác bên ngoài.

Để ngăn chặn điều này và đảm bảo rằng hàng hóa tái chế không bị lãng phí, một số công ty đang chuyển sang robot tái chế để giúp sắp xếp hợp lý hóa quá trình phân loại.

Theo Steve Miller, Giám đốc điều hành của Công ty Bulk Handling Systems, một nhân viên có thể chọn khoảng 30 vật liệu có thể tái chế mỗi phút từ chất thải trên băng tải. Theo Miller, một thế hệ robot tái chế mới trang bị nhiều cánh tay giống và được điều khiển bởi camera và trí thông minh nhân tạo (AI) có thể tăng lên 80 đơn vị vật liệu tái chế.

Mặc dù quá trình này không có gì khó với con người thậm chí là tẻ nhạt nhưng việc tạo ra một robot tái chế không những có thể làm tốt, mà còn nhanh hơn con người không phải là một công việc dễ dàng bởi sự khác biệt trong việc phân loại vật liệu không thích hợp để tái chế. Ví dụ, một chai nước bằng nhựa và một hộp chứa salad có thể được làm bằng chất liệu tương tự, nhưng hộp chứa salad có thể bị ô nhiễm bởi thực phẩm và do đó không thích hợp để tái chế.

Mạng Neural nhân tạo có thể giúp robot phân biệt và học cách sắp xếp chính xác bất kỳ loại rác thải nào mà không gây nhầm lẫn.

Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà tái chế công nghiệp ở Hoa Kỳ đồng ý rằng các robot tái chế sử dụng AI là tương lai của ngành công nghiệp, chi phí sử dụng robot không phải công ty nào cũng có khả năng chi trả. Với những vấn đề mà lệnh cấm “chất thải nước ngoài” của Trung Quốc gây ra với nhiều nước cần xuẩt khẩu chất thải lớn như nước Mỹ, quá trình chuyển đổi sang AI cần phải đẩy nhanh hơn kế hoạch.

Nguồn: Futurism