Lây bệnh COVID-19 cho người khác ở nơi cách ly: Xử phạt như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc nam tiếp viên hàng không mắc COVID-19 lây bệnh cho người khác khiến nhiều người bức xúc. Xử lý vi phạm trong vụ việc như thế nào để chấn chỉnh việc phòng dịch, là điều đang được dư luận quan tâm.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh: NVCC)
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh: NVCC)

Ca bệnh cộng đồng chỉ phát sinh khi có người nhập cảnh trái phép, sai sót trong cách ly y tế

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - việc phát hiện những ca lây nhiễm cộng đồng trong giai đoạn hiện nay là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế luôn khuyến cáo người dân đề phòng và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nhiều quốc gia, việc công dân nước ngoài vẫn nhập cảnh vào Việt Nam, thậm chí có những trường hợp nhập cảnh trái phép và người Việt Nam từ nước ngoài trở về thì chuyện phát sinh ra lây nhiễm trong cộng đồng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện nghiêm túc các biện pháp cách ly, phòng bệnh, xử lý y tế đối với những người mang mầm bệnh.

“Những ca bệnh trong cộng đồng chỉ có thể phát sinh khi có người nhập cảnh trái phép hoặc việc khai báo y tế, cách ly y tế có những sai sót, chủ quan hoặc nhầm lẫn.” – ông Cường nói.

Theo ông Cường, việc phát hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng trong giai đoạn hiện nay là điều hoàn toàn có thể xảy ra (Ảnh: NVCC)

Theo ông Cường, việc phát hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng trong giai đoạn hiện nay là điều hoàn toàn có thể xảy ra (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình cách ly y tế mà để các bệnh nhân tiếp xúc với nhau, hoặc người bệnh tiếp xúc gần với người khác thì đây là sai sót nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc lây lan dịch bệnh trong khu vực cách ly, có thể lây lan ra ngoài cộng đồng.

Bởi vậy, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: Trong trường hợp của nam tiếp viên hàng không mắc COVID-19 lây bệnh cho người khác cần phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ y tế, người được phân công quản lý bệnh nhân. Việc để những người có nguy cơ mang mầm bệnh, người mắc bệnh tiếp xúc gần với người khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Vi phạm quy định cách ly phòng, chống COVID-19 sẽ bị xử phạt như thế nào?

Thông tin về việc xử phạt người vi phạm quy định cách ly tại nhà, trao đổi với PV VietTimes, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho hay: Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phải nghiên cứu kỹ các điều khoản trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế để áp dụng hình thức xử phạt phù hợp.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của nam tiếp viên hàng không mắc COVID-19 rồi lây bệnh cho người khác đã vi phạm Điều 11 thuộc Nghị định 117/2020/NĐ-của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức phạt cao nhất của các hành vi vi phạm được quy định trong điều 11 lên tới 40 triệu đồng.

Cụ thể, người có hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng khi không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

Nhân viên y tế trực tại khu cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Nhân viên y tế trực tại khu cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Người có hành vi không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.

Để khắc phục hậu quả, người vi phạm buộc phải thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về các biện pháp đảm bảo phòng dịch thì sẽ bị xử phạt.

Cùng với đó, người không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không báo cáo với UBND hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.

Người có hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; thu tiền khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Khu vực cách ly (Ảnh: Minh Thuý)

Khu vực cách ly (Ảnh: Minh Thuý)

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: Hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Đáng chú ý, hành vi không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch sẽ bị phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng.

Đây là mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm quy định cách ly phòng, chống dịch COVID-19.

Để khắc phục hậu quả của hành vi trên, người vi phạm buộc phải thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế; hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác và xử lý y tế phương tiện vận tải.