Lập Facebook để "làm loạn", bị xử lý ra sao?

 Tài khoản (tạm gọi là chính) có tên viết tắt là T.Z hiện đã đóng. Tài khoản này được thành lập từ năm 2015 và sử dụng tiếng Ả rập để cập nhật trạng thái.
Lập Facebook để "làm loạn", bị xử lý ra sao?

Sau thông tin nhiều người Việt vào “làm loạn” trên một tài khoản facebook T.Z viết bằng tiếng Ả rập, bỗng có sự xuất hiện của những tài khoản facebook khác với cái tên tương tự là T.Z do một số người dùng facebook Việt Nam lập nên theo phong trào.

Từ đó, những tài khoản này cho đăng tải những lời hù dọa với ý định “vui là chính”. Sau đó, có lẽ vì sợ nên chủ tài khoản này đã viết “cáo chung” rằng chỉ “giỡn vui” thôi.

Nhưng vui đâu không thấy, chỉ thấy sự thiếu hiểu biết của một bộ phận cư dân mạng đã làm “náo loạn” và gây không ít hoài nghi cho nhiều người về chuyện nỗi đau nước Pháp còn chưa nguôi, sao lại có những người nghĩ khủng bố là đùa.

Xử lý ra sao?

Trao đổi với TTO, luật sư (LS) Hà Hải cho biết hiện nay có quy định cụ thể nào xử phạt hành vi làm giả facebook.

Tuy nhiên, để xử lý những trường hợp gây hoang mang dư luận như trong trường hợp này, có thể vận dụng nghị định 174/2013/NĐ-CP về về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Theo đó có thể xử phạt người làm giả facebook rồi đăng thông tin sai sự thật, xâm hại đến trật tự công cộng những tội danh như: gây nhiễu thông tin, gây rối loạn trật tự công cộng.

“Trong hành vi làm giả facebook này, không thể xác định được người bị hại, người bị làm giả facebook. Tuy nhiên, vẫn có thể vận dụng những quy định luật để xử phạt những trường hợp này, nhằm ngăn chặn và chấm dứt những hành vi như vậy tái diễn”, LS Hải nói.

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, việc giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức cá nhân khác thì có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

LS Hiệp cho rằng vấn đề ở đây là cảnh báo về hậu quả của những trò đùa kiểu như thế này cho những người trẻ.

“Việc vui đùa đôi khi là vô hại nhưng đôi khi lại gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Nhiều người thích đùa nhưng lại không am tường về pháp luật nên có khi vi phạm pháp luật lúc nào không hay.

Những bình luận mang tính chất khiêu khích, phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo thì có thể ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh VN. Giả sử nếu như tổ chức này muốn phát triển qua Đông Nam Á thì đây có thể là điều làm họ quan tâm. Tốt nhất những sự việc như thế này thì không nên đùa”, LS Huỳnh Phước Hiệp cảnh báo.

Theo Tuổi trẻ