Lãnh đạo ASEAN họp bàn tăng quyền của phụ nữ trong thời đại số

VietTimes – Tiếp tục chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch ASEAN 202 đã chủ trì Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng kiến đặc biệt


Phiên họp về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số được đánh giá là đặc biệt, xuất phát từ sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng cộng đồng.

Phiên họp về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, nhằm tìm kiếm những định hướng quan trọng để phụ nữ ASEAN có thể đóng góp sâu rộng, hiệu quả hơn nữa cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như tham gia tích cực vào các nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm trên bình diện toàn cầu.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch ASEAN 2020 đánh giá cao về những tấm gương phụ nữ ASEAN đã dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và nỗ lực to lớn cho xây dựng đất nước phồn vinh.

Với những đặc thù và thế mạnh riêng, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe dọa ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... và những ngày qua, là sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện vẫn còn tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử làm kìm hãm động lực phát triển và khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng. Chính vì vậy cần hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nhân loại và trao cho phụ nữ nhiều quyền năng to lớn, giúp họ giải phóng được tiềm năng tuyệt vời của mình để vượt qua các rào cản và thách thức hiện tại, tạo ra sự thay đổi cần thiết của tương lai. Tuy vậy, kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ.

Việc phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng áp lực về chuyển dịch lao động. Đó chính là những nguy cơ đối với nhiều người phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cần tăng quyền cho phụ nữ


Tại phiên họp, các đại biểu đã cùng thảo luận về các phương hướng nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số, trong đó tập trung tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; thúc đẩy phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững.

Các đại biểu cũng khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong hoạch định các chương trình, chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực; tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Nói về “Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn” - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA 41) một lần nữa khẳng định vai trò của phụ nữ trong tiến trình phát triển của khu vực ASEAN và thế giới, nhất là phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Đồng thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn ASEAN tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ, cũng như tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới;

Bà Ngân cũng tin tưởng ASEAN sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh của thế giới để nâng cao vị thế của người phụ nữ, nhất là vai trò của phụ nữ lãnh đạo, góp phần bảo đảm bình đẳng giới. ”Để tăng quyền cho phụ nữ các quốc gia ASEAN nói chung và trong thời đại công nghệ số nói riêng, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các thiết chế Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế nhằm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như một giá trị phổ quát, cốt lõi vốn có trên toàn cầu đến mọi thực thể trong khu vực, các quốc gia và cộng đồng xã hội"- bà Ngân chia sẻ.

Và để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "ASEAN cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ. Đó chính là chính sách hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới”.

Được biết, ASEAN đã thông qua Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao năm 2017 về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, triển khai các nỗ lực hợp tác hiệu quả  trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW), Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW), Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC)… như khẳng định mục tiêu xây dựng một Cộng đồng “mọi người đều được tiếp cận công bằng với các cơ hội, đồng thời quyền của phụ nữ được thúc đẩy và bảo vệ” trong khối ASEAN.