Làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam chững lại vì quan hệ Mỹ - Trung “ấm” dần

VietTimes -- Nhu cầu tuyển dụng trong ngành công nghiệp phụ trợ và dây chuyền sản xuất có dấu hiệu chững lại do đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã xuất hiện dấu hiệu nối lại. Tuy nhiên, dự báo trong quý 3/2019, làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc trong các lĩnh vực này đang tiếp tục tái khởi động, vì cuộc đàm phán thương mại xoay chuyển về tình thế ban đầu. 
Nhiều nhà máy sản xuất ở phía Nam nhộn nhịp tuyển số lượng lớn nhân sự.
Nhiều nhà máy sản xuất ở phía Nam nhộn nhịp tuyển số lượng lớn nhân sự.

Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks vừa công bố báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong quý 2/2019.

Trong quý này ghi nhận nhiều thay đổi bởi các sự kiện liên quan đến tác động của các hiệp định thương mại, làn sóng đầu tư từ FDI. 

Theo đánh giá của Navigos Group, làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại vào quý 2, do cạnh tranh chi phí nhân công và đàm phán thương mại của Mỹ - Trung liên tục biến động

Đối với ngành dệt may, da giày, các doanh nghiệp sản xuất phục vụ cho xuất khẩu của Trung Quốc đang chuyển hướng dịch chuyển các đơn hàng sản xuất từ Việt Nam sang các nước khác như Malaysia, Bangladesh, Indonesia,…do chi phí sản xuất cạnh tranh hơn (bao gồm giá nhân công rẻ hơn Việt Nam). Theo đó, doanh số bền vững từ Việt Nam mang lại cho các doanh nghiệp này được đánh giá chỉ vẫn ở dạng “tiềm năng”.  

Tại miền Nam, nhu cầu tuyển dụng trong ngành công nghiệp phụ trợ và dây chuyền sản xuất cũng có dấu hiệu chững lại, do đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã xuất hiện dấu hiệu nối lại. Các công ty lớn của Mỹ trong lĩnh vực vật liệu công nghệ cao cũng đang khảo sát thị trường và tìm hiểu luật pháp Việt Nam cho việc đặt nhà máy tại đây. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức thăm dò vì đang chờ đợi các quyết định cuối cùng từ cuộc đàm phán thương mại.

Nhưng dự báo trong quý 3, làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc trong các lĩnh vực này tiếp tục tái khởi động vì cuộc đàm phán thương mại xoay chuyển về tình thế ban đầu. 

Trước đó, từ quý IV/2018, nhiều công ty FDI mảng công nghiệp điện tử đã có kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tín hiệu mở rộng quy mô được phát đi từ các nhà máy thiết bị điện, điện tử ở Hải Phòng, Bắc Ninh.

Làn sóng dịch chuyển này gồm hai nhóm: các công ty đa quốc gia có nhà máy tại Trung Quốc và các công ty Trung Quốc. 

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao quý I/2019 của Navigos Search mới đây khẳng định, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất.

"Nhiều dự án mới vào Việt Nam dự kiến mở rộng quy mô nhân sự đến gấp đôi, hoặc gấp ba lần trong năm, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp...", báo cáo cho biết.

Các nhà máy từ Trung Quốc dịch chuyển sang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí giám sát và cấp quản lý. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đến khi các công ty hoạt động ổn định. Riêng các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang yêu cầu ứng viên nói được tiếng Hoa.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam quý I/2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 723,2 triệu USD, chiếm 18,9%. Trong tổng nguồn vốn FDI các nước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chính là ngành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất. Điều này góp phần khiến nhu cầu tuyển dụng trong các nhà máy nói chung tăng trong 2 quý đầu năm.