Lần đầu tiên “đăng đàn”, tân Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng nói sẽ làm gì để cứu bãi biển, khắc phục ô nhiễm?

VietTimes -- Sáng 6/11, trong chương trình tiếp xúc cử tri lần thứ 4, ông Tô Văn Hùng - tân Giám đốc Sở TN-MT TP đã trả lời ý kiến cử tri liên quan đến tình trạng ô nhiễm trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Ông Tô Văn Hùng - tân Giám đốc Sở TN-MT trả lời ý kiến cử tri liên quan đến tình trạng ô nhiễm trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Ông Tô Văn Hùng - tân Giám đốc Sở TN-MT trả lời ý kiến cử tri liên quan đến tình trạng ô nhiễm trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Cử tri tiếp tục bức xúc vì ô nhiễm

 Nhiều cử tri bày tỏ bức xúc, quan ngại về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài suốt thời gian qua. Nhất là các điểm nóng như: Âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh Sơn… Cử tri Nguyễn Văn Sáu (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn quá "nóng", đã quá tải sau gần 30 năm hoạt động.

"Bãi rác Khánh Sơn đã quá tải quá lâu và quá bẩn, người dân Khánh Sơn mong muốn thành phố sớm có văn bản chính thức trả lời về việc di dời bãi rác Khánh Sơn. Trong thời gian chưa di dời thì thành phố cần giám sát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm, có giải pháp hạn chế tối đa mùi hôi ảnh hưởng đến người dân" - cử tri Nguyễn Văn Sáu nói.

Cũng theo cử tri này, thành phố cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt để hỗ trợ người dân sống cạnh bãi rác. Hiện nay, thành phố đầu tư nhà máy nước thải quy mô lớn, nhưng cần thường xuyên chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ các thông số thải ra môi trường... 

Cũng liên quan đến ô nhiễm, cử tri Hà Quốc Lân (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng, cần có giải pháp căn cơ đối với tình trạng ô nhiễm của Âu thuyền Thọ Quang khi môi trường nước tại đây luôn hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh cũng như du khách.

Cử tri Hà Quốc Lân (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chất vấn về tình trạng ô nhiễm tại Âu thuyền Thọ Quang
 Cử tri Hà Quốc Lân (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chất vấn về tình trạng ô nhiễm tại Âu thuyền Thọ Quang

Đặc biệt, liên quan đến tình trạng các công xả nước thải chảy ra biển, cử tri Nguyễn Được (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, việc TP chặn cống xả nước thải ra biển là giải pháp nhằm bảo vệ bờ biển, nhưng việc chặn cửa xả đã gây ngập úng cho các hộ dân tại đây. 

“Yêu cầu thành phố có biện pháp giám sát, thống kê thiệt hại của hộ dân tại đây do đóng cửa xả nước ra biển. Đồng thời tiến hành kiện Công ty thoát nước ra tòa vì gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân. Bên cạnh đó, người dân yêu cầu TP có biện pháp căn cơ nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân” - cử tri Nguyễn Được nhấn mạnh.

Tân Giám đốc Sở nói gì?

 Trả lời các ý kiến của cử tri, ông Tô Văn Hùng, tân Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, để giám sát tình trạng thu gom, xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn, tại bãi rác này đã được lắp 2 camera giám sát trực tiếp hoạt động. Hiện đã đã thu hẹp diện tích chôn lấp dưới 2.000m2 như cam kết. Đồng thời quy hoạch vị trí để chôn lấp chất thải công nghiệp cũng như bùn bể phốt phía Tây bãi rác.

Về lâu dài, hiện Sở TN-MT đang tiếp tục khảo sát để phủ bạt và trồng cây xanh cách ly. Sắp tới sẽ có 3 buổi làm việc với chuyên gia nước ngoài tìm cách đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố. Sau khi làm việc, giải pháp sẽ được trình HĐND TP vào cuối năm để thông qua nghị quyết về thu gom rác sinh hoạt, trong đó có đề án phân loại rác sinh hoạt. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ triển khai trên toàn thành phố.

Liên quan đến xử lý nước thải ven biển, ông Tô Văn Hùng cho rằng, trời mưa nước tràn qua cửa xả là tất yếu. Hiện Sở đã chỉ đạo nạo vét và thực hiện được 5.000m3 bùn và đắp đê ngăn chặn cát, rác tràn vào chắn đi cửa xả. Đây cũng là lý do nước chảy ngược lại khu dân cư.

Tình trạng nước thải tấn công bãi biển du lịch Đà Nẵng kéo dài suốt hàng chục năm qua vẫn chưa có giải pháp căn cơ
 Tình trạng nước thải tấn công bãi biển du lịch Đà Nẵng kéo dài suốt hàng chục năm qua vẫn chưa có giải pháp căn cơ

“Hiện khu vực biển phía đông có 20 cửa xả nước thải, khu vực vịnh Đà Nẵng cũng có 20 cửa. Tuy nhiên, kích thước đường ống thu gom không tương xứng, trong khi bình quân mỗi ngày nước thải tại khu vực này xả ra 34.500m3/ngày đêm. Nếu bình thường thì thì đường ống cơ bản đáp ứng được, tuy nhiên khi mưa thì không đáp ứng được.

Để xử lý tình trạng này, thành phố đang có 3 dự án cải thiện xử lý nước thải ven biển. Trước mắt, dự án 1.400 tỷ đồng đang thực hiện các thủ tục, ngoài ra, có 2 dự án khác từ dự án nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới. Những dự án này sẽ được triển khai trong năm 2019 và 2020, tôi tin tình hình sẽ thay đổi. Tuy nhiên, cũng phải cần kiểm soát chặt các nhà hàng kinh doanh ven biển và các cơ sở này cần có ý thức đồng hành cùng TP. Theo thống kê của chúng tôi, hiện có hơn 2.000 cơ sở kinh doanh có đăng ký, nhưng chỉ có 200 cơ sở có giấy phép đấu nối, nên nếu đầu tư hiện đại nhưng rác thải cứ xả xuống cống thì không thể xử lý dứt điểm được" - ông Hùng nói.