Làm thế nào mà một trường vùng cao có thể đào tạo ra kỹ sư CNTT làm việc được ở Hà Nội?

VietTimes – TS Phạm Việt Bình – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học CNTT-TT (ICTU) thuộc Đại học Thái Nguyên đã chia sẻ như vậy với VietTimes khi nói về ICTU thời kỳ “vạn sự khởi đầu nan” khi trường mới thành lập mà tiền thân chỉ là một Khoa trực thuộc Đại học Thái Nguyên vào năm 2001. Đến nay, trường đã có bề dày 18 năm và không hề thua kém các trường có đào tạo CNTT ở Hà Nội.
Khu giảng đường chính của ICTU bên một hồ nước nhân tạo.
Khu giảng đường chính của ICTU bên một hồ nước nhân tạo.

Không thể “rập khuôn” các mô hình khác

Khi mới thành lập Khoa CNTT thuộc Đại học Thái Nguyên năm 2001, với lực lượng giảng viên cơ hữu còn mỏng, TS Phạm Việt Bình cho biết, khoa đã thực hiện liên kết hợp tác với Viện Công nghệ Thông tin (IOIT) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Chính nhờ sự liên kết đó với IOIT, những chuyên gia đầu ngành ở đây đã hỗ trợ tích cực cho Khoa và chỉ sau 5 năm là khoa đã gần như tự chủ được về nhân lực giảng dạy.

TS Phạm Việt Bình cũng cho biết thêm, với đặc thù của một trường vùng cao, việc đào tạo CNTT cũng như nhiều ngành khác là không thể “rập khuôn” các mô hình đào tạo ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… mà phải có triết lý giáo dục riêng. Việc liên kết với một viện nghiên cứu đầu ngành như IOIT cũng là điều tốt nhưng như thế là chưa đủ. Cũng là những chương trình khung về đào tạo như các nơi khác, nhưng với Thái Nguyên thì phải mềm hóa và thiết thực để sinh viên dễ tiếp thu, nhất là sinh viên người dân tộc thiểu số.

Mặc dù 80% sinh viên đã có máy tính xách tay nhưng ICTU vẫn phải duy trì phòng máy tính nhằm phục vụ cho nhóm còn lại, đặc biệt là với các sinh viên người dân tộc thiểu số.
 Mặc dù 80% sinh viên đã có máy tính xách tay nhưng ICTU vẫn phải duy trì phòng máy tính nhằm phục vụ cho nhóm còn lại, đặc biệt là với các sinh viên người dân tộc thiểu số.

Là một địa phương không có nhiều doanh nghiệp CNTT như Hà Nội, TPHCM nhưng đặc thù của CNTT là phải gắn với thực tế và đó cũng là thực tế không mấy thuận lợi mà trường phải vượt qua. TS Đỗ Đình Cường – Phó hiệu trưởng ICTU cho biết, riêng với ngành tự động hóa và điện tử, do có nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở tỉnh nên điều kiện thực tập cho sinh viên là không mấy khó khăn. Tuy nhiên, với các ngành học khác thì trường phải chủ động gửi sinh viên về Hà Nội để đến với các doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel… Đây là một nhiệm vụ mà trường coi là mang tính chiến lược, nhất là trong những năm gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định phải có 1/3 thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp với nhóm ngành CNTT.

Cũng phải kể đến một thực tế là ngày nay Internet tốc độ cao có mặt ở khắp mọi nơi. Chính vì thế, sinh viên không nhất thiết phải về Hà Nội mới có thể tham gia công việc thực tế của doanh nghiệp mà hoàn toàn có thể làm việc qua Internet. Thậm chí, không ít sinh viên đã tìm kiếm được việc làm dưới dạng này (freelancer) từ khi chưa tốt nghiệp.

Không phải là một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội, bà Lê Thị Ngọc Hồng – Giám đốc Công ty Viegrid (chuyên về xử lý ngôn ngữ) đánh giá rất cao năng lực của sinh viên tốt nghiệp ICTU. Theo bà, chính việc không coi thường những thực tế tưởng chừng đơn giản của các bậc thầy ở đây nên sinh viên của ICTU rất vững các kiến thức nền tảng về xử lý ngôn ngữ tự nhiên trước khi phải bước vào những thực tế khó hơn. Hiện tại, Viegrid có 2 nhân viên từng tốt nghiệp ICTU đang làm việc.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên vui mừng sau lễ tốt nghiệp. Ảnh: ICTU.
 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên vui mừng sau lễ tốt nghiệp. Ảnh: ICTU.

Đào tạo cho sinh viên dân tộc thiểu số, một nhiệm vụ chính trị

Theo TS Đỗ Đình Cường, từ khóa 13 đến khóa 17 ICTU đã tuyển hơn 1.000 sinh viên người dân tộc thiểu số. Trong số này có 1 sinh viên đạt học lực xuất sắc, 19 đạt loại giỏi và 187 đạt loại khá. Đa số sinh viên người dân tộc thiểu số đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn so với sinh viên người Kinh. Chính vì vậy, trường không chỉ miễn giảm học phí mà còn giành ra 8% nguồn thu từ học phí để hỗ trợ cho cộng đồng này. Cộng đồng những người làm CNTT ở Việt Nam chắc chắn không thể thiếu người dân tộc thiểu số và bên cạnh những định hướng khác thì sẽ có những việc chỉ có chính họ mới tự làm được cho dân tộc mình.

Nghiên cứu và ứng dụng CNTT cho cộng đồng dân tộc thiểu số cũng là một định hướng của trường. Đó cũng là một phần lý do mà ICTU đưa môn xử lý ngôn ngữ tự nhiên vào chương trình học khá sớm sau khi chính thức trở thành đại học. TS Phùng Trung Nghĩa – một chuyên gia của ICTU đã từng là đề tài về hệ thống rút gọn văn bản, chuyển đổi cú pháp và biểu diễn đồ họa 3D ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam cho biết, anh rất đam mê về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và trong khi chưa tìm được nguồn tài trợ nào để xúc tiến đề tài thì cả thầy và trò đã lao vào phân tích những việc cần làm giữa tiếng Kinh và tiếng các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc và Tây Bắc. Mong muốn của anh là với sự nỗ lực của cả thầy và trò, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ sẽ có sự quan tâm. Những tài trợ của Chính phủ dù không nhiều nhưng chắc chắn sẽ là sự cổ vũ một cách chính thống cho định hướng rất quan trọng này.

Còn em Phạm Minh Thông (người Dao) – sinh viên năm thứ nhất thì cho biết, tuy chưa được học môn xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhưng bản thân em là người thường xuyên dùng Google để dịch các thông tin bằng tiếng Anh cho mình. Qua đó, em cũng phần nào hiểu được cơ chế dịch máy của Google song theo em thì những máy dịch như Google chỉ đầu tư cho các ngôn ngữ có đông người sử dụng trên thế giới. Đó cũng là thiệt thòi cho các dân tộc thiểu số tại nhiều nước trong đó có Việt Nam. Cũng chính vì thực tế đó, mặc dù mới là sinh viên năm đầu nhưng em rất đam mê định hướng này với kỳ vọng sẽ làm được một cái gì đó không chỉ cho quê hương, dân tộc mình trong thời đại 4.0.

Trường Đại học CNTT-TT (ICTU) thuộc Đại học Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập năm 2011 trên cơ sở nâng cấp từ Khoa CNTT của Đại học Thái Nguyên ra đời từ năm 2001. Hiện tại, trường được phép tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu mỗi năm cho 17 chuyên ngành của các lĩnh vực CNTT, điện tử - viễn thông, tự động hóa, kỹ thuật y sinh học, truyền thông đa phương tiện… Không chỉ hợp tác với các đại học trong nước, trường còn có sự hợp tác với một số trường đại học của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Bỉ, Pháp, Úc…