Làm thế nào để doanh nghiệp Việt tránh rủi ro trong mùa COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo cảnh báo từ chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 gây ra gián đoạn trong hoạt động kinh doanh. Quá trình chuyển đổi số chậm có thể đe dọa nhiều doanh nghiệp Việt trong giai đoạn này, thậm chí là phá sản.
Tốc độ chuyển đổi số quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong mùa COVID-19.
Tốc độ chuyển đổi số quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong mùa COVID-19.

Nhận định trên được TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh, Đại học RMIT – đưa ra trong một cuộc phỏng vấn báo chí. Qua đánh giá, ông cho rằng quá trình ứng dụng công nghệ số, hướng tới chuyển đổi số toàn diện là điều tất yếu ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

“Chúng ta đang sống trong thế giới thay đổi nhanh chóng và buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng thay đổi từ khách hàng, nhân viên, đối thủ cạnh tranh, cổ đông và các bên liên quan khác” – TS. Nguyễn Quang Trung khẳng định.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã có mặt hơn 10 năm nay, chủ yếu theo hình thức ứng dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh hiện tại hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình hoạt động và cấu trúc. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế nhận định rằng, phần lớn chuyển đổi số ở doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều dựa trên các giải pháp tình huống.

Dựa theo kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT và KPMG về chuyển đổi số doanh nghiệp tại Việt Nam, chuyên gia nêu đánh giá: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân lớn đang chuyển đổi số tốt, tuy nhiên, xét về năng lực và quản trị, cả nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khởi trên hành trình này”.

TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh, Đại học RMIT.

TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh, Đại học RMIT.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) có lợi thế lớn về chuyển đổi số

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, phần lớn doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch do lượng cung - cầu đều giảm. Thách thức về chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình. Thực tế, doanh nghiệp lớn có nguồn lực để thích ứng và định hướng nhanh hơn, nhưng bộ máy hành chính cồng kềnh đã cản trở đáng kể tốc độ triển khai chuyển đổi số. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi số nhanh hơn vì quy mô nhỏ và đơn giản hơn.

Tuy nhiên, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng nhận ra tiềm năng để nắm bắt cơ hội. Trước đại dịch, hầu hết doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do khả năng quản trị kém, thiếu định hướng, năng lực sáng tạo còn thấp, cạnh tranh cao, khó tiếp cận nguồn vốn, chi phí vận hành doanh nghiệp cao. Do hạn chế về nguồn lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn chuyển đổi số thành công cần định hướng rõ ràng.

“Các doanh nghiệp này nên cân nhắc đến lĩnh vực đang hoạt động, xác định đối thủ cạnh tranh, quy mô doanh nghiệp, ưu tiên của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự quyết tâm và kiên định của cấp lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này” - TS. Nguyễn Quang Trung nêu rõ.

Tốc độ chuyển đổi số quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong mùa COVID-19.

Tốc độ chuyển đổi số quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong mùa COVID-19.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế đưa ra một số gợi ý giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số toàn diện. Đầu tiên, ông cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ lý do chuyển đổi số trong thời điểm hiện tại. Từ đó vạch ra chiến lược cụ thể, đồng thời cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo trong nhân viên.

Tiếp đến, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực chuyển đổi số trong các hoạt động như quản trị doanh nghiệp, chiến lược số hóa, văn hóa doanh nghiệp, công nghệ và bảo mật, phân tích dữ liệu… Khi vận hành mô hình kinh doanh dưới lăng kính công nghệ - kỹ thuật số, lãnh đạo nên ưu tiên hiệu chỉnh văn hóa doanh nghiệp, xác lập rõ mục tiêu và định hướng. Theo đó, công tác quản trị rủi ro, an ninh dữ liệu và nhân lực số cũng là các vấn đề cần được chú ý. Quan trọng nhất, chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình chuyển đổi số phải thực hiện ngay lập tức.

“Đừng đẩy mình vào vị trí của những doanh nghiệp lớn đã trì hoãn quá trình chuyển đổi số như Sears, Kodak, Nokia và Yahoo. Việc chậm thay đổi trong giai đoạn hiện nay sẽ có thể tác động nặng nề đến doanh nghiệp còn hơn tác động của COVID-19” – ông Trung nhấn mạnh.

Chuyên gia nhận định, chuyển đổi số không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh mới, mà còn là cơ hội để cải thiện nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quá trình vận hành. Ngoài hành động mạnh mẽ, thần tốc, doanh nghiệp cần xác định các yếu tố tác động ngắn hạn và dài hạn, từ đó xây dựng chiến lược chuyển đổi số bền vững, giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch.