Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước những hiểm họa trên Internet?

VietTimes – Internet là một môi trường giúp mọi người có thể liên kết, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, nhưng nó cũng là một cạm bẫy rất đáng sợ đối với trẻ em. Vậy chúng ta nên làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hiểm rình rập trên Internet? Liệu đây có phải là công việc của các bậc cha mẹ, hay là nhiệm vụ chung của toàn xã hội?
Trẻ em cần được bảo vệ để tránh các hiểm họa trên Internet (ảnh MSD)
Trẻ em cần được bảo vệ để tránh các hiểm họa trên Internet (ảnh MSD)

Đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, ở bất kỳ thời kỳ nào, trẻ em luôn được coi là nhân tố quan trọng góp phần quyết định đến tương lai của đất nước. Trong phạm vi hẹp là gia đình, thì vị trí trẻ em không chỉ đơn thuần là đóng góp về mặt tình cảm, đem đến nụ cười, niềm vui... mà trẻ em còn được coi như thước đo của sự bền vững, mức độ thành công trong việc chuyển giao thế hệ.

Người Việt Nam thường có truyền thống yêu thương gắn bó với con cháu. Con trẻ không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là nơi gửi gắm những ước mơ, niềm tin, sự hãnh diện. Trong khía cạnh pháp luật, Việt Nam cũng nhất quán trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền trẻ em. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng Internet đã đặt ra một vấn đề mới, đó là cần phải bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại từ Internet.

Cứ 400 trẻ thì có 78% được tiếp xúc với Internet

Theo thống kê của InternetLiveStats, hiện nay dân số thế giới có 7,5 tỷ người, trong đó số người sử dụng Internet là 3,7 tỷ, chiếm 49,7%. Ở Việt Nam, số người sử dụng Internet là 49 triệu người, xếp thứ 13 trên thế giới. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội thì tại Việt Nam cứ 400 trẻ em thì có 78% trẻ có sử dụng Internet.

Việc tiếp cận với Internet giờ đây rất đơn giản, chỉ cần có một chiếc smartphone và một kết nối Wi-Fi là trẻ em có thể truy cập Internet. Vậy trẻ em thường lên mạng để làm gì? Những trẻ em nhỏ tuổi thường xem phim hoạt hình, clip ca nhạc thiếu nhi. Trẻ lớn tuổi hơn thì vào các trang game online, mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, và thậm chí một số trẻ cá biệt có thể vào các trang web đen.

 Khảo sát nhanh của Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho thấy trẻ em Việt Nam ở các thành thị được tiếp xúc với Internet từ rất sớm

Trẻ gặp nguy hiểm gì khi lên mạng?

Trên mạng có rất nhiều trang web độc hại, có nội dung xấu ảnh hưởng cực kỳ không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Đơn cử như trường hợp gần đây cơ quan quản lý đã phát hiện ra một kênh YouTube do một đơn vị của Việt Nam lập ra, họ đã sản xuất các video clips có nhân vật Spiderman và Elsa – vốn là các nhân vật hoạt hình dành cho trẻ em nhưng lại có những hành động của người lớn rất phản cảm. Vì đây là các nhân vật hoạt hình của trẻ em nên chắc rất nhiều đứa trẻ đã xem đi xem lại các clip này.

Trẻ em đang ở trong lứa tuổi đi học nên sau giờ học các em có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Hiện nay nhiều em đã được bố mẹ trang bị cho một chiếc smartphone để tiện liên lạc. Đây cũng chính là công cụ để các em truy cập Internet. Lứa tuổi này có bản tính rất tò mò, muốn khám phá nhiều thứ, trong khi bố mẹ lại phải đi làm, không có thời gian để quản lý các em. Việc truy cập vào các trang web độc hại sẽ khiến các em sao nhãng học hành, hoặc trở nên nghiện máy tính, nghiện Facebook.

Chính vì trẻ em là đối tượng có nhiều thời gian nhàn rỗi nên các kênh YouTube hướng tới đối tượng trẻ em thường thu hút rất nhiều lượt xem. Chẳng hạn như kênh Thơ Nguyễn đang có 1,4 triệu người đăng ký, mỗi video do kênh này sản xuất có trung bình 1-2 triệu lượt xem. Hay như YouTuber Nguyễn Thành Nam có 3 kênh riêng với số lượng người đăng ký cũng lên đến gần 2 triệu. Nếu những YouTuber này làm các video lành mạnh thì không sao, nhưng nếu các video có nội dung xấu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Chính YouTuber Nguyễn Thành Nam đã từng bị công an triệu tập vì làm một video giả khủng bố IS đi đặt bom tại các địa điểm công cộng.

Ngoài việc bị tiêm nhiễm bởi các nội dung độc hại, trẻ em còn có thể bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi kết bạn trên mạng xã hội. Đã có rất nhiều trường hợp các em gái bị lừa bán sang bên kia biên giới hoặc bị xâm hại tình dục sau khi kết bạn với đối tượng xấu trên mạng xã hội. Trên thế giới, 15 trẻ đã tự tử khi lên mạng xã hội tham gia vào trò chơi “Cá voi xanh” (Trò chơi khuyến khích các thành viên tự gây đau đớn cho cơ thể và ở mức độ cao nhất là tự sát). Ngoài ra, khi tham gia mạng xã hội, các em cũng có thể trở thành đối tượng bị "bắt nạt" trên mạng xã hội. Đã có trường hợp một em gái đã tìm đến cái chết khi bị ghép ảnh làm nhục trên Facebook.

(ông Ngô Việt Khôi - Chuyên gia CNTT trả lời phỏng vấn VietTimes về các mối nguy hại trên Internet đối với trẻ em)

Trẻ em cũng có thể trở thành đối tượng bị hacker, virus tấn công khi vào các trang web để tải ứng dụng hoặc trò chơi. Từ đó, thiết bị do các em sử dụng lại trở thành nguồn lây nhiễm mã độc cho bạn bè và thành viên trong gia đình.

Khi trẻ em trở nên nghiện Facebook hoặc nghiện trò chơi online thì mối nguy hại thấy rõ là hại sức khỏe. Nguy cơ lớn hơn là sao nhãng học hành, thậm chí có thể đánh cắp tiền của bố mẹ để ra quán Internet chơi game. Trẻ em rất dễ bị lộ thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ khi nói chuyện trên mạng xã hội. Những thông tin này rơi vào tay kẻ xấu sẽ khiến các em bị quấy rối hoặc bắt nạt, "ném đá", thậm chí là bị hãm hại.

Chúng ta phải làm gì để “cứu” trẻ em khỏi các hiểm họa trên Internet?
Cha mẹ là người gần gũi nhất với con cái. Cha mẹ sẽ là nhân tố đầu tiên để hướng dẫn, bảo vệ con. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ lại không thông thạo về máy tính, về Internet nên sẽ không thể hướng dẫn cho con cái cách thức bảo vệ mình trước những hiểm họa trên mạng Internet. Chính vì thế, các bậc cha mẹ cần phải được nâng cao nhận thức, cũng như trang bị cho mình những kỹ năng tối thiểu về Internet. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ có thể lên mạng học cách cài đặt ứng dụng YouTube Kids để con trẻ không bị tiêm nhiễm các nội dung độc hại khi xem YouTube.
Trong một tài liệu của Safekids.com, người ta đã hướng dẫn các bậc cha mẹ thực hiện như sau:
- Cha mẹ cần biết được tất cả các dịch vụ và trang web mà con truy cập. Nếu như cha mẹ không biết cách sử dụng, cha mẹ hãy nhờ con chỉ cho biết.
- Cha mẹ cần đặt ra những quy tắc và hướng dẫn sử dụng máy vi tính hợp lý cho các con. Cùng thống nhất các quy tắc và treo chúng ở gần vị trí đặt máy vi tính như một lời nhắc nhở. Cha mẹ cũng sẽ theo dõi việc tuân thủ các quy tắc của các con, đặc biệt là khi các con dành quá nhiều thời gian vào máy vi tính.
- Cha mẹ sẽ không phản ứng thái quá nếu con nói về vấn đề mà con gặp trên mạng Internet. Cha mẹ sẽ cùng con cố gắng giải quyết vấn đề và tránh để nó xảy ra một lần nữa.
- Cha mẹ hứa sẽ không sử dụng máy vi tính hay mạng Internet như một người máy trông trẻ.
- Cha mẹ sẽ biến mạng Internet thành một hoạt động gia đình và nhờ các con sử dụng mạng Internet để lên kế hoạch cho các sự kiện gia đình.
- Cha mẹ cần cố gắng tìm hiểu về những người bạn trên mạng của các con để biết bạn bè của con là những ai.
(ông Ysrael C. Diloy, chuyên gia Phillipines chia sẻ về kinh nghiệm của nước này trong việc giúp trẻ em ngăn chặn các hiểm họa trên Internet)
Tuy nhiên, một mình cha mẹ thì cũng không thể nào kiểm soát và ngăn chặn được những hiểm họa trên Internet. Đây là một công việc cần có sự phối hợp của nhiều bên, bao gồm nhà nước, phụ huynh, nhà trường và thầy cô giáo, các công ty giải pháp mạng, các tổ chức xã hội, và cả cộng đồng. Nhà nước và các tổ chức xã hội cần có các chương trình nghiên cứu, hội thảo tập huấn về phòng chống xâm hại trẻ em cũng như phổ biến rộng khắp cho toàn thể cộng đồng. Nhà trường cần đưa các chương trình giáo dục về các mối nguy hại trên Internet vào giảng dạy, cũng như tổ chức các trò chơi, bài test để học sinh hiểu rõ những nguy cơ ở lứa tuổi của mình. Hơn ai hết, chính các em sẽ nhận thức và điều chỉnh hành vi cho phù hợp nếu nhận được sự trợ giúp hữu ích từ cộng đồng. 
Chia sẻ kinh nghiệm của Phillipines trong vấn đề này, ông Ysrael C. Diloy, chuyên gia tổ chức Stairway Foundation nói rằng, cách đây 10 năm vấn đề đặt ra với trẻ em Phillipines cũng giống hệt như vấn đề đặt ra với trẻ em Việt Nam hiện tại. Ông Diloy đã vận động để Bộ giáo dục Phillipines đưa chương trình giảng dạy về "An toàn mạng" vào các trường học. Ông cùng các cộng sự đã xây dựng một cuốn cẩm nang về An toàn mạng cho trẻ em.
Ông Diloy khuyến cáo khi Việt Nam đưa chương trình an toàn mạng vào giảng dạy, khi đề cập đến các vấn đề như bắt nạt trên mạng hoặc bị xâm hại, cần có sự tham gia của chính trẻ em và có cơ chế nhận phản hồi và xử lý các vấn đề của các em. Nếu không có khung chuẩn thì mỗi nơi sẽ có một cách xử lý khác nhau, không nhất quán. 
Như vậy, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải là việc của riêng mỗi gia đình mà cần có sự tham gia của toàn xã hội, để trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường lành mạnh, sau này trở thành những công dân tốt, đóng góp được nhiều hơn cho cộng đồng, cho xã hội.