Làm sao để vẫn ở ngân hàng và vẫn làm doanh nghiệp?

VietTimes -- Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, mục đích của việc bổ sung quy định các sếp ngân hàng không kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác là để hạn chế lạm dụng quyền nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường và tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội thông qua đang buộc nhiều lãnh đạo ngân hàng phải đứng trước lựa chọn: hoặc làm “sếp” tổ chức tín dụng hoặc làm “sếp” doanh nghiệp.

Vì luật chỉ quy định: “Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”

Nên có thể hiểu rằng: Phó Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT của các tổ chức tín dụng sẽ không bị giới hạn về việc nắm giữ chức vụ, họ vẫn được phép giữ trọng trách tại các doanh nghiệp ngoài ngân hàng.

Có nghĩa những trường hợp như của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ không thuộc diện phải điều chỉnh. Bà Thảo vẫn có thể đồng thời đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank), song song với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Viet Jet (Vietjet Air). Tương tự là trường hợp một cộng sự của bà Thảo, ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc điều hành, Thành viên HĐQT Vietjet Air, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT HDBank.

Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Kiều Hữu Dũng hẳn cũng không phải băn khoăn như người kế nhiệm Dương Công Minh trong việc lựa chọn nên làm Chủ tịch ngân hàng hay doanh nghiệp (Sacombank hay Him Lam). Bên cạnh việc tiếp tục đảm nhận một vị trí chủ chốt tại Sacombank là Phó Chủ tịch HĐQT, ông Dũng vẫn có thể thoải mái giữ cương vị tại các doanh nghiệp bất động sản của mình, như Chủ tịch HĐQT CTCP Khu du lịch Champarama, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì, Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Bắc Thủ Đô, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư INB,... và bất kể doanh nghiệp nào nếu muốn.

Thật ra, những trường hợp như bà Thảo, ông Khánh, ông Dũng không hề hiếm trong giới lãnh đạo nhà băng. Và thực tế cho thấy, không phải cứ trực tiếp nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT mới là người có thực quyền tại ngân hàng. Trong quá khứ, những nhà tài phiệt quyền uy một thời như Nguyễn Đức Kiên (nguyên thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB)), Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Southern Bank, Sacombank) đâu có làm Chủ tịch HĐQT ACB, Southern Bank, Sacombank - mà vẫn là những người “thét ra lửa” tại các nhà băng này.

Nói thế để thấy rằng, bên cạnh giải pháp cứng là từ nhiệm khỏi các vị trí trong ban lãnh đạo của các doanh nghiệp ngoài ngân hàng, các ông/bà Chủ tịch nhà băng hoàn toàn có thể tìm đến những giải pháp linh hoạt hơn. Chẳng hạn như rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn giữ quyền lực trong ban quản trị ngân hàng, gián tiếp “nhiếp chính” thông qua những vị trí thấp hơn như Phó Chủ tịch HĐQT thường trực, Phó Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, thậm chí là sáng lập nên những chức danh như Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng cố vấn…

Tất nhiên, cũng có những doanh nhân yêu thích ngành ngân hàng, muốn toàn tâm toàn ý phụng sự ngân hàng mà mình gắn bó. Họ sẵn sàng từ chức và kể cả từ bỏ các doanh nghiệp ngoài ngân hàng, vừa để thoải mái tập trung cho ngân hàng và loại bỏ những rủi ro có thể có, tránh những điều tiếng về “sân sau”, “sân trước”,…

Nhìn từ trường hợp NCB

Sở dĩ đề cập đến trường hợp của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) là bởi vì đây chính là nhà băng có sự chuyển giao lãnh đạo gần nhất với ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được thông qua. Chính xác là mười ngày trước khi dự luật này chính thức được thông qua, NCB bất ngờ có sự thay đổi trên cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng.

Chưa thể khẳng định rằng việc thay đổi ở NCB có chịu tác động từ dự luật trên hay không nhưng với một ngân hàng, luôn có đội ngũ pháp chế chuyên nghiệp và cẩn trọng, khó có thể nói rằng NCB không tiên liệu trước về những quy định mới đối với chức danh của lãnh đạo ngân hàng. Được biết, khi xây dựng dự án luật, NHNN và ban soạn thảo đã tổ chức nhiều tọa đàm khoa học, tham khảo ý kiến đóng góp từ nhiều thành viên hệ thống.

Trở lại với thay đổi nhân sự ở NCB, ngày 10/11/2017, Hội đồng quản trị NCB chính thức ban hành Nghị quyết số 46/2017/NQ-HĐQT, thông qua miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và người đại diện trước pháp luật của NCB đối với bà Trần Hải Anh. “Bà Trần Hải Anh tiếp tục đảm trách nhiệm vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 và các nhiệm vụ khác theo phân công của HĐQT NCB”, Nghị quyết nêu rõ.

Để thay thế cho vị trí của bà Anh, HĐQT NCB đã thông qua việc bầu ông Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1966, giữ chức Chủ tịch HĐQT và là người đại diện trước pháp luật của Ngân hàng NCB.

Nên biết, ông Nguyễn Tiến Dũng mới chỉ được bầu tham gia HĐQT NCB tại đại hội đồng cổ đông diễn ra trước đó một hôm (09/11/2017). Tại đại hội này – lưu ý là đại hội cổ đông bất thường, được tổ chức với mục đích duy nhất là kiện toàn hội đồng quản trị - ông Dũng cùng hai người mới, là ông Trần Kim Chung và ông Vũ Mạnh Tiến, đã được bầu bổ sung tham gia HĐQT NCB nhiệm kỳ 2015 – 2020. Việc bầu tới 3 thành viên mới, trong khi chỉ miễn nhiệm duy nhất ông Nguyễn Tuấn Hải, đã nâng quy mô HĐQT NCB lên con số 7 thành viên – nội dung này cũng đã được thông qua tại đại hội.

Là một công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhưng đáng chú ý, đại hội cổ đông bất thường nêu trên của NCB chỉ có sự tham dự của 16 cổ đông và đại diện cổ đông. Tuy nhiên, 16 cổ đông này lại sở hữu tới 249,3 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 83,75% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội.

Qua đó, có thể thấy NCB là một công ty niêm yết nhưng cơ cấu sở hữu NCB là rất cô đặc.

Từ sau khi đổi sang thương hiệu Ngân hàng Quốc dân - NCB (trước đây là Ngân hàng Nam Việt - Navibank), NCB hầu như không công bố về cơ cấu sở hữu, mặc cho một số kênh vẫn nói rằng, sau sự rút lui của nhóm Đặng Thành Tâm, thì nhóm Gami (Tập đoàn Gami – Gami Group) đã thay thế, chi phối phần lớn cổ phần NCB.

Thật ra thông tin trên không phải là không có cơ sở, nếu nhìn vào các cái tên trong hội đồng quản trị NCB. Bắt đầu bằng ông Vũ Hồng Nam – Phó Chủ tịch HĐQT Gami Group, người đầu tiên của nhóm Gami tham gia HĐQT Navibank, thay thế việc từ nhiệm của ông Đặng Thành Tâm và các cộng sự; Đến nay, trong số 6 thành viên HĐQT NCB (không tính Thành viên HĐQT độc lập Lê Xuân Nghĩa) thì ngoài ông Vũ Hồng Nam, còn có nhiều cái tên “thân” Gami khác, ít nhất có thể kể đến ông Nguyễn Tiến Dũng và bà Trần Hải Anh.

Ông Nguyễn Tiến Dũng từng được biết đến rộng rãi trong vai trò người sáng nghiệp Gami Group và nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch Tập đoàn này, trong khi bà Trần Hải Anh là phu nhân của ông. Ba thành viên còn lại trong HĐQT NCB – là bà Nguyễn Thị Mai, ông Trần Kim Chung và ông Vũ Mạnh Tiến – cũng không loại trừ khả năng có thể đại diện cho cổ phần của nhóm “thân” Gami. Về mặt lý thuyết, mỗi thành viên Hội đồng quản trị sẽ đại diện cho một nhóm cổ phần, nên với sự hiện diện của hàng loạt cái tên trong HĐQT NCB, phần nào phản ánh mức độ ảnh hưởng và chi phối của nhóm “thân” Gami tại NCB.

Chọn làm “sếp” ngân hàng?

Sự lộ diện của người sáng nghiệp Gami Group trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại NCB hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Bất kể việc công chúng không ít lần râm ran về vai trò của vị tiến sỹ vật lý lý thuyết này tại NCB và dù nhiều người từng chứng kiến sự hiện diện của ông Dũng tại các sự kiện hay đại hội cổ đông của ngân hàng.

Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vừa mới được thông qua, bên cạnh việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như quy định trước đây, luật còn bổ sung thêm một quy định cứng đối với thành viên HĐQT ngân hàng, đó là: “Có ít nhất 03 năm là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại các bộ phận nghiệp vụ về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.”

Cũng như tập đoàn của mình, cá nhân ông Dũng khá kín đáo trong quan hệ với NCB. Chức vụ nổi bật nhất của doanh nhân này tại NCB, là Trưởng Ban Chiến lược và Phát triển ngân hàng, một bộ phận “âm thầm” và không thuộc diện phải công bố thông tin. Công tác quản trị NCB, về mặt giấy tờ, do vợ ông – bà Trần Hải Anh, Chủ tịch HĐQT NCB – phụ trách. Cũng có người ví von Ban Chiến lược và Phát triển ngân hàng của NCB với Hội đồng sáng lập Ngân hàng NCB thời “bầu” Kiên, nhưng sự so sánh này e rằng còn nhiều điểm khiên cưỡng.

Được biết, tân Tổng giám đốc NCB Lê Hồng Phương, trước khi chính thức tham gia Ban điều hành NCB cũng có một thời gian trưởng thành qua chức vụ Phó Trưởng ban Chiến lược & Phát triển Ngân hàng, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị NCB.

Kể lại để thấy rằng, quyết định lộ diện của ông Nguyễn Tiến Dũng trên cương vị Chủ tịch HĐQT NCB có thể bất ngờ với phần đông công chúng nhưng với NCB và cá nhân ông Dũng, hẳn nó đã được cân nhắc và tính toán thấu đáo. Chấp nhận lộ diện và trở thành Chủ tịch NCB, ông Dũng trở thành Chủ tịch mới nhất trọng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tất nhiên, với quy định mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, hẳn ông Dũng sẽ lựa chọn “buông” các vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp để giữ “ghế” vừa được bầu tại ngân hàng NCB.

Chưa rõ đến thời điểm này, ông Nguyễn Tiến Dũng có còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Gami Group nữa hay không nhưng theo tìm hiểu, tập đoàn này cũng vừa có sự điều chỉnh quan trọng tại thượng tầng. Theo đó, hạ tuần tháng 8/2017, một người thân của ông Dũng là bà Tạ Thị Tú Trinh đã từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Gami Group để nhường lại cho một nhân sự mới, là ông Vũ Nhật Lâm (SN: 1974).

Câu chuyện về NCB và ông Nguyễn Tiến Dũng cũng là đặc trưng phổ biến của hầu hết của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Thực tế, rất khó có thể chỉ ra một ngân hàng nào mà không được hình thành từ nền tảng của một doanh nghiệp lõi, được chi phối bởi một nhóm cổ đông có liên quan tới nhóm doanh nghiệp lõi này, cũng như rất khó chỉ ra những sếp ngân hàng chỉ thuần làm công việc của ngân hàng.

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, mục đích của việc bổ sung quy định các sếp ngân hàng không kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác là để hạn chế lạm dụng quyền nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường và tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ông Hưng đánh giá đó là nội dung bổ sung rất quan trọng để ngăn ngừa việc thao túng, đảm bảo minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Đúng như đánh giá của Thống đốc Hưng, việc cấp tín dụng thiếu kiểm soát cho các doanh nghiệp thân hữu của các lãnh đạo ngân hàng đã từng tạo ra rất nhiều rủi ro, đe dọa tính bền vững trong hoạt động của chính ngân hàng và an toàn hệ thống.

Bản thân ngân hàng Navibank trước đây, có rất nhiều khoản cấp tín dụng – lên tới cả nghìn tỷ đồng – đã được giải ngân cho nhóm doanh nghiệp có liên quan tới các lãnh đạo của ngân hàng, các khoản đầu tư và cấp tín dụng này, đến nay vẫn chưa thể tất toán. Dù đã “đổi chủ”, nhưng chủ mới và NCB đã phải đảo nợ và tìm nhiều giải pháp xử lý cho các khoản nợ mang tính thân hữu này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khoản cho vay được giải ngân cho nhóm các doanh nghiệp có liên quan tới Gami Group./.

Đón đọc...