Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:

“Làm những điều người khác đã làm, cho dù xuất sắc cũng chưa chắc thành công“

VietTimes – "Sử dụng chính tiềm lực nước nhà sẽ giải quyết tối ưu bài toán văn hóa trong chuyển đổi số. Nếu làm những điều người khác đã làm, cho dù xuất sắc thì chưa chắc đã thành công".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm tại sự kiện Gặp gỡ ICT 2020. (ảnh: Đăng Khoa)
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm tại sự kiện Gặp gỡ ICT 2020. (ảnh: Đăng Khoa)

Trong khuôn khổ sự kiện Gặp gỡ ICT 2020 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu một số vấn đề liên quan đến Đề án Chuyến đổi số Quốc gia, trong đó nhấn mạnh về vai trò toàn dân trong cuộc CMCN 4.0.

COVID-19 là “cú hích” lớn cho ngành CNTT trong nước

Có thể nói, dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đây chính là cơ hội “trăm năm” khi Việt Nam có một số lợi thế về công nghệ thông tin. Với tiềm năng lớn khi có nhiều doanh nghiệp công nghệ đang phát triển, khủng hoảng do đại dịch gây ra chính là thời điểm thích hợp để sử dụng nguồn lực này.

“Chuyển đổi số ở mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào yếu tố văn hóa, vậy nên sử dụng chính tiềm lực nước nhà sẽ giải quyết tối ưu bài toán văn hóa đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.

Dẫn chứng về những bước tiến của công nghệ Việt Nam giữa đại dịch COVID-19, Bộ trưởng đánh giá cao những ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ ngành vào mọi lĩnh vực. Cụ thể, ngành y tế có các mô hình tư vấn từ xa nhằm giảm tải cho các tuyến trên, hội chẩn chuyên môn trực tuyến, khai báo y tế điện tử. Lĩnh vực giáo dục áp dụng hình thức học online, học sinh được tiếp cận với những tiện ích công nghệ để không bị gián đoạn quá trình học tập.

Cách mạng toàn dân ắt sẽ thắng

Bên cạnh quan điểm Chuyển đổi số là phải thay đổi nhận thức của người lãnh đạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng xây dựng chính quyền số nên bắt đầu từ đáy, tức là từ những yếu tố nhỏ nhất, bắt đầu từ cấp xã, sau đó lên cấp huyện, thành phố. Theo Bộ trưởng, mọi vấn đề đều phát sinh từ trong nhân dân, vì thế giải quyết được từng bài toán nhỏ nhất sẽ đem lại giá trị lớn, gần với thực tế cuộc sống.

Đề án Chuyển đổi số Quốc gia đề cập đến một cách chuyển đổi số rất nhanh, đó là sử dụng nền tảng. Một nền tảng có thể giải quyết bài toán cho hàng triệu người và doanh nghiệp, nhưng lại đặt ra thách thức lớn về lưu trữ dữ liệu. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT đã ra mắt một số nền tảng thuần Việt và bước đầu cho những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu bản chất của chuyển đổi số. Bộ trưởng đề xuất, truyền thông phải làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương đề ra các phương án chiến lược, hướng đến chuyển đổi số toàn dân.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng xây dựng chính quyền số nên bắt đầu từ đáy, tức là từ những yếu tố nhỏ nhất, bắt đầu từ cấp xã, sau đó lên cấp huyện, thành phố (ảnh: Đăng Khoa)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng xây dựng chính quyền số nên bắt đầu từ đáy, tức là từ những yếu tố nhỏ nhất, bắt đầu từ cấp xã, sau đó lên cấp huyện, thành phố (ảnh: Đăng Khoa)

Bộ trưởng nhận định, chuyển đổi số còn liên quan nhiều đến tính sáng tạo, vì thế cần tăng cường đối thoại giữa những người có nhu cầu và đơn vị phát triển sản phẩm, giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng để tìm ra “bài toán” mới. 

“Nếu làm những điều người khác đã làm, cho dù xuất sắc thì chưa chắc đã thành công. Còn đối với những vấn đề mới, sản phẩm mới mặc dù còn thô nhưng thông qua quá trình giải quyết sẽ dần trở nên hoàn thiện” - Bộ trưởng khẳng định.

Chính vì vậy, xã hội cùng chung tay, quyết liệt trong chiến dịch chuyển đổi số sẽ góp phần tích cực đưa Việt Nam phát triển và vươn tầm ra thế giới.