Lại thêm một em bé bị chó nhà nuôi tấn công

VietTimes -- Chiều 23/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết đã tiếp nhận và chữa trị cho bệnh nhi T.H.K (4 tuổi, quê Hà Nam) bị chó nhà tấn công. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, Bệnh viện đã cấp cứu cho 2 trường hợp trẻ bị chó nhà tấn công.
Một trường hợp trẻ em bị thương nặng do chó nhà tấn công
Một trường hợp trẻ em bị thương nặng do chó nhà tấn công

Bệnh nhi K. nhập viện trong tình trạng trên mặt bị thương nặng. May mắn, vết thương không ảnh hưởng đến gân cơ, thần kinh và các tuyến nước bọt. Theo người nhà của K., “thủ phạm” tấn công cháu gây thương tích nặng nề là con chó mới đẻ của nhà nuôi. Đáng lưu ý, con chó này chưa được tiêm phòng dại.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, K. được các bác sĩ xử trí vết thương rồi tiêm phòng dại. Đến nay, sức khỏe của K. đã ổn định, bé sẽ được ra viện trong vài ngày tới.

Trước đó chưa đầy 1 tuần, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận một bé trai 7 tuổi quê ở Thái Nguyên bị con chó pitbull của nhà nuôi cắn trọng thương. Tuy nhiên, khi tới Bệnh viện, tình trạng của em bé đã quá nguy kịch, cơ thể chằng chịt những vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ngực, hai cánh tay, tầng sinh môn… nên dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức để cấp cứu và hồi sức tích cực cho, bé không qua khỏi. 

Đầu tháng 4/2019, tại Hưng Yên, một bé trai 7 tuổi bị đàn chó khoảng chục con hung hãn tấn công khiến bé thiệt mạng.

Giữa tháng 3, Bệnh viện này cũng chữa trị cho cháu bé Vũ Đức D. 9 tuổi, người dân tộc Nùng, quê ở Yên Bái, mắc bại não từ nhỏ, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. D. bị đàn chó 4 con lao vào cắn xé mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật gần như cụt.

Bên cạnh đó, theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 10 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các trường hợp bệnh nhi bị chó nhà cắn thương tích nặng nề phải nhập viện, bác sĩ Trần Thị Thanh Hồng - Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh từng phải thốt lên: “Kinh hoàng!”.

Một trường hợp bệnh nhi bị chó cắn điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Một trường hợp bệnh nhi bị chó cắn điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Chị chia sẻ, “tôi tâm sự với nỗi day dứt, muốn gửi lời nhắc nhở đến những gia đình có con nhỏ: Hãy biết bảo vệ con mình trước những mối nguy hiểm ngay trong chính ngôi nhà bình yên của mình. Những con thú cưng đã bỗng chốc trở thành mối nguy hiểm, đe dọa, gây ra những nỗi đau và có thể cả mất mát mà không bao giờ lấy lại được”.

Các bác sĩ cảnh báo, chó tuy là vật nuôi trong nhà rất gần gũi nhưng cần phải đề phòng vì có thể trẻ nhỏ trêu đùa khiến loài vật này giận dữ sẽ bị cắn dẫn đến thương tích.

Để tránh tai nạn do chó cắn, người nuôi chó nên nhốt hoặc xích chó lại, không thả chạy rông trong nhà hoặc đeo mõm chó lại trước khi cho tiếp xúc với người xung quanh. Đặc biệt, người lớn không nên để trẻ một mình tiếp xúc với chó, mèo. Trẻ nhỏ hiếu động nên tránh tiếp xúc với chó trong phạm vi quá gần để tránh nguy hiểm.

Bên cạnh đó, gia đình cần lưu ý đưa chó đi tiêm phòng dại định kỳ nhằm đảm bảo an toàn cho người xung quanh.