Lai lịch bí ẩn của đội lính đánh thuê ám sát Tổng thống Haiti

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sự tham gia của các tay súng Colombia trong nhóm sát thủ đoạt mạng Tổng thống Haiti đã đặt ra nhiều nghi vấn về vai trò của lực lượng lính đánh thuê.

Haiti bắt hàng loạt nghi phạm vụ ám sát tổng thống

2 nghi phạm trong vụ ám sát Tổng thống Haiti được đưa ra trình diện trước truyền thông tại trụ sở cảnh sát hôm 8/7 (Ảnh: Sputnik).
2 nghi phạm trong vụ ám sát Tổng thống Haiti được đưa ra trình diện trước truyền thông tại trụ sở cảnh sát hôm 8/7 (Ảnh: Sputnik).

Ít nhất 17 cựu thành viên của quân đội Colombia nằm trong số những nghi phạm trong vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise hôm 7/7. Ông Moise thiệt mạng sau khi trúng đạn của một nhóm lính đánh thuê nước ngoài.

Bộ trưởng Quốc phòng Colombia, Diego Molano, cho biết ít nhất 6 thành viên của đội sát thủ là cựu binh Colombia và ông đã ra lệnh cho quân đội cũng như cảnh sát hỗ trợ cuộc điều tra về vụ ám sát tổng thống Haiti.

Tại cuộc họp báo ở Bogota, Colombia ngày 9/7, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Colombia, tướng Jorge Luis Vargas Valencia, tiết lộ việc "tuyển mộ, tập hợp các thành viên'' trong nhóm biệt kích ám sát Tổng thống Moise đã được thực hiện bởi 4 công ty khác nhau. Các đối tượng này được đưa sang Haiti chỉ vài ngày hoặc vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát.

Cho đến nay chưa có nghi phạm Colombia nào được tiết lộ danh tính, nhưng tướng Vargas nói rằng 2 trong số các nghi phạm đã từ Panama và Dominica tới Haiti, và nhóm thứ hai gồm 11 người đã đến Haiti vào ngày 4/7, cũng từ Dominica.

Trong số các nghi phạm Colombia bị cảnh sát Haiti bắt giữ hoặc tiêu diệt, nhiều người là cựu binh của quân đội Colombia, từ cấp trung tá đến binh sĩ, và đã rời quân đội trong 3 năm qua.

Thường được đào tạo bài bản trong các chương trình hợp tác với Mỹ, binh sĩ Colombia được các công ty an ninh tư nhân tuyển dụng và trở thành lính đánh thuê.

Đoạn video ghi lại cảnh nhóm biệt kích tập kết bên ngoài nhà của Tổng thống Moise ngay trước khi ông bị bắn chết cho thấy, những tay súng đã nói với các lính gác bên ngoài nhà tổng thống rằng, họ là đặc vụ của Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) - cơ quan thực thi pháp luật liên bang hợp tác với chính phủ Colombia để chống lại các hoạt động buôn bán ma túy. Là lực lượng cảnh sát được quân sự hóa cao, DEA cũng làm việc với Đặc nhiệm Mỹ để đào tạo cảnh sát Colombia.

Edmond Boccit, Đại sứ Haiti tại Mỹ, đã bác bỏ thông tin cho rằng đặc vụ DEA có liên quan tới vụ ám sát. Đại sứ Haiti khẳng định những kẻ tấn công "chỉ muốn che đậy hành động khủng khiếp". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phủ nhận thông tin này.

"Thị trường" lính đánh thuê

Các nghi phạm và vũ khí bị tịch thu trong vụ ám sát Tổng thống Haiti (Ảnh: Sputnik).
Các nghi phạm và vũ khí bị tịch thu trong vụ ám sát Tổng thống Haiti (Ảnh: Sputnik).

Vụ ám sát đã đẩy Haiti chìm sâu hơn vào tình trạng hỗn loạn chính trị trong bối cảnh bạo lực băng đảng lan rộng. Động cơ của vụ ám sát - và kẻ chủ mưu đứng sau - vẫn chưa được công bố.

Đối với những người muốn tuyển lính đánh thuê, Colombia là lựa chọn hàng đầu. Cuộc xung đột nội bộ kéo dài gần 60 năm biến đất nước Nam Mỹ thành "thao trường" luyện tập cho các binh sĩ.

Tại Colombia, những binh sĩ được đào tạo để tham gia vào các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ có thể nghỉ hưu từ năm 40 tuổi. Điều này khiến nhiều người chỉ nhận được khoản lương hưu khiêm tốn và không biết phải làm gì sau khi nghỉ hưu.

"Việc chiêu mộ binh sĩ Colombia đến các nơi khác trên thế giới làm lính đánh thuê là vấn đề đã tồn tại từ lâu, vì không có luật nào cấm việc này. Chẳng hạn, có một số lượng đáng kể binh sĩ Colombia ở Dubai", tướng Luis Fernando Navarro, chỉ huy các lực lượng vũ trang Colombia, cho biết.

Theo giáo sư Sean McFate, một chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một "khách hàng" quen thuộc của các cựu binh Colombia. Họ thường được triển khai để chiến đấu chống lại người Houthis do Iran hậu thuẫn ở Yemen, cùng với các chiến binh từ Panama, El Salvador và Chile.

Người Colombia thường được tuyển làm lính đánh thuê "vì tất cả kinh nghiệm của họ", Tổng tham mưu trưởng quân đội Colombia Eduardo Zapateiro nói với Reuters.

"Thật tiếc vì chúng tôi lại huấn luyện họ để họ làm những việc khác", tướng Zapateiro nói.

Các binh sĩ Colombia, những người từng có kinh nghiệm chống nổi loạn và chống khủng bố, hoặc những người từng được đào tạo ở các nước như Mỹ và Israel, thường là những đối tượng được nhắm đến để tuyển làm lính đánh thuê.

Tất cả nam thanh niên Colombia phải dành ít nhất một năm để thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc tham gia lực lượng cảnh sát quốc gia, trong khi những người đang học đại học và chấp nhận đóng phí sẽ được miễn.

Việc trở thành quân nhân chính thức là một trong số ít công việc dành cho những binh sĩ xuất thân nghèo khó, đặc biệt là ở các vùng nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở Colombia. Công việc này được trả lương thấp, nguy hiểm và phải sống xa nhà.

Các quan chức và chuyên gia quân sự cho biết, sau khi nghỉ hưu, những người lính Colombia được đào tạo bài bản thường bị cám dỗ bởi các cơ hội làm việc ở nước ngoài với tư cách là các nhà thầu quân sự tư nhân từ Iraq hay Yemen.

Theo chuyên gia McFate, mặc dù các công ty Mỹ như Blackwater vẫn là công ty quân sự tư nhân nổi tiếng nhất, rất nhiều cựu binh từ các quốc gia khác đang học theo mô hình của các công ty quân sự Mỹ.

"Mỗi ngày, các nhóm quân sự tư nhân mới xuất hiện ở các quốc gia như Nga, Uganda, Iraq, Afghanistan và Colombia. Dịch vụ của họ thậm chí mạnh hơn Blackwater, cung cấp sức mạnh chiến đấu lớn hơn và sẵn sàng làm việc cho người trả giá cao nhất mà không quan tâm đến quyền con người. Họ là lính đánh thuê đúng nghĩa", McFate cho biết.

Theo Dân trí