Kỹ thuật Stop Motion giúp Vọng thắng giải “Làm phim 48 giờ“

VietTimes -- Stop Motion là kỹ thuật dựng những tiểu cảnh nhỏ, sắp xếp, rồi chụp lại từng khung hình một cách tỉ mẩn và lặp lại, cần chụp 24 tấm hình để được 1 giây trên màn ảnh. Cảnh bông hoa cúc tàn dần được thực hiện bởi kỹ thuật này đã giúp "Vọng" giành ngôi Á quân vòng loại quốc gia của cuộc thi Làm phim 48 giờ.
Phim Vọng giành ngôi Á quân vòng loại quốc gia, và thêm 4 giải quan trọng.
Phim Vọng giành ngôi Á quân vòng loại quốc gia, và thêm 4 giải quan trọng.

Làm phim 48 giờ, một trong những cuộc thi làm phim ngắn nhiều sáng tạo và thử thách đã khép lại. Bộ phim “Vọng” của đội Dementia với 6 sinh viên RMIT Việt Nam đã vượt qua 95 bộ phim tranh tài để giành ngôi Á quân vòng loại quốc gia, đồng thời nhận thêm 4 giải quan trọng gồm giải Hiệu ứng đồ họa xuất sắc nhất, giải Đạo diễn xuất sắc nhất, giải Thiết kế poster xuất sắc nhất và giải do khán giả bình chọn.

Thể loại phim mà nhóm bốc thăm được là Noir, đây là một thể loại phim cổ, Noir là một thuật ngữ điện ảnh có nguồn gốc từ một thuật ngữ tiếng Pháp, dịch theo nghĩa đen là “phim đen” (blackfilm). Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những bộ phim nói về những hành động tội ác trong thế giới ngầm, đặc biệt nhấn mạnh những hành động có sự nhập nhằng giữa các chuẩn mực đạo đức, những đam mê giới tính, khó phân biệt được đúng sai.

Bộ phim được phát triển trên nền một kịch bản giả tưởng và rất đậm “chất Noir”: Năm 2194, loài người mất dần khả năng sinh sản và đứng trước nguy cơ diệt vong. Những người có tiềm năng thụ thai còn lại được cách ly và sống trong các tổ phức hợp rải rác khắp nơi trên các hành tinh, họ được gọi là Daisy (Tạm dịch: Hoa cúc). Tập đoàn LYMP đứng đầu thế giới đã tạo ra những người máy với danh hiệu Dog Walker để bảo vệ các Daisy bằng mọi cách.

 

Sau 48 giờ miệt mài và sáng tạo, thành quả của cả nhóm là bộ phim ngắn mang tên “Vọng”. Khán giả có quyền tự chọn cách hiểu của tên phim - Hi Vọng hoặc Tuyệt Vọng.  Trong phim có hình ảnh hoa cúc  tượng trưng cho niềm Hi vọng, và sự lặp đi lặp lại của những cơn ác mộng thể hiện sự Tuyệt vọng của nhân vật. Đạo diễn Ánh Linh mong muốn khán giả sẽ tự hiểu và nhìn nhận những tầng nghĩa khác nhau của bộ phim theo cách riêng của mình.

Làm phim 48 giờ được khởi xướng năm 2001 tại Mỹ do Mark Ruppert và Liz Langston, và được mang đến Việt Nam năm 2010 bởi nhà sản xuất sự kiện người Úc, ông Ross Stewart. Từ đó đến nay Làm phim 48 giờ đã phát triển rộng khắp Việt Nam, và là một trong các cuộc thi làm phim nhiều sáng tạo và thử thách nhất.

Năm nay, cuộc thi quốc tế Làm phim 48 giờ trở lại với hơn 1.000 nhà làm phim khắp đất nước cùng tham gia thử thách viết kịch bản, quay, và dựng một bộ phim ngắn chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Cuộc thi được sản xuất bởi HKFilm, là cơ hội để tất cả những ai đam mê làm phim cùng bạn bè thực hiện một bộ phim và cùng xem bộ phim của mình trên màn ảnh rộng. Bộ phim thắng cuộc năm nay sẽ đại diện Việt Nam tranh cử với hơn 140 bộ phim khác từ khắp nơi trên thế giới để giành giải thưởng "Phim 48 giờ xuất sắc nhất thế giới 2018" và sẽ được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes cũng như vòng quanh thế giới.

Trong các năm trước, Việt Nam đã chiến thắng vòng quốc tế với 2 bộ phim “A Good Day to Die” (2010) và “Canh Ba Ba” (2011) đã được tham gia công chiếu phim tại Liên hoan phim Cannes- Pháp. Liên hoan phim Cannes (hay Festival de Cannes) là một trong những liên hoan phim uy tín nhất trên thế giới. Dự án Làm Phim 48 Giờ vinh dự được hợp tác cùng với Cannes, mỗi năm một số bộ phim xuất sắc nhất của 48HFP từ khắp nơi trên thế giới sẽ được chiếu tại Cannes như một phần của Góc Phim Ngắn.