Kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN

Kỷ niệm Trưởng SOM của Đại sứ Phạm Quang Vinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
LTS: Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, và năm nay là lần thứ ba đăng cai các cuộc gặp của khối này, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng và Trưởng Quan chức cấp cao (SOM) ASEAN, về những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian này, nhất là năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN lần thứ hai - 2010.
Ông Phạm Quang Vinh trong một buổi sinh hoạt chuyên đề do CLB Cafe Số tổ chức
Ông Phạm Quang Vinh trong một buổi sinh hoạt chuyên đề do CLB Cafe Số tổ chức

Bốn năm ba lần lên chức và những thách thức

PV: Nghe nói các trưởng SOM ASEAN đều ít nhất là giữ chức trợ lý bộ trưởng, như Đại sứ Nguyễn Trung Thành, trong khi anh mới là vụ phó?

Ông Phạm Quang Vinh: Đúng, trước đó các trưởng SOM ASEAN đều là anh thứ trưởng, hay trợ lý bộ trưởng. Từ Thứ trưởng Vũ Khoan, rồi Thứ trưởng Nguyễn Tâm Chiến, Thứ trưởng Nguyễn Công Phụng. Sau là anh Nguyễn Trung Thành, Trợ lý bộ trưởng, thành viên lãnh đạo bộ.

Tôi được Bộ Ngoại giao làm thủ tục lên vụ trưởng để làm Trưởng SOM ASEAN. Đến năm 2008 được đề bạt lên chức Trợ lý Bộ trưởng. Và năm 2010, Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, đến 2011 tôi mới được đề bạt lên Thứ trưởng.

PV: Chắc chắn được đề bạt lên hàm thứ trưởng sau có 4 năm, từ vụ phó, chắc ông phải làm được nhiều việc lắm, nhất là trong kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2010, chứ không phải được đề bạt cho phải phép?

Ông Phạm Quang Vinh: Phần mình, thì chỉ biết cố làm tốt thôi. Đến lúc đó, tôi cũng đã có 25 năm trong ngành ngoại giao (cùng 2 năm đi bộ đội), mà 22 năm làm ở Vụ Các Tổ chức Quốc tế, lại thêm 2 nhiệm kỳ ở Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nên cũng gọi là có ít nhiều kinh nghiệm “chiến đấu” đa phương, trên mặt trận này.

Song, với ASEAN tuy cũng là đa phương, nhưng lĩnh vực này quá mới với tôi. Đó là thách thức thứ nhất.

PVNhưng anh có 1 nhiệm kỳ làm tham tán ở Thái Lan cơ mà?

Ông Phạm Quang Vinh: Thái Lan chỉ là song phương thôi, chả dính dáng gì đến ASEAN cả.

Thách thức thứ hai là, khác với các tổ chức của Liên Hợp Quốc, ở ASEAN không xét theo kết quả bỏ phiếu trực diện, đa số thì thắng, mà theo kiểu “vỗ vai nhau để đạt được đồng thuận”.

Thách thức thứ ba là câu chuyện nội bộ, cả trong bộ mình và với ngành ngoài. Trưởng SOM, làm chiến lược, vụ trưởng cũng có nhiều cái khó. Đơn cử, như phân công nội bộ ở đây với Vụ trưởng ASEAN của Bộ Ngoại giao như thế no, người điều hành chung công việc hàng ngày của Vụ, còn Trưởng SOM thì nhìn và tính toán mấy câu chuyện chiến lược, rồi cùng báo cáo lên cấp bộ trưởng, cấp cao để xin ý kiến triển khai.

Nếu Trưởng SOM là thứ trưởng, hay trợ lý bộ trưởng, thì dễ dàng phối hợp với vụ trưởng ASEAN, vì quan hệ là cấp trên – cấp dưới, còn ở giai đoạn đầu của tôi vị trí ngang bằng, không khéo thì rối và cũng khó phối hợp lắm. Hơn nữa, vụ trưởng ASEAN có quân trong vụ, nên việc triển khai nhiệm vụ khá dễ dàng, còn Trưởng SOM lại mình mình, đơn thương độc mã.

PVVậy anh giải quyết chuyện đó thế nào?

Ông Phạm Quang Vinh: Thì vậy, biết thế để ứng xử. Anh Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng ASEAN, cùng học Ngoại giao, sau tôi một năm, cùng khóa với các anh (Bộ trưởng) Phạm Bình Minh và (Trợ lý bộ trưởng) Nguyễn Trung Thành, tức là anh em cũng biết nhau. Tôi nói với anh Cường rằng chỉ những việc tôi cần tôi mới cần sự phối hợp của vụ ASEAN, còn anh em cứ làm công việc theo phân công vốn có của mình. Mọi chuyện ổn và chúng tôi trở thành đồng đội gắn bó.

Hiến chương ASEAN và ủy ban nhân quyền

“Cả đoạn đời tuổi trẻ của tôi, 27 năm, lăn lộn ở Vụ Các Tổ chức Quốc tế và hoạt động ở Liên Hợp Quốc (New York). Đến cuối năm 2003 được phân công đi làm Tham tán Công sứ ở Thái Lan, có vẻ như ngã rẽ bắt đầu. Tháng 1/2007, hết nhiệm kỳ ở Thái Lan, đến tháng 4/2007 tôi được phân công về Vụ Đông Nam Á, làm vụ phó. Đến tháng 7/2007, do anh Nguyễn Trung Thành, Trợ lý bộ trưởng kiêm trưởng SOM ASEAN được phân công đi làm Đại sứ ở Singapore, thật thì cũng bất ngờ, không hiểu vì sao, Bộ phân công tôi thay chức SOM ấy” - Đại sứ Phạm Quang Vinh.

PVTrong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010, năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, có những vấn đề gì nổi cộm?

Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết, đó là Hiến chương ASEAN, vốn đang được soạn thảo từ thời anh Nguyễn Trung Thành. Hiến chương ASEAN đánh dấu một bước chuyển quan trọng của tổ chức này.

Thứ 2 là 2008 -2009 ASEAN bắt đầu xây dựng 3 kế hoạch tổng thể, về chính trị -an ninh, về kinh tế, và về văn hóa – xã hội, để hướng tới một cộng đồng ASEAN. Trước năm 2007, mới chỉ bàn ở nhóm những người nổi tiếng, cựu trào, không bị ràng buộc bởi chức vụ trong chính quyền.

Thời điểm đó, ASEAN đang đẩy tiếp cái đà phát triển, và môi trường quốc tế thuận cho ASEAN, nên thấy cái nhìn màu hồng, vừa tranh thủ được Mỹ, vừa tranh thủ được Trung Quốc, và các nước xung quanh bắt tay hợp tác với lợi ích đan xen nhau.

PVTrong Hiến chương ASEAN, theo anh có những điều gì khiến các nước phải bàn thảo lâu để đi đến đồng thuận?

Ông Phạm Quang Vinh: Nhiều chứ. Như cái nguyên tắc đồng thuận của ASEAN, cũng lật đi lật lại. Rồi về cơ chế nhân quyền. Tôi nhớ nhất điều 14, gồm 2 phần. Một là ASEAN quyết định thành lập một cơ quan nhân quyền. Hai là qui chế của cơ quan nhân quyền này sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao qui định. Đấy là một quá trình đấu tranh quyết liệt, mãi mới thống nhất được.

Hiến chương ASEAN được thông qua tháng 11/2007, và có hiệu lực sau một năm. Đến lúc soạn thảo về qui chế ủy ban nhân quyền, khi đó mới sinh ra cái tên Ủy ban Liên Chính phủ về Vấn đề Nhân quyền ASEAN.

Kéo Mỹ và Nga vào Cấp cao Đông Á

PVTrong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Trưởng SOM như anh đã phải làm những việc gì?

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi nhớ đến hai việc lớn, và một bắt buộc. Bắt buộc là làm tốt chức năng chủ tịch, điều hành, khi mà ASEAN có Hiến chương, bộ máy, cách làm mới. Hai cái lớn, đó là gắn kết với nước lớn và chuyện Biển Đông.

Cần đẩy mạnh việc gắn kết với các nước lớn vì cả phát triển kinh tế và hòa bình ổn định ở khu vực, với vai trò trung tâm của ASEAN. Từ đó là câu chuyện mở rộng thành viên của Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2010, mở cửa cho Nga và Mỹ vào.

Năm 2010, đã bắt đầu manh nha sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đối với ảnh hưởng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Nga muốn tham gia Cấp cao Đông Á từ năm 2005, khi Cấp cao Đông Á được thành lập. Nhưng vì Mỹ chưa ngỏ ý gia nhập, nên ASEAN đành để yên.

Nếu nhìn vào lịch sử tham gia các tổ chức quốc tế của Mỹ, anh có thể thấy hoặc là tổ chức do Mỹ thành lập, hoặc Mỹ phải cầm trịch được tổ chức ấy.

Trong Cấp cao Đông Á, ASEAN đóng vai trò trung tâm, cũng nhiều cái khác với cách nhìn của Mỹ. Trong những năm từ 2007 đến 2009, ASEAN có đề nghị, nhưng Mỹ chỉ nói là ghi nhận đề nghị đó của ASEAN.

Rất may là ngày 15/7/2010, trước cuộc họp của SOM – ASEAN một ngày, trong bữa tiệc chiêu đãi các đại sứ ASEAN tại Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về chấu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã bày tỏ ý định muốn tham gia Cấp cao Đông Á.

Ăn trưa bên Washington D.C ngày 15/7, tức là nửa đêm sang ngày 16/7 giờ Việt Nam. Cũng tức là khi đó mới nhận được tin báo về từ ĐS Lê Công Phụng. Trong khi đó, sáng 16/7 tại Hà Nội, đã bắt đầu họp SOM để chuẩn bị cho hội nghị bộ trưởng ASEAN.

PV: Với tư cách Trưởng SOM, anh xử lý ra sao trước tin bất ngờ đó?

Ông Phạm Quang Vinh: Phải vận dụng và xử lý tại chỗ thôi, vào họp,  không theo được kịch bản định sẵn. Mở đầu, tôi chia sẻ với SOM các nước: “Không biết các bạn đã biết chưa, Mỹ đã có một thông báo mới về Cấp cao Đông Á.” Mọi người nói đã nhân được tin rồi.

Rồi tiếp tục: “Cá nhân tôi, với tư cách đại diện cho Việt Nam, có lẽ giống các bạn, cũng chưa hề có chủ trương gì từ lãnh đạo cấp cao. Vậy với tư cách cá nhân, đề nghị các bạn bình luận về thông báo của phía Mỹ.”

Phát biểu đầu tiên, tôi nói rằng tôi hoan nghênh các nước lớn gia nhập Cấp cao Đông Á, và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, và nếu Mỹ muốn gia nhập, Việt Nam sẽ hoan nghênh, cùng với đó là Nga.

Theo mạch đó, các trưởng SOM khác cũng đã lần lượt phát biểu, nhìn chung cũng hoan nghênh việc Mỹ có ý định tham gia, dù vẫn cho rằng có nhiều điều phải cân nhắc kỹ. Hiểu cái băn khoăn đó, là chủ trì, mình đã đề nghị cuộc họp nghỉ giải lao - đó là một lần nghỉ khá dài, tới hơn 45 phút Các trưởng SOM đề nghị giải lao 45 phút (thường cũng chỉ 15 phút). Mình chạy các đoàn, các đoàn cũng chạy với nhau, để mà trao đổi.

Khi thấy hòm hòm, thì mình gọi mọi người trở lại họp. Mình tóm tắt mấy ý thôi, đại thể là các trưởng SOM với tư cá nhân, hoan nghênh việc Mỹ, Nga vào EAS, từng người sẽ về báo cáo riêng với bộ trưởng của mình. Đoàn mình cũng vậy, sau đó, cũng phải báo cáo mọi việc lên Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm, rồi được ông và lãnh đạo cấp cao đồng ý.

Khi mình nhấn “tư cách cá nhân”, là để mọi người và cả mình nữa mới có thể có ý kiến và tham vấn với nhau được. Còn nếu ép, thì sẽ không ai có thể phát biểu hay đồng ý ngay được. Cái chính là tạo ra không gian phù hợp, để mọi người có thể tự do phát biểu ý kiến, từ đó nêu cái ý chung về tầm quan trọng có nước lớn tham gia, và qua các ý kiến đó của họ, đặt các viên gạch xây dựng đồng thuận tự nguyện.

Tôi nói thêm, nếu không kịp làm tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, thì không có gì báo cáo lên tại Cấp cao ASEAN vào tháng 10/2010.

Cái may là sau khi nghe trưởng SOM báo cáo lại, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí và sẽ báo cáo lên lãnh đạo cấp cao. Việc tiếp theo của SOM là tham vấn với 6 đối tác còn lại của EAS, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Cũng có cái khó, nhưng rồi mọi chuyện ổn thỏa và cũng được 6 đối tác đồng ý.

Tóm lại, câu chuyện ở đây là, nếu ta không chớp lấy cơ hội và không kịp làm tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, thì sẽ lỡ nhịp, không qua được thủ tục để báo cáo lên Cấp cao ASEAN vào tháng 10/2010, thế thì việc này sẽ bị chuyển sang năm sau.

Như vậy, chính Cấp cao ASEAN và EAS tại Việt Nam vào tháng 10/2010 sẽ quyết định đưa ra lời mời. Và Mỹ với Nga sẽ chính thức tham vào năm 2011, tại Indonesia. Để chuẩn bị cho việc này, chúng ta cũng tham vấn và đưa ra kịch bản, mời đại diện lãnh đạo hai nước (cấp ngoại trưởng) vào dự và nhận lời mời tại Hội nghị EAS tại Hà Nội.

PV: Thế nhưng cấp đại diện của Mỹ và Nga là cấp gì, và liệu họ có được ngồi cùng với các nguyên thủ Đông Á là thành viên?

Ông Phạm Quang Vinh: Đúng,  vẫn còn chuyện. Vì đại diện của Mỹ và Nga chỉ là cấp ngoại trưởng, lại chưa phải thành viên của EAS, nên cũng có thắc mắc rằng họ làm sao được ngồi chung bàn với các nguyên thủ của EAS lúc đó. Đó là thủ tục nhưng cũng là chính trị. Việt Nam, với tư cách chủ nhà, cũng phải tham vấn nhiều công. Cuối cùng, cũng đạt được kịch bản với phần cuối để mời hai đại diện Mỹ và Nga vào, và chuyển lời mời.

Thứ hai là về chỗ ngồi. Lâu nay họp theo bàn chung. Thế thì, khi mời đại diện hai nước này vào, mà ngồi chung vậy, cũng sẽ có chuyện. Tôi mới bàn với lễ tân, rồi thống nhất bỏ bàn chung, mà các nguyên thủ sẽ ngồi sa lông, mỗi ghế có một bàn con bên cạnh. Khi hai đại diện Mỹ - Nga vào, thì cho thêm  hai chiếc sa lông vào, cùng 2 chiếc bàn con, kê cách ra một chút.

Thứ ba là mời cả hai đại diện vào cùng một lúc. Cái thủ tục này cũng được bàn kỹ từ trước. Khi Tức là hai đại diện, ngoại trưởng Hilary Clinton và Lavrov cùng vào. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách Chủ tịch, công bố thông điệp ất đơn giản: Chúng tôi nhất trí quyết định mời Mỹ và Nga gia nhập EAS, và năm sau các bạn sẽ dự Cấp cao.

Ông cũng nhấn mạnh “chúng tôi hy vọng các bạn sẽ đóng góp sự nghiệp chung, và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN”.

Đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự

Phút thất vọng của Trưởng SOM ASEAN Phạm Quang Vinh tại Campuchia, khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không ra được Tuyên bố chung, do liên quan tới Biển Đông (Ảnh: Straits Times)

Phút thất vọng của Trưởng SOM ASEAN Phạm Quang Vinh tại Campuchia, khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không ra được Tuyên bố chung, do liên quan tới Biển Đông (Ảnh: Straits Times)

PV: Tôi còn nhớ trước Hội nghị Nguyên thủ ASEAN lần 1, tôi đã phỏng vấn ông, và trong đó thông tin lần đầu tiên trong ASEAN có bàn về Biển Đông. Việc đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị có gặp khó khăn không anh?

Ông Phạm Quang Vinh: Có lẽ, phải kể từ giữa 2009 (Thái Lan là Chủ tịch ASEAN), khi đó các ngoại trưởng ASEAN đang bàn việc xây dựng danh mục các ưu tiên trong kế hoạch tổng thể về cộng đồng chính trị - an ninh của ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đề xuất, đưa việc thực hiện DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông) làm một trong những lĩnh vực ưu tiên. Ngoại trưởng Thái Lan khi đó đã phản ứng lại ngay rằng “liệu chúng ta muốn đánh nhau với Trung Quốc à?”. Chúng ta đã nói rõ đây là câu chuyện hợp tác, lại dựa vào văn bản thỏa thuận chung, và hội nghị nhất trí cao.

Theo chỉ đạo, tôi cũng gặp người đồng cấp của phía Thái Lan, nêu cụ thể thêm: “Cái chúng ta muốn là hợp tác, hòa bình, ổn định khu vực nói chung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông hết sức khăng khít với nhau - Tuyên bố DOC là của ASEAN và Trung Quốc ký với nhau năm 2002, là tài sản chung, và, nếu thực hiện tốt, là coi trọng đối thoại hợp tác, coi trọng lòng tin và cùng quản trị những cái rủi ro ở Biển Đông”.

Sở dĩ có phản ứng như vậy của phía Thái Lan, vì vấn đề Biển Đông khi đó mặc nhiên được coi là chuyện rất nhạy cảm.

Nhưng, như chúng ta đã thấy, từ 2010 vấn đề này đã được đưa lên bàn nghị sự, là điều quan tâm chung của khu vực. Và từ đó việc ASEAN bàn về Biển Đông được coi là chuyện bình thường và cần thiết.

PV: Nhà báo Kavi Chongkittavorn của The Nation, người hiểu rất rõ tình hình ASEAN và Việt Nam có viết rằng Việt Nam đã đẩy vấn đề Biển Đông lên quá ở Hội nghị Cấp cao ASEAN 2010 nhằm hạ thấp vấn đề của Myanmar, vốn gây phản ứng rất lớn từ những nước như Singapore hay Thái Lan. Xin ông cho biết sự thực có đúng vậy không?

Ông Phạm Quang Vinh: Không có chuyện đó. Câu chuyện Biển Đông quan trọng với ASEAN, ở mấy điểm: một là hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hai là lại có DOC là thỏa thuận đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc, thế thì phải bàn chứ, nhất là khi ở đây vẫn xảy ra nhiều việc phức tạp. Còn về Myanmar, thì ASEAN đã bàn từ lâu rồi, cũng được Myanmar cho ý kiến và đồng ý mỗi khi ASEAN có tuyên bố gì.

(Còn nữa)