Quan hệ Việt Nam–Hoa Kỳ: 25 năm nhìn lại:

Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John

VietTimes – Đối với người Việt Nam, cố Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry luôn được tôn kính và nhớ đến như những người đi đầu trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù.
2-	Thượng nghị sỹ John McCain cầm những tấm hình đen trắng chụp ông khi bị bắt làm tù binh ở Hà Nội năm 1967 trong một chuyến đến thăm Bảo tàng quân đội nhân dân Việt Nam ngày 9/10/1992.Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP.
2- Thượng nghị sỹ John McCain cầm những tấm hình đen trắng chụp ông khi bị bắt làm tù binh ở Hà Nội năm 1967 trong một chuyến đến thăm Bảo tàng quân đội nhân dân Việt Nam ngày 9/10/1992.Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP.

>> Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn

>> Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ

Hai thượng nghị sĩ đến từ hai đảng đối lập, từng ở thế đối địch nhau khi mới bước chân vào chính trường.

Nhưng sau cùng, mối liên hệ mang tính cá nhân và hết sức đặc biệt của họ với Việt Nam lại trở thành sợi dây gắn kết cựu trung úy hải quân Kerry và cựu tù binh Hỏa Lò McCain trong một mục tiêu chung: hàn gắn quá khứ để bước tới tương lai.

Một tình bạn lặng lẽ nhưng sâu đậm đã nảy nở giữa họ trong suốt hành trình dài đầy chông gai đó mà mỗi lần nhắc tới, những người chứng kiến như ông Thomas Vallely, một người bạn cố tri của John Kerry vẫn thấy rưng rưng xúc động.

Hai người khách đặc biệt của Hilton Hà Nội

Một ngày cuối tháng 5/1993, cũng là ngày lễ tưởng niệm những binh sĩ Mỹ đã tử nạn trong quân ngũ (Memorial Day), có hai thượng nghị sĩ Mỹ được tháp tùng đến thăm một nhà tù ở ngay trung tâm Hà Nội. Đó là một khối nhà thấp màu nâu trầm, với hai cánh cổng lúc nào cũng khép kín và dường như tách biệt hẳn với những dòng người sôi động lại qua.

Đó là nhà tù Hỏa Lò, mà người Mỹ thường goi là Hilton Hà Nội, nơi từng giam giữ các phi công Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam.

Ngày hôm đó, một trong những cựu phi công từng bị giam tại Hỏa Lò đã trở lại nơi đây lần đầu tiên. Người đó là John McCain, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arizona.

Thượng nghị sỹ John McCain (phải) và Hạ nghị sỹ Pete Peterson (trái) (sauu này là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh) thăm nhà tù Hỏa Lò (Hilton hotel) vào tháng 6/1993 (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)
Thượng nghị sỹ John McCain (phải) và Hạ nghị sỹ Pete Peterson (trái) (sauu này là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh) thăm nhà tù Hỏa Lò (Hilton hotel) vào tháng 6/1993 (Ảnh: Hoàng Đình  Nam/ AFP)

Tháng 10/1967, máy bay của phi công hải quân John McCain bị bắn rơi ven hồ Trúc Bạch. Ông McCain trở thành khách của Hilton Hà Nội gần 6 năm, cho đến tháng 3/1973 khi toàn bộ các tù binh được trao trả cho phía Mỹ như cam kết trong Hiệp định Paris.

Người đi cùng McCain hôm đó tới thăm Hỏa Lò là ông John Kerry, một thượng nghị sĩ Dân chủ của bang Massachusetts. Ông Kerry, cũng là một cựu lính hải quân trong chiến tranh Việt Nam, khi đó là chủ tịch Ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA của Thượng viện Mỹ (ông McCain đứng đầu nhóm thành viên Cộng hòa trong ủy ban này).

Họ đến Hà Nội để thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Họ bước theo một hành lang dài, hẹp và tối và đứng trước ngưỡng cửa phòng giam ông McCain, một căn phòng rộng chừng 5m2.

Sau này, ông Kerry từng kể lại với bạn mình về khoảnh khắc đặc biệt ấy. “Tôi vẫn nhớ bầu không khí im lặng lúc đó. Tôi nhớ rất rõ cảm giác như chỉ có mình chúng tôi ở đó. Có những người khác ở xung quanh chúng tôi nhưng họ dường như đã tan biến vào không gian, và chỉ còn mình chúng tôi đứng đó. Tôi vẫn còn nhớ mình đã cảm thấy sợ hãi biết bao khi cảm nhận được những gì mà người đàn ông này đã trải qua ở nơi này”.

Thượng nghị sỹ John Kerry nhận từ tay Giám đốc bảo tàng quân đội Việt Nam chiếc mũ phi công của John McCain (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Thượng nghị sỹ John Kerry nhận từ tay Giám đốc bảo tàng quân đội Việt Nam chiếc mũ phi công của John McCain (Ảnh: Hoàng Đình  Nam/ AFP)

Hai người đàn ông với quá khứ chiến tranh khác nhau, đã lần đầu tiên đối mặt và trò chuyện với nhau về những ký ức mà họ muốn quên đi.

“Ông ấy kể cho tôi nghe cách ông ấy giao tiếp với người bạn tù ở phòng kế bên bằng cách gõ lên tường như thế nào. Ông ấy nói rằng họ biết một số cựu chiến binh đã đứng lên và nói rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một sai lầm. Họ biết điều gì đang xảy ra bên ngoài kia” - ông Kerry kể lại.

Sự kiện mà McCain nói đến chính là phong trào phản chiến gây chấn động nước Mỹ đầu năm 1971. Hơn một nghìn cựu chiến binh vừa trở về từ Việt Nam đã tụ tập tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Thủ đô Washington DC để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.

Họ đã ném những huân chương và ruy-băng mà họ đã nhận được nhờ chiến đấu ở Việt Nam lên bậc thềm tòa Quốc hội.

Viên cựu sĩ quan hải quân, lãnh tụ phong trào phản chiến khi đó chính là John Kerry, người vừa trở về từ Việt Nam. Tháng 4 năm đó, cựu trung úy Kerry ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, vạch trần những sai trái của cuộc chiến với bài phát biểu chấn động nước Mỹ.

Mỗi ngày, một ai đó phải hi sinh mạng sống để nước Mỹ không phải thừa nhận điều mà cả thế giới đã biết, để chúng ta không phải nói rằng chúng ta đã mắc sai lầm. Ai đó phải chết để Tổng thống Nixon, như lời ông ta nói, sẽ không phải là “tổng thống đầu tiên thua một cuộc chiến”.

Chúng tôi kêu gọi người dân Mỹ hãy nghĩ về điều đó, bởi vì làm thế nào mà các bạn có thể yêu cầu một người thanh niên phải là người cuối cùng chết cho một sai lầm?”.

John Kerry (phải), người vừa trở về từ Việt Nam, trở thành lãnh tụ phong trào phản chiến.
John Kerry (phải), người vừa trở về từ Việt Nam, trở thành lãnh tụ phong trào phản chiến.

Nhưng đối với McCain, một người sinh ra trong gia đình có truyền thống quân nhân, và lòng tin như nhất vào lý tưởng phụng sự tổ quốc, hành động ném huân chương của Kerry không khác gì một sự phản bội.

Năm 1984, 13 năm sau sự kiện phản chiến ở Đồi Capitol, ông John McCain, trong tư cách Thượng nghị sĩ bang Arizona, đã đến Massachusetts để tiến hành vận động tranh cử cho đối thủ của ông Kerry trong cuộc chạy đua vào Thượng viện. Tại đây, ông công khai chỉ trích hành động ném huân chương của Kerry năm đó.

Tình bạn âm thầm

Thượng nghị sĩ John McCain có thể chưa bao giờ thay đổi quan điểm về sự tham gia của ông Kerry trong phong trào phản chiến năm xưa, nhưng ông đã thay đổi suy nghĩ của mình về cá nhân người đàn ông này.

Thoạt nhìn, họ là hai con người vô cùng khác biệt, từ ngoại hình tới tính cách và cả hệ tư tưởng. Kerry là một nhân vật Dân chủ có tư tưởng tự do, trong khi McCain được xem là điển hình cho những giá trị truyền thống của Cộng hòa.

Nếu như Kerry bước ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách một lãnh tụ phản chiến thì McCain lại được xem như một trong số ít những người hùng thực thụ.

Và hai con người tưởng như ở hai phía đối lập đó, cuối cùng đã xích lại gần nhau khi họ quyết định sát cánh bên nhau cho một mục tiêu chung: Thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, để thực sự khép lại cuộc chiến đã để lại nhiều nỗi đau cho cá nhân họ và cho nước Mỹ.

Thượng nghị sỹ John Kerry phát biểu với báo giới sau hội đàm với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Mai ngày 16/11/1992 tại Nhà khách Chính phủ (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Thượng nghị sỹ John Kerry phát biểu với báo giới sau hội đàm với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Mai ngày 16/11/1992 tại Nhà khách Chính phủ (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Năm 1991, Ủy ban Đặc biệt về các vấn đề POW/MIA của Thượng viện được thành lập. Thượng nghị sĩ John Kerry được mời làm Chủ tịch ủy ban còn ông McCain là thủ lĩnh nhóm các thành viên Cộng hòa.

Hành trình kề vai sát cánh giải quyết bóng ma POW/MIA – nỗi ám ảnh của nước Mỹ hàng thập kỉ đã dẫn đến một tình bạn kì lạ nhất trên chính trường nước Mỹ. Đó không bao giờ là một tình bạn kiểu vồ vập, nồng nhiệt, xét theo tính cách kín đáo và giữ kẽ của ông John Kerry, nhưng những sự kiện xảy ra đã cho thấy mối dây liên hệ giữa họ sâu sắc đến mức nào.

“Tôi rất thích ông ấy. Chúng tôi hòa hợp với nhau về quan điểm trong nhiều việc. Sự thực là ở Thượng viện, bạn hầu như chẳng thực sự chơi với ai cả. Nhưng khi chúng tôi cùng nhau đến Việt Nam, chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều” - ông McCain kể.

Trong suốt hai năm hoạt động của Ủy ban đặc biệt về POW/MIA, hai người đàn ông này, theo mô tả của ông Vallely, luôn “che chắn, chống đỡ cho nhau” trong cuộc chiến chính trị khốc liệt xoay quanh vấn đề người Mỹ mất tích.

“Mỗi ngày, ai đó lại cố gắng hủy hoại những thành quả vừa đạt được. Và mỗi ngày, hai người đàn ông này bảo vệ cho nhau…và điều đó đã làm nảy sinh một tình bạn bền chặt”.

Thượng nghị sĩ Ted Kennedy cũng đồng tình với quan sát này của ông Vallely: “Kerry và McCain đã sát cánh cùng nhau ở thời điểm mà các thành viên khác trong ủy ban này chỉ tìm cách thỏa mãn cảm xúc của đám đông. Và bởi vậy, những kẻ chỉ trích đã lên án họ rất nặng nề”.

Thượng nghị sỹ John Kerry và Quyền Ngoại trưởng Trần Quang Cơ tại một cuộc hội đàm ngày 15/5/1993 (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)
Thượng nghị sỹ John Kerry và Quyền Ngoại trưởng Trần Quang Cơ tại một cuộc hội đàm ngày 15/5/1993 (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Những nhóm cựu binh cực hữu còn đi xa hơn khi cáo buộc John McCain là “Việt gian”, bị “Việt cộng tẩy não” trong thời gian ở tù. Một số thượng nghị sĩ và nhân chứng cũng tấn công McCain dữ dội tại các phiên điều trần của Ủy ban.

Bà Frances Zwenig, Giám đốc Nhân sự của Ủy ban kể lại, trong những thời khắc khó khăn đó, khi ông Kerry và ông McCain ngồi cạnh nhau trên bục dành cho các thượng nghị sĩ, ông Kerry thường kín đáo đặt tay mình lên cánh tay McCain một lúc lâu, một cử chỉ thầm lặng nhằm bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau một cách tuyệt đối.

Sau này, ông McCain nói rằng ông thấy “biết ơn khi Kerry đã làm vậy”.

Năm 1992, khi các phiên điều trần và thảo luận của Ủy ban gần đi tới kết luận cuối cùng thì McCain chuẩn bị tái cử. Mùa thu năm đó, ông có chuyến công du tới Việt Nam và trở về vào cuối tuần. Đối thủ phía Đảng Dân chủ đã công kích chuyến đi của ông McCain như một hành động đánh bóng cá nhân thuần túy.

Từng là nạn nhân của các cuộc công kích tương tự, ông Kerry đã ngay lập tức tập hợp các thành viên của ủy ban, Dân chủ cũng như Cộng hòa để thảo chung một lá thư bảo vệ cho ông McCain. Mùa bầu cử năm đó, ông McCain đã chiến thắng.

Tháng 1 năm 1993, báo cáo kết luận của Ủy ban được công bố với chữ kí của toàn bộ các thành viên Dân chủ và Cộng hòa khẳng định “không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy bất kỳ người Mỹ nào còn sống sót và bị giam giữ ở Đông Nam Á”.

Thế nhưng, mãi một năm sau, Tổng thống Bill Clinton mới ra quyết định dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và một năm rưỡi sau Mỹ mới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với cựu thù.

Sở dĩ như vậy vì ông Clinton gặp phải nhiều lực cản nội bộ trong khi bản thân ông lại có quá khứ trốn nghĩa vụ quân sự gây tranh cãi, khiến Tổng thống rơi vào tình thế lưỡng nan khi ra quyết định về một vấn đề nhạy cảm như bình thường hóa quan hệ với cựu thù Việt Nam.

Tổng thống Clinton được người dân chào đón khi tới thăm khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)
Tổng thống Clinton được người dân chào đón khi tới thăm khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Một lần nữa, hai thượng nghị sĩ tên John lại tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu loại bỏ những rào cản chính trị cuối cùng trên con đường bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Tháng 1/1994, hai ông Kerry và McCain đồng bảo trợ một nghị quyết thúc giục Tổng thống gỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Nghị quyết được thông qua với 62/38 phiếu thuận, trao cho Tổng thống “lá chắn chính trị mà ông cần để dỡ bỏ cấm vận”.

Nhưng thực chất, chính uy tín tuyệt đối của ông Kerry và McCain, một là đại diện cho những người quyết tâm nói lên sự thực về chiến tranh Việt Nam và một là người anh hùng quân đội trở thành nhân vật hàn gắn, mới đem lại lá chắn chính trị thực sự cho Clinton, ông Vallely nhận xét.

Vào ngày 11/7/1995, sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã quay ngay sang người đàn ông đứng kế bên, Thượng nghị sĩ John McCain. Họ bắt đầu bắt tay nhau, nhưng rồi ôm chầm lấy nhau đầy xúc động. Người kế tiếp Tổng thống Clinton ôm hôn là Thượng nghị sĩ John Kerry.

Vượt qua các lằn ranh ý thức hệ, hai người đàn ông này đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác lưỡng đảng hiệu quả, dựa trên một nền tảng chung, đó là “những trải nghiệm về sự mất mát, nỗi đau và cay đắng đã định hình nên thế hệ những người Mỹ chiến đấu trong cuộc chiến ở Việt Nam và những người đấu tranh chống lại cuộc chiến đó”, ông Thomas Vallely nhận xét.

Kỳ 4: Đi để học từ “kẻ thù” quá khứ